Ký hợp đồng lao động với 2 công ty thì có được hưởng chế độ ốm đau ở 2 nơi không?
Có được ký hợp đồng lao động với hai công ty?
Tại khoản 1 Điều 19 Bộ luật Lao động 2019 có quy định như sau:
Giao kết nhiều hợp đồng lao động
1. Người lao động có thể giao kết nhiều hợp đồng lao động với nhiều người sử dụng lao động nhưng phải bảo đảm thực hiện đầy đủ các nội dung đã giao kết.
2. Người lao động đồng thời giao kết nhiều hợp đồng lao động với nhiều người sử dụng lao động thì việc tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp được thực hiện theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và an toàn, vệ sinh lao động.
Theo quy định này, người lao động có thể giao kết hợp đồng lao động với nhiều người sử dụng lao động, không hạn chế số lượng hợp đồng ký kết nhưng khi ký các hợp đồng lao động đó phải đảm bảo được các quyền và nghĩa vụ của các hợp đồng đã ký kết trước đó.
Ký hợp đồng lao động với 2 công ty thì có được hưởng chế độ ốm đau ở 2 nơi không? (Hình từ Internet)
Ký hợp đồng lao động với hai công ty có phải đóng bảo hiểm xã hội ở cả hai nơi làm việc?
Tại khoản 1 Điều 85 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 và khoản 4 Điều 85 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 có quy định như sau:
Mức đóng và phương thức đóng của người lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc
1. Người lao động quy định tại các điểm a, b, c, d, đ và h khoản 1 Điều 2 của Luật này, hằng tháng đóng bằng 8% mức tiền lương tháng vào quỹ hưu trí và tử tuất.
Người lao động quy định điểm i khoản 1 Điều 2 của Luật này, hằng tháng đóng bằng 8% mức lương cơ sở vào quỹ hưu trí và tử tuất.
2. Người lao động quy định tại điểm g khoản 1 Điều 2 của Luật này, mức đóng và phương thức đóng được quy định như sau:
a) Mức đóng hằng tháng vào quỹ hưu trí và tử tuất bằng 22% mức tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của người lao động trước khi đi làm việc ở nước ngoài, đối với người lao động đã có quá trình tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc; bằng 22% của 02 lần mức lương cơ sở đối với người lao động chưa tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc hoặc đã tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc nhưng đã hưởng bảo hiểm xã hội một lần;
b) Phương thức đóng được thực hiện 3 tháng, 06 tháng, 12 tháng một lần hoặc đóng trước một lần theo thời hạn ghi trong hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Người lao động đóng trực tiếp cho cơ quan bảo hiểm xã hội nơi cư trú của người lao động trước khi đi làm việc ở nước ngoài hoặc đóng qua doanh nghiệp, tổ chức sự nghiệp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.
Trường hợp đóng qua doanh nghiệp, tổ chức sự nghiệp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài thì doanh nghiệp, tổ chức sự nghiệp thu, nộp bảo hiểm xã hội cho người lao động và đăng ký phương thức đóng cho cơ quan bảo hiểm xã hội.
...
4. Người lao động quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 2 của Luật này mà giao kết hợp đồng lao động với nhiều người sử dụng lao động thì chỉ đóng bảo hiểm xã hội theo quy định tại khoản 1 Điều này đối với hợp đồng lao động giao kết đầu tiên.
Như vậy, người lao động ký hợp đồng lao động đồng thời với nhiều người sử dụng lao động khác nhau thì chỉ được tham gia bảo hiểm xã hội tại 1 công ty, thường sẽ là nơi ký hợp đồng lao động trước.
Ký hợp đồng lao động với 2 công ty thì có được hưởng chế độ ốm đau ở 2 nơi không?
Như đã nêu trên, người lao động ký hợp đồng lao động với 2 công ty thì chỉ chỉ được tham gia bảo hiểm xã hội ở công ty đầu tiên. Duy nhất chỉ có bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp là đóng theo từng hợp đồng lao động theo quy định tại khoản 2 Điều 43 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015
Theo quy định tại Điều 85 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 và Điều 5 Quy trình ban hành kèm theo Quyết định 595/QĐ-BHXH năm 2017, được sửa đổi bổ sung bởi khoản 10 và khoản 11 Điều 1 Quyết định 505/QĐ-BHXH năm 2020, mức đóng bảo hiểm xã hội được tính trên tiền lương đóng bảo hiểm xã hội như sau:
- Người lao động đóng: bảo hiểm xã hội (8%) trong đó quỹ hưu trí (8%); ốm đau - thai sản (0%); tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp (0%); bảo hiểm y tế (1,5%); bảo hiểm thất nghiệp (1%).
- Đơn vị sử dụng lao động đóng: bảo hiểm xã hội (17,5%) trong đó quỹ hưu trí (14%); ốm đau - thai sản (3%); tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp (0,5%); bảo hiểm y tế (3%); bảo hiểm thất nghiệp (1%).
Như vậy, người lao động sẽ được đơn vị sử dụng đóng vào quỹ ốm đau thai sản là 3% và chỉ được tham gia bảo hiểm xã hội ở 1 nơi nên sẽ chỉ được giải quyết chế độ ốm đau tại nơi người lao động tham gia bảo hiểm xã hội.