Lao động tự do có được đóng bảo hiểm xã hội hay không?
Người nào được xem là lao động tự do?
Hiện nay, chưa có định nghĩa về lao động tự do. Tuy nhiên, có thể hiểu rằng đối tượng lao động không có giao kết hợp đồng lao động được gọi là lao động tự do (hay freelancer).
Từ cách hiểu này, đối tượng lao động tự do được xác định rất rộng.
Đơn cử, theo Nghị quyết 09/2021/NQ-HĐND về chế độ, chính sách đặc thù phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19, hỗ trợ người dân bị tác động bởi dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh, có xác định một số đối tượng lao động tự do như:
+ Bán hàng rong, buôn bán nhỏ lẻ trên đường phố;
+ Thu gom rác, phế liệu;
+ Bốc vác, vận chuyển hàng hóa;
+ Bán vé số lưu động;
+ Tự làm hoặc làm việc tại các hộ kinh doanh trong lĩnh vực ăn uống, lưu trú, du lịch, chăm sóc sức khỏe (bao gồm cả bảo vệ);
Còn tại Quyết định 2379/QĐ-UBND năm 2021 về thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động gặp khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh Đồng Nai thì liệt kê một số đối tượng lao động tự do bao gồm:
+ Thu gom rác, phế liệu, bốc vác, vận chuyển hàng hóa.
+ Lái xe mô tô 02 bánh chở khách (xe ôm), lái xe công nghệ 02 bánh.
+ Bán lẻ vé số lưu động, bán hàng rong, buôn bán nhỏ lẻ không có địa điểm cố định.
+ Lao động giúp việc gia đình, lao động trong các cơ sở giáo dục mầm non.
(Lưu ý: Trên đây chỉ liệt kê một số đối tượng lao động tự do không phải toàn bộ)
Lao động tự do có được đóng bảo hiểm xã hội hay không?
Lao động tự do có được đóng bảo hiểm xã hội hay không?
Tại khoản 1 và khoản 4 Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 có quy định như sau:
Đối tượng áp dụng
1. Người lao động là công dân Việt Nam thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bao gồm:
a) Người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng, kể cả hợp đồng lao động được ký kết giữa người sử dụng lao động với người đại diện theo pháp luật của người dưới 15 tuổi theo quy định của pháp luật về lao động;
b) Người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 01 tháng đến dưới 03 tháng;
c) Cán bộ, công chức, viên chức;
d) Công nhân quốc phòng, công nhân công an, người làm công tác khác trong tổ chức cơ yếu;
đ) Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp quân đội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật công an nhân dân; người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân;
e) Hạ sĩ quan, chiến sĩ quân đội nhân dân; hạ sĩ quan, chiến sĩ công an nhân dân phục vụ có thời hạn; học viên quân đội, công an, cơ yếu đang theo học được hưởng sinh hoạt phí;
g) Người đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng quy định tại Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng;
h) Người quản lý doanh nghiệp, người quản lý điều hành hợp tác xã có hưởng tiền lương;
i) Người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn.
...
4. Người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện là công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên và không thuộc đối tượng quy định tại khoản 1 Điều này.
Hiện hành, theo Luật Bảo hiểm xã hội 2014 có 02 loại hình bảo hiểm xã hội gồm: bảo hiểm xã hội bắt buộc và bảo hiểm xã hội tự nguyện.
Nhưng vì các đối tượng làm lao động tự do sẽ không giao kết hợp đồng lao động nên không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.
Tuy nhiên, những người lao động tự do có thể tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện khi có nhu cầu và để được hưởng các chế độ của bảo hiểm xã hội tự nguyện.
Lao động tự do đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện với mức bao nhiêu?
Tại khoản 1 Điều 87 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 có quy định như sau:
Mức đóng và phương thức đóng của người lao động tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện
1. Người lao động quy định tại khoản 4 Điều 2 của Luật này, hằng tháng đóng bằng 22% mức thu nhập tháng do người lao động lựa chọn để đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất; mức thu nhập tháng làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội thấp nhất bằng mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn và cao nhất bằng 20 lần mức lương cơ sở.
Căn cứ vào điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, khả năng ngân sách nhà nước trong từng thời kỳ để quy định mức hỗ trợ, đối tượng hỗ trợ và thời điểm thực hiện chính sách hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.
...
Theo đó, người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện được lựa chọn mức thu nhập tháng để đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất.
Mức đóng hằng tháng sẽ bằng 22% mức thu nhập người lao động đã chọn
Bên cạnh đó, theo khoản 1 Điều 9 Thông tư 01/2016/TT-BLĐTBXH hướng dẫn cách tính mức đóng hằng tháng như sau:
Mdt = 22% x Mtnt
Trong đó:
- Mdt: Mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện hằng tháng.
- Mtnt: mức thu nhập tháng do người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện lựa chọn.
Mtnt = CN + m x 50.000 (đồng/tháng)
Trong đó:
- CN: Mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn tại thời Điểm đóng (đồng/tháng).
- m: Tham số tự nhiên có giá trị từ 0 đến n.
Mức thu nhập tháng người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện lựa chọn thấp nhất bằng mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn, cao nhất bằng 20 lần mức lương cơ sở.
Theo khoản 1 Điều 3 Nghị định 07/2021/NĐ-CP quy định về mức chuẩn hộ nghèo khu vực nông thôn 2022 - 2025 là 1.500.000 đồng.
Theo khoản 2 Điều 3 Nghị định 24/2023/NĐ-CP thì mức lương cơ sở từ ngày 01/7/2023 là 1.800.000 đồng. Như vậy, mức thu nhập tháng làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội cao nhất bằng 36.000.000 đồng.
Bên cạnh đó căn cứ theo khoản 2 Điều 17 Nghị định 134/2015/NĐ-CP thì từ ngày 01/01/2018 thì người tham gia BHXH tự nguyện sẽ được nhà nước hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm xã hội.
Và theo khoản 1 Điều 14 Nghị định 134/2015/NĐ-CP quy định người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện được Nhà nước hỗ trợ tiền đóng theo tỷ lệ phần trăm (%) trên mức đóng bảo hiểm xã hội hằng tháng theo mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn, cụ thể:
- Bằng 30% đối với người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện thuộc hộ nghèo;
- Bằng 25% đối với người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện thuộc hộ cận nghèo;
- Bằng 10% đối với các đối tượng khác.