Lịch nghỉ Tết Nguyên đán 2025 chính thức của CBCCVC và NLĐ sẽ kết thúc vào mùng 5 âm lịch có đúng không?
Lịch nghỉ Tết Nguyên đán 2025 của CBCCVC và NLĐ sẽ kết thúc vào mùng 5 âm lịch có đúng không?
Tết Nguyên đán (còn gọi là Tết Cả, Tết ta, Tết Âm lịch, Tết Cổ truyền hay đơn giản là Tết) là dịp lễ đầu năm Âm lịch quan trọng và có ý nghĩa nhất ở Việt Nam.
Căn cứ theo Điều 112 Bộ luật Lao động 2019 quy định:
Nghỉ lễ, tết
1. Người lao động được nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương trong những ngày lễ, tết sau đây:
a) Tết Dương lịch: 01 ngày (ngày 01 tháng 01 dương lịch);
b) Tết Âm lịch: 05 ngày;
c) Ngày Chiến thắng: 01 ngày (ngày 30 tháng 4 dương lịch);
d) Ngày Quốc tế lao động: 01 ngày (ngày 01 tháng 5 dương lịch);
đ) Quốc khánh: 02 ngày (ngày 02 tháng 9 dương lịch và 01 ngày liền kề trước hoặc sau);
e) Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương: 01 ngày (ngày 10 tháng 3 âm lịch).
2. Lao động là người nước ngoài làm việc tại Việt Nam ngoài các ngày nghỉ theo quy định tại khoản 1 Điều này còn được nghỉ thêm 01 ngày Tết cổ truyền dân tộc và 01 ngày Quốc khánh của nước họ.
3. Hằng năm, căn cứ vào điều kiện thực tế, Thủ tướng Chính phủ quyết định cụ thể ngày nghỉ quy định tại điểm b và điểm đ khoản 1 Điều này.
Theo đó, pháp luật quy định người lao động sẽ được nghỉ Tết Nguyên đán 5 ngày
Hằng năm, căn cứ vào điều kiện thực tế, Thủ tướng Chính phủ quyết định cụ thể lịch nghỉ Tết Nguyên đán.
Theo phương án Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trình Thủ tướng Chính phủ, Tết Nguyên đán năm 2025, cán bộ, công chức, viên chức được nghỉ 9 ngày liên tục, gồm 5 ngày nghỉ Tết và 4 ngày nghỉ hằng tuần.
Cụ thể, công chức, viên chức, người lao động được nghỉ Tết Nguyên đán 5 ngày, từ thứ Hai, ngày 27/1/2025 đến hết thứ Sáu, ngày 31/1/2025 (tức 28 tháng Chạp năm Giáp Thìn đến ngày mùng 3 tháng Giêng năm Ất Tỵ).
Tuy nhiên, do năm 2025, cả 5 ngày nghỉ Tết Nguyên đán rơi vào các ngày làm việc trong tuần nên người lao động được nghỉ thêm 2 ngày nghỉ cuối tuần trước và 2 ngày nghỉ sau nghỉ Tết.
Do vậy, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trình phương án công chức, viên chức, người lao động thuộc các cơ quan hành chính, sự nghiệp, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội sẽ được nghỉ từ 25/1 - 2/2/2025 (26 tháng Chạp đến hết mùng 5 tháng Giêng).
Phương án trên đã được Chính phủ chính thức thông qua tại Văn bản 8726/VPCP-KGVX năm 2024 của Văn phòng Chính phủ.
Xem chi tiết Văn bản số 8726/VPCP-KGVX năm 2024: Tại đây
Như vậy, lịch nghỉ Tết Nguyên đán 2025 của CBCCVC và NLĐ trong khu vực nhà nước sẽ kết thúc vào mùng 5/01/2025 âm lịch.
Lịch nghỉ Tết Nguyên đán 2025 chính thức của CBCCVC và NLĐ sẽ kết thúc vào mùng 5 âm lịch có đúng không?
Người lao động được thưởng Tết Nguyên đán 2025 bao nhiêu tiền?
Tại Điều 104 Bộ luật Lao động 2019 quy định về thưởng như sau:
Thưởng
1. Thưởng là số tiền hoặc tài sản hoặc bằng các hình thức khác mà người sử dụng lao động thưởng cho người lao động căn cứ vào kết quả sản xuất, kinh doanh, mức độ hoàn thành công việc của người lao động.
2. Quy chế thưởng do người sử dụng lao động quyết định và công bố công khai tại nơi làm việc sau khi tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở đối với nơi có tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở.
Theo đó, các khoản thưởng không phải là khoản bắt buộc người sử dụng lao động phải trả cho người lao động.
Do pháp luật không yêu cầu doanh nghiệp phải thưởng vào ngày lễ cho người lao động, cũng như không quy định mức thưởng ngày lễ như thế nào nên sẽ do doanh nghiệp chủ động.
Như vậy, người lao động nhận được tiền thưởng vào dịp Tết 2025 hay không phải căn cứ vào quy chế thưởng của công ty do người sử dụng lao động quyết định và công bố công khai tại nơi làm việc sau khi tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở đối với nơi có tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở.
Nếu doanh nghiệp không quy định trong quy chế thưởng ngày Tết Âm lịch thì người lao động sẽ không được thưởng vào ngày này.
Ngược lại, nếu doanh nghiệp có quy định trong quy chế thưởng ngày Tết Âm lịch thì doanh nghiệp sẽ thưởng tiền hoặc bằng hình thức khác cho người lao động.
Tính lương làm việc vào các ngày nghỉ lễ, tết của người lao động bằng công thức nào?
(1) Đối với người lao động hưởng lương theo tháng, tuần, giờ:
Căn cứ khoản 1 Điều 55 Nghị định 145/2020/NĐ-CP quy định đối với người lao động hưởng lương theo thời gian, được trả lương làm thêm giờ khi làm việc ngoài thời giờ làm việc bình thường do người sử dụng lao động quy định theo Điều 105 Bộ luật Lao động 2019 và được tính theo công thức sau:
Tiền lương làm thêm giờ = Tiền lương giờ thực trả của công việc đang làm vào ngày làm việc bình thường x Mức ít nhất 150% hoặc 200% hoặc 300% x Số giờ làm thêm
Trong đó:
Trường hợp người lao động làm việc theo chế độ hưởng lương theo tháng, tuần, giờ thì vào ngày nghỉ lễ, tết, ngày nghỉ có hưởng lương, người lao động sẽ được nhận lương mức ít nhất bằng 300% so với tiền lương giờ thực trả của công việc đang làm vào ngày làm việc bình thường, áp dụng đối với giờ làm thêm vào ngày nghỉ lễ, tết, ngày nghỉ có hưởng lương, chưa kể tiền lương của ngày nghỉ lễ, tết, ngày nghỉ có hưởng lương đối với người lao động hưởng lương ngày.
(2) Đối với người lao động hưởng lương theo sản phẩm:
Theo khoản 2 Điều 55 Nghị định 145/2020/NĐ-CP, trường hợp người lao động hưởng lương theo sản phẩm, được trả lương làm thêm giờ khi làm việc ngoài thời giờ làm việc bình thường để làm thêm số lượng, khối lượng sản phẩm ngoài số lượng, khối lượng sản phẩm theo định mức lao động theo thỏa thuận với người sử dụng lao động và được tính theo công thức sau:
Tiền lương làm thêm giờ = Đơn giá tiền lương sản phẩm của ngày làm việc bình thường x Mức ít nhất 150% hoặc 200% hoặc 300% x Số sản phẩm làm thêm
Trong đó:
Người lao động được hưởng mức ít nhất bằng 300% so với đơn giá tiền lương sản phẩm của ngày làm việc bình thường, áp dụng đối với sản phẩm làm thêm vào ngày nghỉ lễ, tết, ngày nghỉ có hưởng lương.