Làm thế nào để tra cứu mã số bảo hiểm xã hội của người lao động?
Pháp luật quy định như thế nào về mã số bảo hiểm xã hội?
Căn cứ theo Khoản 2 Điều 2 Quy trình ban hành kèm theo Quyết định 595/QĐ/BHXH năm 2017 có quy định:
Giải thích từ ngữ
2. Giải thích từ ngữ
Trong Văn bản này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
…
2.13. Mã số BHXH: là số định danh cá nhân duy nhất của người tham gia do cơ quan BHXH cấp để ghi trên sổ BHXH, thẻ BHYT.
Như vậy, khi người lao động tham bảo hiểm xã hội sẽ được cấp mã số BHXH, số này được ghi trên sổ BHXH, thẻ BHYT.
Tra cứu mã số bảo hiểm xã hội của người lao động (Hình từ Internet)
Làm thế nào để tra cứu mã số bảo hiểm xã hội của người lao động?
Mã số này cũng được sử dụng để quản lý và theo dõi các khoản đóng bảo hiểm xã hội của cá nhân hoặc doanh nghiệp. Giúp người lao động xác định được chính xác bảo hiểm xã hội của mình. Sau đây là cách tra cứu mã số bảo hiểm xã hội trong trường hợp người lao động không nhớ được mã số như sau:
Như đề cập tại Khoản 2 Điều 2 Quy trình ban hành kèm theo Quyết định 595/QĐ/BHXH năm 2017 mã số BHXH sẽ được ghi trên sổ BHXH, thẻ BHYT như vậy người lao động có thể xem thông tin để tra cứu, cụ thể:
(1) Xem trên bìa sổ BHXH
Mã số BHXH sẽ được thể hiện ngay trên sổ bìa BHXH. Do đó nếu đang sở hữu sổ BHXH trong tay, người lao động có thể nhìn thấy mã số được in ngay trên bìa sổ của mình.
(2) Xem trên thẻ BHYT
Nếu đang dùng thẻ BHYT mẫu cũ
Mã số BHXH chính là 10 số cuối của mã số thẻ BHYT. Mã số thẻ BHYT gồm 04 ô:
- Ô đầu tiên gồm 02 chữ cái, là mã đối tượng tham gia BHYT
- Ô thứ 2 được ký hiệu bằng số (theo số thứ tự từ 1 - 5) là mức hưởng BHYT.
- Ô thứ 3 được ký hiệu bằng số (từ 01 đến 99) là mã tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, nơi phát hành thẻ BHYT.
- Ô thứ 4 gồm 10 số tự nhiên, đó là mã số BHXH của người tham gia.
- Nếu đang dùng thẻ BHYT mẫu mới: mã số BHXH cũng chính là mã số BHYT trên thẻ.
(3) Ngoài ra, người lao động đã đăng ký số điện thoại với cơ quan BHXH thì có thể tra cứu mã số BHXH trực tuyến như sau:
Bước 1: Truy cập vào website bảo hiểm xã hội
Bước 2: Truy cập vào Tra cứu trực tuyến, sau đó nhấn vào Tra cứu mã số BHXH
Bước 3: Nhập đầy đủ thông tin
Tỉnh/TP (*): Theo nơi đăng ký thường trú
Họ tên (*): Lựa chọn Gõ tên “Không dấu” hoặc “Có dấu”, tùy theo người tra cứu. Lưu ý, khi gõ tên cần gõ đúng chính tả, tránh trường hợp không cho ra kết quả tra cứu.
Cần nhập ít nhất 1 trong các trường (Mã số BHXH, Ngày sinh hoặc Số CCCD/CMND/Hộ chiếu) để tra cứu thông tin.
Bước 4: Nhấn vào Tôi không phải người máy, sau đó nhấn Tra cứu để có được mã số BHXH, màn hình sẽ hiển thị kết quả tra cứu.
Trên đây là 3 cách tra cứu mã số BHXH giúp người lao động có thể nhanh chóng kiểm tra được mã số và tra cứu được quá trình tham gia BHXH, BHYT và bảo hiểm thất nghiệp.
Người lao động nên làm gì nếu phát hiện công ty chậm đóng tiền bảo hiểm xã hội?
Sau khi tra cứu mã số BHXH, người lao động phát hiện công ty vẫn chưa đóng đủ bảo hiểm xã hội cho mình thì người lao động có thể thực hiện các bước sau để bảo vệ quyền và lợi ích của mình:
- Gửi yêu cầu trực tiếp đến ban lãnh đạo công ty yêu cầu giải quyết việc chậm đóng bảo hiểm xã hội.
Trường hợp công ty từ chối giải quyết hoặc người lao động không đồng ý với quyết định giải quyết của công ty thì căn cứ theo Điều 15 Nghị định 24/2018/NĐ-CP, người lao động gửi đơn khiếu nại đến Chánh Thanh tra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, nơi công ty đặt trụ sở để được giải quyết.
Trường hợp người khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu hoặc quá thời hạn mà khiếu nại không được giải quyết thì người khiếu nại có quyền khởi kiện tại tòa án.
Công ty chậm đóng BHXH cho người lao động bị xử phạt như thế nào?
Căn cứ khoản 5 Điều 39 Nghị định 12/2022/NĐ-CP quy định như sau:
Vi phạm quy định về đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp
…
Phạt tiền từ 12% đến 15% tổng số tiền phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính nhưng tối đa không quá 75.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:
a) Chậm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp;
b) Đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp không đúng mức quy định mà không phải là trốn đóng;
c) Đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp không đủ số người thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp mà không phải là trốn đóng;
d) Chiếm dụng tiền đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp của người lao động.
…
10. Biện pháp khắc phục hậu quả
a) Buộc người sử dụng lao động đóng đủ số tiền bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp phải đóng cho cơ quan bảo hiểm xã hội đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 5, 6, 7 Điều này;
b) Buộc người sử dụng lao động nộp khoản tiền lãi bằng 02 lần mức lãi suất đầu tư quỹ bảo hiểm xã hội bình quân của năm trước liền kề tính trên số tiền, thời gian chậm đóng, không đóng, trốn đóng, chiếm dụng tiền đóng; nếu không thực hiện thì theo yêu cầu của người có thẩm quyền, ngân hàng, tổ chức tín dụng khác, kho bạc nhà nước có trách nhiệm trích từ tài khoản tiền gửi của người sử dụng lao động để nộp số tiền chưa đóng, chậm đóng và khoản tiền lãi của số tiền này tính theo lãi suất tiền gửi không kỳ hạn cao nhất của các ngân hàng thương mại nhà nước công bố tại thời điểm xử phạt vào tài khoản của cơ quan bảo hiểm xã hội đối với những hành vi vi phạm quy định tại các khoản 5, 6, 7 Điều này từ 30 ngày trở lên.
Lưu ý: Theo quy định tại khoản 1 Điều 6 Nghị định 12/2022/NĐ-CP mức xử lý hành chính này là mức phạt đối với người sử dụng lao động là cá nhân, đối với công ty (tổ chức) mức phạt tiền sẽ gấp 02 lần.
Như vậy, nếu công ty chậm đóng bảo hiểm xã hội sẽ bị phạt từ từ 24 % đến 30% tổng số tiền phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc nhưng không quá 150.000.000 đồng và áp dụng thêm biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định pháp luật.