Làm thế nào để đề nghị tăng lương thành công? Mẫu đơn đề nghị tăng lương mới nhất gồm những gì?
Làm thế nào để đề nghị tăng lương thành công?
Hầu hết các công ty đều có lịch xét tăng lương 6 tháng đến 1 năm một lần. Nhưng hầu hết nhân viên đều e dè khi đề xuất tăng lương, rồi từ bỏ ý định. Một lý do phổ biến là người lao động thường ngại ngùng khi nói đến vấn đề tiền nong.
Trong một cuộc khảo sát của trang careerbuilder.vn thì 28% những người chưa bao giờ đàm phán lương cho biết: họ không cảm thấy thoải mái khi yêu cầu tăng lương. Đa số những người được hỏi thừa nhận họ không muốn bị coi là tự mãn.
Nhưng yêu cầu những gì bạn xứng đáng không phải là tự mãn. Nếu bạn muốn đề xuất tăng lương nhưng không biết bắt đầu từ đâu, hãy xem xét 08 cách sau:
(1) Xác định giá trị bản thân
Đã đến lúc ghi nhận vị trí, vai trò, trách nhiệm và sự cống hiến của bạn cho sự thành công của công ty. Khi bạn biết điểm mạnh nhất của mình trong tổ chức hoặc lĩnh vực mà bạn làm việc, bạn sẽ tìm kiếm bằng chứng để thuyết phục sếp của mình.
Hơn nữa, điều quan trọng nhất mà bạn nên chú ý khi đề nghị tăng lương là bạn phải tin vào chính mình, và bạn biết chắc mình xứng đáng với điều đó. Nó sẽ làm cho lời đề nghị tăng lương trở nên thuyết phục hơn.
(2) Chủ động nhận nhiều việc hơn
Nếu bạn cảm thấy mình có đủ thời gian và khả năng để nắm giữ nhiều trách nhiệm hơn, bạn nên chủ động đảm nhận thêm công việc mà công ty cần. Đừng đợi đến kỳ review lương mới vội vàng tìm việc để làm.
Thay vào đó, bạn nên chủ động yêu cầu các nhiệm vụ trong tầm tay. Đừng ngần ngại khám phá bản thân ở những vị trí mới và thể hiện tinh thần sẵn sàng đối mặt với khó khăn để hoàn thành tốt công việc.
Hãy bắt đầu làm việc chăm chỉ hơn và nâng cao kỹ năng chuyên môn vài tháng trước khi yêu cầu tăng lương. Điều đó không chỉ thể hiện bạn là người cầu tiến, ham học hỏi mà còn là người có tinh thần làm việc nhóm tốt và xứng đáng được tăng lương.
(3) Báo cáo thành tích công việc
Trước khi gặp sếp để yêu cầu tăng lương, bạn nên thu thập các tài liệu chứng minh kết quả công việc của mình trong quá khứ và trình bày một cách khoa học, có tổ chức. Hãy cụ thể hóa những thành tích bạn đã đạt được để thuyết phục sếp rằng bạn xứng đáng được tăng lương.
Từ đó, cho sếp thấy bạn đã có những đóng góp quan trọng như thế nào đối với hoạt động của công ty. Chẳng hạn, bạn đã hoàn thành xuất sắc một dự án, mang lại lợi nhuận lớn hoặc có nhiều sáng kiến mới.
Và đừng quên gửi cho sếp những email hay thư khen ngợi của quản lý, khách hàng hay đồng nghiệp dành cho bạn. Từ đó giúp sếp thấy được giá trị thực sự của bạn.
(4) Thiết lập tốt mạng lưới quan hệ
Mạng lưới quan hệ tốt là điều kiện cần để tăng khả năng thành công khi yêu cầu tăng lương. Dựa vào các mối quan hệ trong công ty, bạn sẽ biết được những dịp dự kiến tăng lương của công ty hoặc nhận được những nhận xét tốt khi sếp cần tham khảo.
Đôi khi những góp ý, nhận xét từ các bộ phận khác cũng giúp bạn tăng cơ hội được tăng lương.
(5) Khảo sát lương thị trường
Một lý do đơn giản nhưng hiệu quả để bạn được tăng lương là mức lương hiện tại của bạn thấp. Lý do yêu cầu tăng lương sẽ thuyết phục hơn với sếp rằng bạn ý thức rất rõ về giá trị của mình và bạn sẵn sàng rời bỏ thị trường việc làm rộng mở để làm việc tại đây.
Vì vậy, bạn nên tìm hiểu thông tin về ngành nghề, trình độ cùng với mức lương và chế độ phúc lợi của những người cùng lĩnh vực. Nó giúp bạn xem xét và so sánh với công việc thực tế của mình.
Tiếp theo, hãy tìm hiểu chính sách tiền lương của công ty bạn. Bạn có đáp ứng các điều kiện tăng lương trong đó không? Biết đủ thông tin về mức lương trung bình trên thị trường là một yếu tố để bạn đàm phán tốt hơn.
(6) Chọn đúng thời điểm
Hãy xem xét tất cả các yếu tố khi chọn đúng thời điểm. Tình hình kinh doanh công ty đang tốt đẹp? Hay công ty có kế hoạch tăng lương cho nhân viên? Theo nghiên cứu, thời điểm tốt nhất để yêu cầu tăng lương là sau khi bạn hoàn thành xuất sắc một dự án phức tạp hoặc nhiệm vụ khó khăn.
Tất nhiên, bạn cũng nên tránh những lúc sếp bận rộn với một núi công việc cần xử lý. Hãy luôn nhớ rằng: Chuyện tế nhị về tiền lương cần được nói vào đúng thời điểm và khi sếp cảm thấy thoải mái nhất.
(7) Nói chuyện cởi mở và lịch sự
Khi nói chuyện với sếp về việc tăng lương, hãy cởi mở, lịch sự và chuyên nghiệp. Đừng quá lo lắng mà quên đi tất cả những gì bạn đã chuẩn bị. Bạn nên bắt đầu cuộc trò chuyện bằng câu chuyện về những đóng góp của mình cho công ty.
(8) Đề xuất tăng lương hợp lý
Yêu cầu tăng lương bao nhiêu cũng là một vấn đề bạn cần cân nhắc kỹ lưỡng. Mức tăng như thế nào là hợp lý, phù hợp với khả năng của công ty và mong muốn của bạn luôn là câu hỏi khiến nhiều người đau đầu.
Vì vậy, nếu thấy mình làm cần được trả thêm 10%, thì bạn có thể đề nghị sếp tăng lương cho mình thêm 15% rồi thương lượng dần mức lương mà mình mong muốn.
Làm thế nào để đề nghị tăng lương thành công? Mẫu đơn đề nghị tăng lương mới nhất? (Hình từ Internet)
Mẫu đơn đề nghị tăng lương mới nhất như thế nào?
Xin tăng lương là một quá trình cần được chuẩn bị kỹ lưỡng và thực hiện một cách chuyên nghiệp.
Hiện nay, mẫu đơn đề nghị tăng lương không được quy định trong Bộ luật Lao động 2019 và các văn bản pháp luật hiện hành. Các bạn có thể tham khảo mẫu sau đây:
Tải Mẫu đơn đề nghị tăng lương: Tại đây.
Cần lưu ý gì khi viết đơn đề nghị tăng lương?
Khi viết đơn đề nghị tăng lương, có một số điểm quan trọng cần lưu ý để tăng khả năng thành công và đảm bảo đơn xin của bạn truyền đạt thông điệp một cách rõ ràng và chuyên nghiệp. Dưới đây là một số lưu ý mà bạn có thể tham khảo:
(1) Đừng tỏ thái độ tự đắc và kiêu ngạo:
Khi bạn cảm thấy mình đủ tốt để đề nghị tăng lương, rất có thể đâu đó đã nhen nhóm sự kiêu ngạo và tự cao trong chính bạn.
Điều đó hoàn toàn không nên, nó có thể khiến bạn gây ấn tượng xấu với sếp khi mức lương chưa được duyệt. Bạn cần điều chỉnh và tạo cho mình một tư duy khiêm tốn, ham học hỏi.
(2) Đề xuất mức lương quá cao:
Đưa ra mức lương quá cao so với năng lực và mặt bằng chung của vị trí công việc sẽ rất khó được chấp thuận. Để tránh điều này, bạn nên tham khảo mức lương trước từ bạn bè hoặc các trang tìm việc.
(3) Không so sánh lương với đồng nghiệp khác:
Mỗi vị trí, mỗi người với năng lực khác nhau thì tất nhiên phải có mức lương khác nhau. Không nên xem xét mức lương của mình dựa trên mức lương của đồng nghiệp.
(4) Không phàn nàn về công ty hay đồng nghiệp:
Lãnh đạo, giám đốc là nơi để bạn học hỏi, không phải là nơi để phàn nàn về những vấn đề cá nhân. Thời gian là vàng bạc và không nên đánh mất giá trị bằng những câu nói dài dòng vô ích.
Điều bạn nên làm là trình bày mục đích chính của mình và chứng minh ngắn gọn đủ để thuyết phục sếp.
Không bất đồng, tranh cãi nếu kết quả không như ý muốn: Bạn đang đề nghị tăng lương chứ không phải xin nghỉ việc nên đảm bảo không xảy ra tranh cãi và ảnh hưởng đến công việc sau này.
Đừng quá lo lắng về mức lương, đôi khi tăng phúc lợi lại càng có ích cho bạn. Bạn cũng nên lắng nghe lý do không được tăng lương, để khắc phục và chờ đợt xét tăng lương tiếp theo.