Lịch nghỉ hè của giáo viên 2024 như thế nào?
Lịch nghỉ hè của giáo viên 2024 như thế nào?
Tại Điều 1 Quyết định 2171/QĐ-BGDĐT năm 2023 có quy định về khung kế hoạch thời gian năm học 2023-2024 đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên áp dụng trong toàn quốc như sau:
Điều 1. Ban hành khung kế hoạch thời gian năm học 2023-2024 đối với ...
3. Kết thúc học kỳ I trước ngày 15 tháng 01 năm 2024, hoàn thành kế hoạch giáo dục học kỳ II trước ngày 25 tháng 5 năm 2024 và kết thúc năm học trước ngày 31 tháng 5 năm 2024.
...
Đồng thời, theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Nghị định 84/2020/NĐ-CP, thời gian nghỉ hè của giáo viên được quy định như sau:
- Thời gian nghỉ hè 8 tuần, áp dụng đối với:
+ Giáo viên ở nhà trẻ, nhóm trẻ độc lập; trường mẫu giáo, lớp mẫu giáo độc lập; trường mầm non, lớp mầm non độc lập;
+ Giáo trường viên tiểu học;
+ Giáo trường viên trung học cơ sở;
+ Giáo viên trường trung học phổ thông, trường phổ thông có nhiều cấp học;
+ Giáo viên trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú, trường dự bị đại học, trường chuyên, trường năng khiếu.
- Thời gian nghỉ hè 6 tuần, áp dụng đối với giáo viên trường trung cấp
Lưu ý: Thời gian nghỉ hè này bao gồm cả nghỉ phép hằng năm.
Trong trường hợp đột xuất, khẩn cấp để phòng chống thiên tai, dịch bệnh hoặc trường hợp cấp bách, thời gian nghỉ hè của nhà giáo cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông, trường chuyên biệt, trường trung cấp và trường cao đẳng do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quyết định theo thẩm quyền.
Năm nay, học sinh sẽ bắt đầu nghỉ hè sau khi kết thúc năm học. Theo khung kế hoạch thời gian năm học 2023-2024, học sinh sẽ hoàn thành kế hoạch giáo dục học kỳ 2 trước ngày 25 tháng 5 năm 2024 và kết thúc năm học trước ngày 31 tháng 5 năm 2024.
Dự kiến, học sinh sẽ bắt đầu lịch nghỉ hè sớm nhất vào ngày 26 tháng 5 năm 2024 và chậm nhất vào ngày 1 tháng 6 năm 2024, tùy thuộc vào lịch bế giảng của các trường.
Giáo viên thường được nghỉ hè cùng lúc với học sinh, tuy nhiên có thể vẫn phải đến trường thực hiện các công việc chuyên môn.
So với học sinh, thời gian nghỉ hè của giáo viên sẽ ngắn hơn do phải thực hiện thêm các công việc chuyên môn, báo cáo,...
Do vậy, lịch nghỉ hè của giáo viên có thể sẽ thực hiện cùng lúc với lịch nghỉ hè của học sinh, căn cứ vào kế hoạch đào tạo và điều kiện cụ thể của từng trường.
Lịch nghỉ hè của giáo viên 2024 như thế nào?
Giáo viên nghỉ hè có được hưởng phụ cấp thâm niên hay không?
Căn cứ Công văn 8982/BTC-HCSN năm 2020 trả lời Bộ GD&ĐT về việc thực hiện chế độ phụ cấp thâm niên nhà giáo có quy định như sau:
...
2. Tại thời điểm hiện nay, Chính phủ đang giao các cơ quan chức năng nghiên cứu báo cáo cấp có thẩm quyền về thời điểm thực hiện chế độ tiền lương mới theo Nghị quyết số 27-NQ/TW. Bộ Tài chính đề nghị Bộ GD&ĐT báo cáo Chính phủ trình Quốc hội cho lùi thời gian thực hiện Điều 76 Luật Giáo dục số 43/2019/QH14 ngày 14/6/2019 cho đến khi chế độ tiền lương mới ban hành và có hiệu lực; theo đó tiếp tục thực hiện chế độ phụ cấp thâm niên nhà giáo theo quy định tại Nghị định số 54/2011/NĐ-CP ngày 04/7/2011 về chế độ phụ cấp thâm niên đối với nhà giáo và các văn bản hướng dẫn.
...
Theo đó tiếp tục thực hiện chế độ phụ cấp thâm niên nhà giáo theo quy định tại Nghị định 54/2011/NĐ-CP ngày 04/7/2011 về chế độ phụ cấp thâm niên đối với nhà giáo và các văn bản hướng dẫn.
Đối chiếu với quy định cũ tại Điều 3 Nghị định 54/2011/NĐ-CP (Văn bản hết hiệu lực từ 01/07/2020) quy định như sau:
Mức phụ cấp
Nhà giáo đủ 5 năm (60 tháng) giảng dạy, giáo dục được tính hưởng mức phụ cấp thâm niên bằng 5% của mức lương hiện hưởng cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo và phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có); từ các năm sau trở đi, phụ cấp thâm niên mỗi năm được tính thêm 1%.
Phụ cấp thâm niên được tính trả cùng kỳ lương hàng tháng và được dùng để tính đóng, hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.
Căn cứ Điều 4 Nghị định 77/2021/NĐ-CP (đang có hiệu lực) thay thế Nghị định 54/2011/NĐ-CP quy định về mức phụ cấp thâm niên nhà giáo như sau:
Mức phụ cấp thâm niên
1. Nhà giáo tham gia giảng dạy, giáo dục có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc đủ 5 năm (60 tháng) được tính hưởng phụ cấp thâm niên bằng 5% mức lương hiện hưởng cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo và phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có). Từ năm thứ sáu trở đi, mỗi năm (đủ 12 tháng) được tính thêm 1%.
...
Theo đó hiện nay nhà giáo tham gia giảng dạy, giáo dục có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc đủ 5 năm (60 tháng) được tính hưởng phụ cấp thâm niên bằng 5% mức lương hiện hưởng cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo và phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có). Từ năm thứ sáu trở đi, mỗi năm (đủ 12 tháng) được tính thêm 1%.
Đồng thời, căn cứ theo quy định tại khoản 3 Điều 5 Thông tư 28/2009/TT-BGĐT:
Thời gian làm việc, thời gian nghỉ hằng năm
...
3. Thời gian nghỉ hằng năm của giáo viên gồm: nghỉ hè, nghỉ tết âm lịch, nghỉ học kỳ và các ngày nghỉ khác, cụ thể như sau:
a) Thời gian nghỉ hè của giáo viên thay cho nghỉ phép hằng năm là 02 tháng, được hưởng nguyên lương và các phụ cấp (nếu có);
...
Như vậy, trong thời gian nghỉ hè, giáo viên vẫn được hưởng các khoản phụ cấp. Do đó, nếu đáp ứng đủ các điều kiện hưởng phụ cấp thâm niên thì trong thời gian nghỉ hè, giáo viên vẫn được hưởng phụ cấp thâm niên.
Giáo viên có được dạy thêm ngoài nhà trường trong thời gian nghỉ hè hay không?
Tại Quyết định 2499/QĐ-BGDĐT năm 2019 bãi bỏ quy định về dạy thêm, học thêm khiến cho nhiều giáo viên nghĩ rằng bản thân không còn được dạy thêm, tuy nhiên nếu tìm hiểu kỹ thì quyết định này chỉ hạn chế những đối tượng nhất định mà không phải là tất cả trường hợp nhà giáo không được dạy thêm.
Cụ thể, quy định về xin phép dạy thêm tại Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT đã bị bãi bỏ bởi Quyết định 2499/QĐ-BGDĐT năm 2019 do Luật Đầu tư 2014 đã hết hiệu lực.
Theo quy định trước đây tại Điều 7 Luật Đầu tư 2014 quy định về ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện như sau:
Ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện
...
2. Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện được quy định tại Phụ lục 4 của Luật này.
...
Theo đó, Luật Đầu tư 2014 quy định việc dạy thêm là ngành nghề kinh doanh có điều kiện tại Số thứ tự 152 Phụ lục 4 Luật Đầu tư 2014.
Tuy nhiên từ ngày 01/01/2021, Luật Đầu tư 2020 không còn quy định dạy thêm là ngành nghề kinh doanh có điều kiện nữa. Đồng thời, việc dạy thêm không còn phải xin giấy phép.
Trường hợp giáo viên có nhu cầu tổ chức dạy thêm ngoài nhà trường thì chỉ cần làm thủ tục đăng ký kinh doanh dịch vụ dạy thêm, học thêm (mã ngành 8559) tùy thuộc quy mô hoạt động của cơ sở bên mình, có thể dưới hình thức hộ kinh doanh,… và thực hiện các nghĩa vụ khai, nộp thuế theo quy định.
Đơn vị cấp phép đầu tư, kinh doanh dạy thêm sẽ được Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp phép và Sở Giáo dục và đào tạo chịu trách nhiệm về chuyên môn.