Không tổ chức xử lý sự cố khi phát hiện có nguy cơ xảy ra tai nạn lao động thì tổ chức bị xử phạt ra sao?
- Phương án xử lý sự cố kỹ thuật gây mất an toàn, vệ sinh lao động phải đảm bảo nội dung như thế nào?
- Trách nhiệm xử lý sự cố kỹ thuật gây mất an toàn, vệ sinh lao động nghiêm trọng, ứng cứu khẩn cấp của người sử dụng lao động?
- Mức xử phạt đối với hành vi không tổ chức xử lý sự cố khi phát hiện nguy cơ xảy ra tai nạn lao động?
Phương án xử lý sự cố kỹ thuật gây mất an toàn, vệ sinh lao động phải đảm bảo nội dung như thế nào?
Căn cứ tại khoản 1 Điều 8 Nghị định 39/2016/NĐ-CP quy định như sau:
Biện pháp xử lý sự cố kỹ thuật gây mất an toàn, vệ sinh lao động nghiêm trọng và ứng cứu khẩn cấp
1. Phương án xử lý sự cố kỹ thuật gây mất an toàn, vệ sinh lao động nghiêm trọng quy định tại Khoản 1 Điều 19 Luật An toàn, vệ sinh lao động phải có các nội dung sau đây:
a) Lực lượng tham gia xử lý sự cố tại chỗ và nhiệm vụ của từng thành viên tham gia; lực lượng hỗ trợ từ các cơ sở sản xuất, kinh doanh lân cận;
b) Phương tiện kỹ thuật phải có theo quy định của pháp luật chuyên ngành; thiết bị đo lường cần thiết dùng trong quá trình xử lý sự cố (các thiết bị này phải được kiểm định, hiệu chuẩn theo quy định hiện hành của pháp luật về đo lường);
c) Cách thức, trình tự xử lý sự cố.
2. Phê duyệt hoặc gửi cơ quan có thẩm quyền phê duyệt và định kỳ tổ chức diễn tập phương án xử lý sự cố kỹ thuật gây mất an toàn, vệ sinh lao động nghiêm trọng theo quy định của pháp luật chuyên ngành.
3. Kịp thời thông báo cho chính quyền địa phương khi xảy ra sự cố kỹ thuật gây mất an toàn, vệ sinh lao động nghiêm trọng theo quy định tại Điều 26 Nghị định này.
Như vậy, các phương án xử lý sự cố kỹ thuật gây mất an toàn, vệ sinh lao động nghiêm trọng buộc phải có các nội dung sau:
- Lực lượng tham gia xử lý sự cố tại chỗ và nhiệm vụ của từng thành viên tham gia; lực lượng hỗ trợ từ các cơ sở sản xuất, kinh doanh lân cận;
- Phương tiện kỹ thuật phải có theo quy định của pháp luật chuyên ngành; thiết bị đo lường cần thiết dùng trong quá trình xử lý sự cố (các thiết bị này phải được kiểm định, hiệu chuẩn theo quy định hiện hành của pháp luật về đo lường);
- Cách thức, trình tự xử lý sự cố.
Không tổ chức xử lý sự cố khi phát hiện có nguy cơ xảy ra tai nạn lao động thì tổ chức bị xử phạt ra sao? (Hình từ Internet)
Trách nhiệm xử lý sự cố kỹ thuật gây mất an toàn, vệ sinh lao động nghiêm trọng, ứng cứu khẩn cấp của người sử dụng lao động?
Căn cứ tại khoản 2 Điều 19 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015 được hướng dẫn bởi Điều 8 Nghị định 39/2016/NĐ-CP có hiệu lực kể từ ngày 01/7/2016 quy định như sau:
Biện pháp xử lý sự cố kỹ thuật gây mất an toàn, vệ sinh lao động nghiêm trọng và ứng cứu khẩn cấp
...
2. Trách nhiệm xử lý sự cố kỹ thuật gây mất an toàn, vệ sinh lao động nghiêm trọng, ứng cứu khẩn cấp:
a) Người sử dụng lao động phải ra lệnh ngừng ngay hoạt động của máy, thiết bị, việc sử dụng vật tư, chất, hoạt động lao động tại nơi làm việc có nguy cơ gây tai nạn lao động, sự cố kỹ thuật gây mất an toàn, vệ sinh lao động nghiêm trọng; không được buộc người lao động tiếp tục làm công việc hoặc trở lại nơi làm việc nếu các nguy cơ xảy ra tai nạn lao động đe dọa nghiêm trọng tính mạng hoặc sức khỏe của người lao động chưa được khắc phục; thực hiện các biện pháp khắc phục, các biện pháp theo phương án xử lý sự cố kỹ thuật gây mất an toàn, vệ sinh lao động nghiêm trọng, ứng cứu khẩn cấp để tổ chức cứu người, tài sản, bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động cho người lao động, người xung quanh nơi làm việc, tài sản và môi trường; kịp thời thông báo cho chính quyền địa phương nơi xảy ra sự cố hoặc ứng cứu khẩn cấp;
b) Sự cố kỹ thuật gây mất an toàn, vệ sinh lao động nghiêm trọng xảy ra ở cơ sở sản xuất, kinh doanh, địa phương nào thì người sử dụng lao động, địa phương đó có trách nhiệm huy động khẩn cấp nhân lực, vật lực và phương tiện để kịp thời ứng phó sự cố theo quy định của pháp luật chuyên ngành;
c) Sự cố kỹ thuật gây mất an toàn, vệ sinh lao động nghiêm trọng xảy ra liên quan đến nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh, địa phương thì người sử dụng lao động, chính quyền địa phương nơi xảy ra sự cố có trách nhiệm ứng phó và báo cáo cơ quan cấp trên trực tiếp theo quy định của pháp luật chuyên ngành.
Trường hợp vượt quá khả năng ứng phó của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, địa phương thì phải khẩn cấp báo cáo cơ quan cấp trên trực tiếp để kịp thời huy động các cơ sở sản xuất, kinh doanh, địa phương khác tham gia ứng cứu; cơ sở sản xuất, kinh doanh, địa phương được yêu cầu huy động phải thực hiện và phối hợp thực hiện biện pháp ứng cứu khẩn cấp trong phạm vi, khả năng của mình.
Theo đó, người sử dụng lao động có trách nhiệm thực hiện các biện pháp xử lý sự cố kỹ thuật gây mất an toàn, vệ sinh lao động nghiêm trọng và ứng cứu khẩn cấp theo quy định trên.
Mức xử phạt đối với hành vi không tổ chức xử lý sự cố khi phát hiện nguy cơ xảy ra tai nạn lao động?
Căn cứ khoản 7 Điều 22 Nghị định 12/2022/NĐ-CP quy định như sau:
Vi phạm quy định về phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp
...
7. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:
a) Không thực hiện ngay những biện pháp khắc phục hoặc ngừng hoạt động của máy, thiết bị, nơi làm việc có nguy cơ gây tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp;
b) Không thực hiện các biện pháp khử độc, khử trùng cho người lao động làm việc ở nơi có yếu tố gây nhiễm độc, nhiễm trùng;
c) Không tổ chức xử lý sự cố, ứng cứu khẩn cấp khi phát hiện nguy cơ hoặc khi xảy ra tai nạn lao động, sự cố kỹ thuật gây mất an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc vượt ra khỏi khả năng kiểm soát của người sử dụng lao động.
...
Lưu ý: theo khoản 1 Điều 6 Nghị định 12/2022/NĐ-CP, mức phạt quy định trên đây là mức phạt đối với cá nhân. Mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
Theo đó, khi người sử dụng lao động không tổ chức xử lý sự cố, ứng cứu khẩn cấp khi phát hiện nguy cơ hoặc khi xảy ra tai nạn lao động tại nơi làm việc thì bị xử phạt hành chính từ 20 - 25 triệu đồng (mức phạt cá nhân) và từ 40 - 50 triệu đồng (mức phạt tổ chức) khi vi phạm.