Kiểm tra CIC là gì? Khi vay vốn người lao động cần chuẩn bị giấy đề nghị vay vốn cần có xác nhận của ai?
Kiểm tra CIC là gì?
CIC (Credit Information Centre) là tên viết tắt bằng Tiếng Anh của Trung tâm Thông tin tín dụng Quốc gia Việt Nam được quy định tại Điều 1 Thông tư 03/2013/TT-NHNN (được sửa đổi bởi khoản 2 Điều 2 Thông tư 27/2017/TT-NHNN).
CIC là viết tắt của Trung tâm Thông tin Tín dụng Quốc gia Việt Nam. Đây là tổ chức trực thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, có chức năng thu thập, lưu trữ, phân tích và dự báo thông tin tín dụng của các cá nhân và tổ chức.
Kiểm tra CIC là quá trình tra cứu thông tin tín dụng của bạn để biết về lịch sử vay nợ, tình trạng trả nợ và điểm tín dụng CIC. Điều này giúp các tổ chức tín dụng đánh giá khả năng trả nợ của bạn khi bạn muốn vay vốn hoặc sử dụng các dịch vụ tín dụng khác.
Quy tắc đánh giá điểm tín dụng sẽ dựa trên những quy chuẩn của CIC để đánh giá. Theo đó, có 5 yếu tố ảnh hưởng đến điểm tín dụng CIC, bao gồm:
- Lịch sử thanh toán các khoản nợ (35%): Đây là yếu tố quan trọng chiếm tỷ lệ 35% trong các yếu tố đánh giá điểm tín dụng. Lịch sử thanh toán nợ phản ánh quá trình trả nợ các khoản vay có đúng hạn hay không, bao gồm các khoản vay trước đó đã hoàn tất và những khoản đang trả.
Vì vậy, trong quá trình đi vay ở bất cứ ngân hàng hay công ty tài chính nào, việc trả nợ đúng hạn là điều rất quan trọng. Lịch sử thanh toán nợ tốt sẽ giúp điểm tín dụng được cải thiện, tạo lợi thế trong quá trình xét duyệt các khoản vay trong tương lai.
- Khoản nợ tín dụng tính đến thời điểm đi vay (30%): Các khoản nợ tín dụng biểu thị tổng số nợ và tỷ lệ nợ tín dụng từ tất cả các khoản vay khách hàng đang phải trả ở thời điểm hiện tại. Con số này phải duy trì ở mức trung bình thì hồ sơ vay vốn của khách hàng mới được thuận lợi thông qua.
- Thời gian mở tài khoản tín dụng (15%): Thời gian này được tính từ lúc mở tài khoản tín dụng đến thời điểm hiện tại. Thời gian duy trì hoạt động của tài khoản tín dụng càng lâu thì càng được ngân hàng đánh giá cao. Bởi vì, đây là yếu tố giúp ngân hàng phân tích lịch sử tín dụng chi tiết và cụ thể nhất.
- Loại tín dụng (10%): Yếu tố này được xem xét trên tất cả các khoản tín dụng mà khách hàng đang có. Ví dụ thẻ tín dụng ngân hàng, các khoản vay tín chấp, vay thế chấp ngân hàng,…
- Tài khoản tín dụng mới (10%): Yếu tố này xem xét trên các khoản vay mới mở của khách hàng. Khi mở càng nhiều khoản vay, điểm tín dụng sẽ càng xấu đi.
Kiểm tra CIC là gì? Khi vay vốn người lao động cần chuẩn bị giấy đề nghị vay vốn cần có xác nhận của ai? (Hình từ Internet)
Khi vay vốn người lao động cần chuẩn bị giấy đề nghị vay vốn cần có xác nhận của ai?
Căn cứ Điều 28 Nghị định 61/2015/NĐ-CP (được sửa đổi bởi khoản 6 Điều 1 Nghị định 74/2019/NĐ-CP và được sửa đổi bởi khoản 1 Điều 1 Nghị định 104/2022/NĐ-CP) quy định như sau:
Lập hồ sơ vay vốn
1. Người lao động, cơ sở sản xuất, kinh doanh có nhu cầu vay vốn từ Quỹ lập hồ sơ vay vốn gửi chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội hoặc phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (sau đây gọi chung là Ngân hàng Chính sách xã hội địa phương) nơi thực hiện dự án.
2. Hồ sơ vay vốn:
a) Đối với người lao động: Giấy đề nghị vay vốn có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã về nơi thực hiện dự án theo Mẫu số 1 ban hành kèm theo Nghị định này.
b) Đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh, hồ sơ vay vốn gồm:
...
Theo đó, người lao động cần chuẩn bị giấy đề nghị vay vốn có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã về nơi thực hiện dự án theo Mẫu số 1 ban hành kèm theo Nghị định 104/2022/NĐ-CP.
Tải mẫu Giấy đề nghị vay vốn: Tại đây
Mức lãi suất khi người lao động vay vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm là bao nhiêu?
Căn cứ Điều 26 Nghị định 61/2015/NĐ-CP (được sửa đổi bởi khoản 4 Điều 1 Nghị định 74/2019/NĐ-CP) quy định về lãi suất vay vốn, cụ thể như sau:
Lãi suất vay vốn
1. Đối với đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 12 Luật việc làm, lãi suất vay vốn bằng lãi suất vay vốn đối với hộ cận nghèo theo quy định pháp luật về tín dụng đối với hộ cận nghèo.
2. Đối với đối tượng quy định tại Khoản 2 Điều 12 Luật Việc làm, lãi suất vay vốn bằng 50% lãi suất theo quy định tại Khoản 1 Điều này.
3. Lãi suất nợ quá hạn bằng 130% lãi suất vay vốn theo quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều này.
Theo đó, người lao động vay vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm thì lãi suất vay vốn bằng lãi suất vay vốn đối với hộ cận nghèo theo quy định pháp luật về tín dụng đối với hộ cận nghèo.
Đối với người lao động là người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, người khuyết tật vay vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm thì lãi suất vay vốn bằng 50% lãi suất vay vốn đối với hộ cận nghèo theo quy định pháp luật về tín dụng đối với hộ cận nghèo.