Kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam là gì? Kinh tế có phải là yếu tố ảnh hưởng đến mức lương người lao động hay không?
Kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam là gì?
Hiện nay, phát triển kinh tế tuần hoàn đang là xu hướng phát triển mạnh mẽ trên thế giới. Kinh tế tuần hoàn không chỉ là tái sử dụng chất thải, xem chất thải là tài nguyên mà còn là sự kết nối với các hoạt động kinh tế khác, tạo thành các vòng tuần hoàn trong nền kinh tế. Với kinh tế tuần hoàn, dòng vật chất có thể được sử dụng lâu nhất, được khôi phục và tái tạo ra các sản phẩm, vật liệu mới. Đây là hoạt động không dành riêng cho cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp nào, nó cần sự tham gia và cố gắng của toàn hệ thống, toàn xã hội.
Tại Việt Nam, kinh tế tuần hoàn được Đảng và Nhà nước quan tâm, đề cập đến trong các chủ trương của Đảng như:
- Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII đưa ra một trong những định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021 - 2030, đó là: “Xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường”
- Nghị định 08/2022/NĐ-CP ngày 10/01/2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường.
Theo khoản 1 Điều 142 Luật Bảo vệ môi trường 2020, kinh tế tuần hoàn là mô hình kinh tế trong đó các hoạt động thiết kế, sản xuất, tiêu dùng và dịch vụ nhằm giảm khai thác nguyên, vật liệu; kéo dài vòng đời sản phẩm; hạn chế chất thải phát sinh và giảm thiểu tác động xấu đến môi trường.
Kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam là gì? Kinh tế có phải là yếu tố ảnh hưởng đến mức lương người lao động hay không?
Kinh tế có phải là yếu tố ảnh hưởng đến mức lương người lao động hay không?
Căn cứ theo Điều 91 Bộ luật Lao động 2019 có quy định về mức lương tối thiểu như sau:
Mức lương tối thiểu
1. Mức lương tối thiểu là mức lương thấp nhất được trả cho người lao động làm công việc giản đơn nhất trong điều kiện lao động bình thường nhằm bảo đảm mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội.
2. Mức lương tối thiểu được xác lập theo vùng, ấn định theo tháng, giờ.
3. Mức lương tối thiểu được điều chỉnh dựa trên mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ; tương quan giữa mức lương tối thiểu và mức lương trên thị trường; chỉ số giá tiêu dùng, tốc độ tăng trưởng kinh tế; quan hệ cung, cầu lao động; việc làm và thất nghiệp; năng suất lao động; khả năng chi trả của doanh nghiệp.
4. Chính phủ quy định chi tiết Điều này; quyết định và công bố mức lương tối thiểu trên cơ sở khuyến nghị của Hội đồng tiền lương quốc gia.
Theo quy định trên mức lương tối thiểu được điều chỉnh dựa trên tốc độ tăng trưởng kinh tế.
Qua đó có thể thấy nếu tốc độ tăng trưởng kinh tế tăng thì mức lương tối thiểu sẽ được điều chỉnh sao cho phù hợp với tình hình thực tế.
Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2024 là bao nhiêu?
Ngày 10/07/2024, Nghị quyết 108/NQ-CP về Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6 năm 2024 và Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương được ban hành. Trong đó có nội dung về tình hình kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm 2024.
Theo Mục I Nghị quyết 108/NQ-CP năm 2024 quy định thì thời gian tới, bên cạnh những yếu tố thuận lợi, tình hình thế giới dự báo tiếp tục biến động phức tạp, khó lường, rủi ro gia tăng. Ở trong nước, khó khăn, thách thức tiếp tục nhiều hơn thời cơ, thuận lợi.
Trước tình hình đó, Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục tập trung triển khai quyết liệt, kịp thời, hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm các nhiệm vụ, giải pháp đề ra trên các lĩnh vực theo Nghị quyết, Kết luận của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, chỉ đạo của các đồng chí lãnh đạo chủ chốt, nhất là Nghị quyết 01/NQ-CP năm 2024, Nghị quyết 02/NQ-CP năm 2024, Nghị quyết 93/NQ-CP năm 2024 và các Nghị quyết Phiên họp của Chính phủ, các chỉ đạo thường xuyên của Thủ tướng Chính phủ; nỗ lực phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng GDP cả năm ở mức cận trên từ 6,5 - 7%, lạm phát dưới 4,5% và thực hiện thành công toàn diện các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển KTXH của năm 2024, tạo nền tảng thuận lợi và giữ đà, giữ nhịp phát triển cho năm 2025; trong đó, chú trọng thực hiện hiệu quả 10 nội dung trọng tâm sau:
(1) Ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế
(2) Quyết liệt đẩy mạnh hơn nữa giải ngân vốn đầu tư công, thực hiện 03 Chương trình mục tiêu quốc gia
(3) Đẩy mạnh đầu tư kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, nhất là các công trình, dự án quan trọng quốc gia
(4) Chú trọng thực hiện thực chất, hiệu quả cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh
(5) Tập trung hoàn thiện thể chế, pháp luật, đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số quốc gia
(6) Chú trọng hơn nữa các lĩnh vực văn hóa, xã hội, môi trường, giáo dục, y tế, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân
(7) Bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội; triển khai chu đáo, thực chất, hiệu quả các hoạt động đối ngoại; quyết liệt thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí
(8) Tiếp tục đẩy mạnh thông tin, truyền thông, nhất là truyền thông chính sách, góp phần tạo đồng thuận xã hội
(9) Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính; thực hiện nghiêm Quy chế làm việc của Chính phủ
(10) Về nhiệm vụ cụ thể của các bộ, cơ quan, địa phương: Từng bộ, cơ quan, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao khẩn trương tổ chức triển khai thực hiện các nội dung tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị quyết này.
Như vậy, mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2024 của Việt Nam ở mức cận trên từ 6,5 - 7%.