Kịch bản tiệc tất niên 2024 cho công ty ấn tượng nhất? Công ty có phải tổ chức tiệc tất niên cho người lao động không?
Kịch bản tiệc tất niên 2024 cho công ty ấn tượng nhất?
Tiệc tất niên hay Year End Party là một buổi lễ được tổ chức vào những ngày cuối cùng của năm. Đây là một hoạt động, một sự kiện ý nghĩa nhằm gắn kết mọi người lại với nhau, cùng nhau ôn lại những điều đã trải qua trong năm cũ, và hân hoan chào đón một năm mới sắp đến.
Kịch bản chương trình cần có đủ các mục sau:
Phần opening (mở màn) là các hoạt động văn nghệ do đạo diễn dàn dựng, nhằm kể lại câu chuyện của doanh nghiệp thông qua chất liệu là hình ảnh, âm thanh, ánh sáng.
Phần nghi lễ: Phần phát biểu của đại diện doanh nghiệp, Lắng nghe những cảm xúc chân thành từ lãnh đạo, nhân viên công ty.
Phần thưởng, giải thưởng: Trao quà tặng, vinh danh và khen thưởng nhân viên xuất sắc trong năm.
Phần tiệc: Đây là phần sau khi mọi người cùng nhau nâng ly, khai tiệc, đồ ăn được dọn ra.
Phần hoạt động giao lưu: Các tiết mục văn nghệ, ca nhạc trên sân khấu, hoặc đôi khi MC sẽ mời mọi người lên chơi 1 vài trò chơi giao lưu.
Phần kết: Thông báo kết thúc chương trình và MC sẽ gửi lời cảm ơn đến các khách mời tham dự.
Có thể tham khảo mẫu kịch bản lời dẫn chương trình sau đây:
Tải đầy đủ mẫu kịch bản lời dẫn chương trình tiệc tất niên 2024 cho công ty ấn tượng nhất: Tại đây.
Tiệc tất niên 2024
Có bắt buộc công ty phải tổ chức tiệc tất niên cho người lao động không?
Căn cứ tại Điều 6 Bộ luật Lao động 2019 quy định:
Quyền và nghĩa vụ của người sử dụng lao động
1. Người sử dụng lao động có các quyền sau đây:
a) Tuyển dụng, bố trí, quản lý, điều hành, giám sát lao động; khen thưởng và xử lý vi phạm kỷ luật lao động;
b) Thành lập, gia nhập, hoạt động trong tổ chức đại diện người sử dụng lao động, tổ chức nghề nghiệp và tổ chức khác theo quy định của pháp luật;
c) Yêu cầu tổ chức đại diện người lao động thương lượng với mục đích ký kết thỏa ước lao động tập thể; tham gia giải quyết tranh chấp lao động, đình công; đối thoại, trao đổi với tổ chức đại diện người lao động về các vấn đề trong quan hệ lao động, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của người lao động;
d) Đóng cửa tạm thời nơi làm việc;
đ) Các quyền khác theo quy định của pháp luật.
2. Người sử dụng lao động có các nghĩa vụ sau đây:
a) Thực hiện hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể và thỏa thuận hợp pháp khác; tôn trọng danh dự, nhân phẩm của người lao động;
b) Thiết lập cơ chế và thực hiện đối thoại, trao đổi với người lao động và tổ chức đại diện người lao động; thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc;
c) Đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nhằm duy trì, chuyển đổi nghề nghiệp, việc làm cho người lao động;
d) Thực hiện quy định của pháp luật về lao động, việc làm, giáo dục nghề nghiệp, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và an toàn, vệ sinh lao động; xây dựng và thực hiện các giải pháp phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc;
đ) Tham gia phát triển tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia, đánh giá, công nhận kỹ năng nghề cho người lao động.
Theo đó, quy định về nghĩa vụ của người sử dụng lao động không có nghĩa vụ bắt buộc phải tổ chức tiệc tất niên cuối năm cho người lao động.
Như vậy, không bắt buộc công ty phải tổ chức tiệc tất niên cuối năm cho người lao động.
Người lao động được nghỉ Tết Nguyên đán bao nhiêu ngày theo quy định của pháp luật?
Căn cứ tại Điều 112 Bộ luật Lao động 2019 quy định:
Nghỉ lễ, tết
1. Người lao động được nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương trong những ngày lễ, tết sau đây:
a) Tết Dương lịch: 01 ngày (ngày 01 tháng 01 dương lịch);
b) Tết Âm lịch: 05 ngày;
c) Ngày Chiến thắng: 01 ngày (ngày 30 tháng 4 dương lịch);
d) Ngày Quốc tế lao động: 01 ngày (ngày 01 tháng 5 dương lịch);
đ) Quốc khánh: 02 ngày (ngày 02 tháng 9 dương lịch và 01 ngày liền kề trước hoặc sau);
e) Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương: 01 ngày (ngày 10 tháng 3 âm lịch).
2. Lao động là người nước ngoài làm việc tại Việt Nam ngoài các ngày nghỉ theo quy định tại khoản 1 Điều này còn được nghỉ thêm 01 ngày Tết cổ truyền dân tộc và 01 ngày Quốc khánh của nước họ.
3. Hằng năm, căn cứ vào điều kiện thực tế, Thủ tướng Chính phủ quyết định cụ thể ngày nghỉ quy định tại điểm b và điểm đ khoản 1 Điều này.
Như vậy, người lao động được nghỉ 5 ngày vào Tết Nguyên đán và được hưởng nguyên lương theo quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, nếu ngày nghỉ hằng tuần trùng với ngày nghỉ Tết Nguyên đán thì người lao động được nghỉ bù vào ngày làm việc kế tiếp (quy định tại khoản 3 Điều 111 Bộ luật Lao động 2019)