Làm việc đến khi nào thì mới được hưởng lương hưu?
Làm việc đến khi nào thì mới được hưởng lương hưu?
Căn cứ Điều 54 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 được sửa đổi bởi điểm a khoản 1 Điều 219 Bộ luật Lao động 2019 quy định:
Điều kiện hưởng lương hưu
1. Người lao động quy định tại các điểm a, b, c, d, g, h và i khoản 1 Điều 2 của Luật này, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, khi nghỉ việc có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên thì được hưởng lương hưu nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Đủ tuổi theo quy định tại khoản 2 Điều 169 của Bộ luật Lao động;
b) Đủ tuổi theo quy định tại khoản 3 Điều 169 của Bộ luật Lao động và có đủ 15 năm làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành hoặc có đủ 15 năm làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn bao gồm cả thời gian làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên trước ngày 01 tháng 01 năm 2021;
c) Người lao động có tuổi thấp hơn tối đa 10 tuổi so với tuổi nghỉ hưu của người lao động quy định tại khoản 2 Điều 169 của Bộ luật Lao động và có đủ 15 năm làm công việc khai thác than trong hầm lò;
d) Người bị nhiễm HIV do tai nạn rủi ro nghề nghiệp trong khi thực hiện nhiệm vụ được giao.
2. Người lao động quy định tại điểm đ và điểm e khoản 1 Điều 2 của Luật này nghỉ việc có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên được hưởng lương hưu khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Có tuổi thấp hơn tối đa 05 tuổi so với tuổi nghỉ hưu quy định tại khoản 2 Điều 169 của Bộ luật Lao động, trừ trường hợp Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam, Luật Công an nhân dân, Luật Cơ yếu, Luật Quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng có quy định khác;
b) Có tuổi thấp hơn tối đa 05 tuổi so với tuổi nghỉ hưu quy định tại khoản 3 Điều 169 của Bộ luật Lao động và có đủ 15 năm làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành hoặc có đủ 15 năm làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn bao gồm cả thời gian làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên trước ngày 01 tháng 01 năm 2021;
Về cơ bản người lao động làm việc đến tuổi nghỉ hưu và có đủ thời gian tham gia bảo hiểm xã hội thì sẽ được hưởng lương hưu.
Trong điều kiện bình thường, theo Nghị định 135/2020/NĐ-CP thì tuổi nghỉ hưu theo lộ trình, tuy nhiên năm 2023 thì tuổi nghỉ hưu của nam là 60 tuổi 9 tháng, nữ 56 tuổi.
Làm việc đến khi nào thì mới được hưởng lương hưu? (Hình từ Internet)
Người lao động hưởng lương hưu có được cấp thẻ bảo hiểm y tế hay không?
Theo quy định tại khoản 2 Điều 12 Luật Bảo hiểm y tế 2008 được sửa đổi bởi khoản 6 Điều 1 Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi 2014 như sau:
Đối tượng tham gia bảo hiểm y tế
..
2. Nhóm do tổ chức bảo hiểm xã hội đóng, bao gồm:
a) Người hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hằng tháng;
b) Người đang hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng do bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hoặc mắc bệnh thuộc danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày; người từ đủ 80 tuổi trở lên đang hưởng trợ cấp tuất hằng tháng;
c) Cán bộ xã, phường, thị trấn đã nghỉ việc đang hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng;
d) Người đang hưởng trợ cấp thất nghiệp.
...
Và quy định tại khoản 1 Điều 16 Luật Bảo hiểm y tế 2008 như sau:
Thẻ bảo hiểm y tế
1. Thẻ bảo hiểm y tế được cấp cho người tham gia bảo hiểm y tế và làm căn cứ để được hưởng các quyền lợi về bảo hiểm y tế theo quy định của Luật này.
...
Theo đó, người lao động đang hưởng lương hưu sẽ được tổ chức bảo hiểm xã hội đóng khoản tiền bảo hiểm y tế cho mình và sẽ được cấp thẻ bảo hiểm y tế để được hưởng các quyền lợi về bảo hiểm y tế.
Người đang hưởng lương hưu mất, người thân sẽ được nhận tiền gì?
Đối với người đóng Bảo hiểm xã hội đang hưởng lương hưu khi qua đời, người thân sẽ được hưởng các khoản trợ cấp sau:
Trợ cấp mai táng được quy định tại điểm c khoản 1 Điều 66 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 với mức hưởng bằng 10 lần mức lương cơ sở tại tháng mà người đang hưởng lương hưu qua đời.
Trợ cấp mai táng
1. Những người sau đây khi chết thì người lo mai táng được nhận một lần trợ cấp mai táng:
...
c) Người đang hưởng lương hưu; hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hằng tháng đã nghỉ việc.
2. Trợ cấp mai táng bằng 10 lần mức lương cơ sở tại tháng mà người quy định tại khoản 1 Điều này chết.
...
Hưởng trợ cấp tuất hàng tháng nếu thuộc các trường hợp được hưởng theo quy định tại khoản 2 Điều 67 Luật Bảo hiểm xã hội 2014.
Các trường hợp hưởng trợ cấp tuất hằng tháng
...
2. Thân nhân của những người quy định tại khoản 1 Điều này được hưởng trợ cấp tuất hằng tháng, bao gồm:
a) Con chưa đủ 18 tuổi; con từ đủ 18 tuổi trở lên nếu bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên; con được sinh khi người bố chết mà người mẹ đang mang thai;
b) Vợ từ đủ 55 tuổi trở lên hoặc chồng từ đủ 60 tuổi trở lên; vợ dưới 55 tuổi, chồng dưới 60 tuổi nếu bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên;
c) Cha đẻ, mẹ đẻ, cha đẻ của vợ hoặc cha đẻ của chồng, mẹ đẻ của vợ hoặc mẹ đẻ của chồng, thành viên khác trong gia đình mà người tham gia bảo hiểm xã hội đang có nghĩa vụ nuôi dưỡng theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình nếu từ đủ 60 tuổi trở lên đối với nam, từ đủ 55 tuổi trở lên đối với nữ;
d) Cha đẻ, mẹ đẻ, cha đẻ của vợ hoặc cha đẻ của chồng, mẹ đẻ của vợ hoặc mẹ đẻ của chồng, thành viên khác trong gia đình mà người tham gia bảo hiểm xã hội đang có nghĩa vụ nuôi dưỡng theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình nếu dưới 60 tuổi đối với nam, dưới 55 tuổi đối với nữ và bị suy giảm khả năng lao động từ 81 % trở lên.
Theo đó, nếu gia đình bạn có ai đủ điều kiện nhận trợ cấp tử tuất hàng tháng theo quy định 7 như trên thì sẽ nhận được trợ cấp tử tuất hàng tháng.
Trong trương hợp không có ai đáp ứng điều kiện nhận trợ cấp tử tuất hàng tháng thì người lao động đang hưởng lương hưu chết thì người lo mai táng sẽ được nhận trợ cấp mai táng một lần. Mức trợ cấp mai táng bằng 10 lần mức lương cơ sở tại tháng mà người lao động đang hưởng lương hưu chết.