Lịch nghỉ lễ Giỗ Tổ Hùng Vương, 30/4, 1/5 và Quốc khánh năm 2024 của người lao động ra sao?
Lịch nghỉ lễ Giỗ Tổ Hùng Vương, 30/4, 1/5 và Quốc khánh năm 2024 của người lao động ra sao?
Năm 2024, ngày Giỗ Tổ Hùng Vương 10/3 Âm lịch rơi vào thứ năm ngày 18/4; dịp lễ Chiến thắng 30/4 và ngày Quốc tế lao động 1/5 rơi vào thứ ba ngày 30/4 và thứ tư ngày 1/5; ngày lễ Quốc khánh rơi vào thứ hai ngày 02/09/2024.
Lịch nghỉ lễ Giỗ Tổ Hùng Vương năm 2024:
Theo điểm e khoản 1 Điều 112 Bộ luật Lao động 2019, vào ngày Giỗ Tổ Hùng Vương, người lao động được nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương theo hợp đồng lao động trong 1 ngày là ngày 10 tháng 3 Âm lịch.
Năm 2024, ngày Giỗ Tổ Hùng Vương 10/3 Âm lịch rơi vào thứ năm ngày 18/4/2024. Đây là ngày làm việc trong tuần của người lao động nên lịch nghỉ Giỗ Tổ Hùng Vương năm 2024 sẽ kéo dài 1 ngày là thứ năm ngày 18/4/2024 (tức ngày 10/3 Âm lịch).
Lịch nghỉ lễ 30/4 và 1/5 năm 2024:
Theo điểm c, d khoản 1 Điều 112 Bộ luật Lao động 2019 thì dịp lễ Chiến thắng và ngày Quốc tế lao động, người lao được nghỉ 1 ngày 30/4 Dương lịch và 1 ngày 1/5 Dương lịch.
Năm 2024, ngày 30/4 và ngày 1/5 rơi vào thứ ba ngày 30/4/2024 và thứ tư ngày 1/5/2024. Đây cũng là các ngày làm việc trong tuần nên người lao động nghỉ đợt lễ này sẽ không được nghỉ bù.
Như vậy, lịch nghỉ dịp lễ 30/4 và 1/5 năm 2024 sẽ kéo dài 2 ngày từ thứ ba ngày 30/4/2024 đến hết thứ tư ngày 1/5/2024.
Lịch nghỉ lễ Quốc khánh năm 2024:
Theo thông báo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Công văn 8662/VPCP-KGVX năm 2023, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của các cơ quan hành chính, sự nghiệp, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội (sau đây gọi tắt là công chức, viên chức) nghỉ lễ Quốc khánh năm 2024 từ thứ bảy ngày 31/8/2024 đến hết thứ ba ngày 3/9/2024 Dương lịch. Đợt nghỉ này bao gồm 2 ngày nghỉ lễ Quốc khánh, 2 ngày nghỉ hằng tuần.
Các cơ quan, đơn vị thực hiện lịch nghỉ lễ Quốc khánh năm 2024 lưu ý thực hiện: bố trí, sắp xếp các bộ phận làm việc hợp lý để giải quyết công việc liên tục, đảm bảo tốt công tác phục vụ tổ chức, Nhân dân.
Các cơ quan, đơn vị không thực hiện lịch nghỉ cố định thứ bảy và chủ nhật hằng tuần, sẽ căn cứ vào chương trình, kế hoạch cụ thể của đơn vị để bố trí lịch nghỉ cho phù hợp.
Đối với người lao động không thuộc đối tượng quy định trên, người sử dụng lao động quyết định lựa chọn phương án nghỉ lễ Quốc khánh năm 2024 như sau: Thứ hai ngày 2/9/2024 Dương lịch và lựa chọn 1 trong 2 ngày: chủ nhật ngày 1/9/2024 hoặc thứ ba ngày 3/9/2024 Dương lịch.
Nếu người sử dụng lao động chọn nghỉ vào chủ nhật ngày 1/9/2024 thì người lao động được nghỉ bù ngày nghỉ hằng tuần vào ngày làm việc kế tiếp theo quy định tại khoản 3 Điều 111 Bộ luật Lao động 2019 tức nghỉ bù thêm 1 ngày vào 3/9/2024.
Đồng thời, cần thông báo phương án nghỉ lễ Quốc khánh năm 2024 cho người lao động trước khi thực hiện ít nhất 30 ngày.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội khuyến khích người sử dụng lao động áp dụng thời gian nghỉ tết âm lịch cho người lao động như quy định đối với công chức, viên chức.
Các dịp nghỉ lễ, tết khác thực hiện theo quy định của Bộ luật Lao động 2019.
Xem thêm thông tin tại: https://xaydungchinhsach.chinhphu.vn/lich-nghi-tet-nguyen-dan-giap-thin-nam-2024-11923110317204931.htm
Xem thêm:
>>> Đã có lịch nghỉ lễ 30/4 01/5 năm 2024 của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động chưa?
Lịch nghỉ lễ Giỗ Tổ Hùng Vương, 30/4, 1/5 và Quốc khánh năm 2024 của người lao động ra sao? (Hình từ Internet)
Người lao động có được thưởng vào các ngày nghỉ lễ không?
Việc thưởng vào dịp lễ hoàn toàn không mang tính bắt buộc mà sẽ do người sử dụng lao động quyết định dựa trên kết quả, tình hình sản xuất, kinh doanh của mình và thực hiện theo Quy chế thưởng do công ty công bố.
Do đó, tùy theo quy chế công ty có quy định hay không mà người lao động sẽ được thưởng vào các dịp lễ hoặc không.
(Theo Điều 104 Bộ luật Lao động 2019)
Cách tính tiền lương cho người lao động khi làm thêm giờ vào ban ngày của các ngày nghỉ lễ?
(1) Đối với người lao động hưởng lương theo tháng, tuần, giờ:
Căn cứ khoản 1 Điều 55 Nghị định 145/2020/NĐ-CP quy định đối với người lao động hưởng lương theo thời gian, được trả lương làm thêm giờ khi làm việc ngoài thời giờ làm việc bình thường do người sử dụng lao động quy định theo Điều 105 Bộ luật Lao động 2019 và được tính theo công thức sau:
Tiền lương làm thêm giờ = Tiền lương giờ thực trả của công việc đang làm vào ngày làm việc bình thường x Mức ít nhất 150% hoặc 200% hoặc 300% x Số giờ làm thêm
Trong đó:
Trường hợp người lao động làm việc theo chế độ hưởng lương theo tháng, tuần, giờ thì vào ngày nghỉ lễ, tết, ngày nghỉ có hưởng lương, người lao động sẽ được nhận lương mức ít nhất bằng 300% so với tiền lương giờ thực trả của công việc đang làm vào ngày làm việc bình thường, áp dụng đối với giờ làm thêm vào ngày nghỉ lễ, tết, ngày nghỉ có hưởng lương, chưa kể tiền lương của ngày nghỉ lễ, tết, ngày nghỉ có hưởng lương đối với người lao động hưởng lương ngày.
(2) Đối với người lao động hưởng lương theo sản phẩm:
Theo khoản 2 Điều 55 Nghị định 145/2020/NĐ-CP, trường hợp người lao động hưởng lương theo sản phẩm, được trả lương làm thêm giờ khi làm việc ngoài thời giờ làm việc bình thường để làm thêm số lượng, khối lượng sản phẩm ngoài số lượng, khối lượng sản phẩm theo định mức lao động theo thỏa thuận với người sử dụng lao động và được tính theo công thức sau:
Tiền lương làm thêm giờ = Đơn giá tiền lương sản phẩm của ngày làm việc bình thường x Mức ít nhất 150% hoặc 200% hoặc 300% x Số sản phẩm làm thêm
Trong đó:
Người lao động được hưởng mức ít nhất bằng 300% so với đơn giá tiền lương sản phẩm của ngày làm việc bình thường, áp dụng đối với sản phẩm làm thêm vào ngày nghỉ lễ, tết, ngày nghỉ có hưởng lương.