Không thực hiện báo cáo kết quả hoạt động quan trắc môi trường hằng năm cho cơ quan quản lý nhà nước thì bị xử phạt như nào?
- Tổ chức hoạt động quan trắc môi trường lao động có phải báo cáo hoạt động quan trắc hằng năm cho cơ quan nhà nước không?
- Mức xử phạt khi không thực hiện báo cáo kết quả hoạt động quan trắc môi trường hằng năm cho cơ quan quản lý nhà nước?
- Thời hiệu xử lý vi phạm hành chính đối với tổ chức hoạt động quan trắc môi trường không thực hiện báo cáo kết quả hằng năm cho cơ quan quản lý nhà nước là bao lâu?
Tổ chức hoạt động quan trắc môi trường lao động có phải báo cáo hoạt động quan trắc hằng năm cho cơ quan nhà nước không?
Căn cứ Điều 44 Nghị định 44/2016/NĐ-CP quy định như sau:
Trách nhiệm của Tổ chức hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn lao động, Tổ chức huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động và Tổ chức quan trắc môi trường lao động
1. Bảo đảm về điều kiện trong quá trình hoạt động theo quy định của tại Nghị định này.
2. Trước 15 tháng 12 hằng năm, Tổ chức hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn lao động báo cáo bằng văn bản kết quả hoạt động về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nơi có trụ sở chính và nơi có hoạt động và cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định theo mẫu quy định tại Phụ lục Ic ban hành kèm theo Nghị định này, đồng thời gửi thư điện tử tới Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội theo địa chỉ antoanlaodong@molisa.gov.vn.
3. Trước 15 tháng 12 hằng năm, Tổ chức huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động, doanh nghiệp tự huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động báo cáo bằng văn bản kết quả hoạt động về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nơi có trụ sở chính theo Mẫu số 05 Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định này, đồng thời gửi thư điện tử tới Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội theo địa chỉ antoanlaodong@molisa.gov.vn.
4. Trước ngày 15 tháng 12 hằng năm, Tổ chức hoạt động quan trắc môi trường lao động báo cáo bằng văn bản kết quả hoạt động về Bộ Y tế hoặc Sở Y tế nơi công bố đủ điều kiện quan trắc môi trường lao động, đồng thời gửi thư điện tử tới Bộ Y tế theo địa chỉ baocaoytld@moh.gov.vn.
Báo cáo Bộ Y tế hoặc Sở Y tế về yếu tố nguy hại mới được phát hiện, phát sinh tại cơ sở lao động khi thực hiện quan trắc môi trường lao động, đồng thời đề xuất bổ sung Hồ sơ vệ sinh lao động của cơ sở lao động.
...
Như vậy, ngày 15 tháng 12 hằng năm, tổ chức hoạt động quan trắc môi trường lao động phải báo cáo bằng văn bản kết quả hoạt động tới Bộ Y tế hoặc Sở Y tế nơi công bố đủ điều kiện quan trắc môi trường lao động, đồng thời gửi thư điện tử tới Bộ Y tế.
Không thực hiện báo cáo kết quả hoạt động quan trắc môi trường hằng năm cho cơ quan quản lý nhà nước thì bị xử phạt như nào? (Hình từ Internet)
Mức xử phạt khi không thực hiện báo cáo kết quả hoạt động quan trắc môi trường hằng năm cho cơ quan quản lý nhà nước?
Căn cứ khoản 1 Điều 27 Nghị định 12/2022/NĐ-CP quy định như sau:
Vi phạm quy định về quan trắc môi trường lao động
1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với tổ chức hoạt động quan trắc môi trường lao động có một trong các hành vi sau: không thực hiện báo cáo kết quả hoạt động hằng năm cho cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định; không thông báo cho cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền khi có thay đổi về địa chỉ trụ sở, chi nhánh; không tham gia khóa huấn luyện cập nhật kiến thức về chính sách pháp luật, khoa học công nghệ về quan trắc môi trường lao động theo quy định.
...
Theo quy định, khi tổ chức hoạt động quan trắc môi trường không thực hiện báo cáo kết quả hoạt động hằng năm cho cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định sẽ bị xử phạt hành chính với mức phạt tiền từ 1 - 2 triệu đồng.
Thời hiệu xử lý vi phạm hành chính đối với tổ chức hoạt động quan trắc môi trường không thực hiện báo cáo kết quả hằng năm cho cơ quan quản lý nhà nước là bao lâu?
Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 6 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012, được sửa đổi, bổ sung bởi điểm a khoản 4 Điều 1 Luật Xử lý vi phạm hành chính sửa đổi 2020 quy định như sau:
Thời hiệu xử lý vi phạm hành chính
1. Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính được quy định như sau:
a) Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính là 01 năm, trừ các trường hợp sau đây:
Vi phạm hành chính về kế toán; hóa đơn; phí, lệ phí; kinh doanh bảo hiểm; quản lý giá; chứng khoán; sở hữu trí tuệ; xây dựng; thủy sản; lâm nghiệp; điều tra, quy hoạch, thăm dò, khai thác, sử dụng nguồn tài nguyên nước; hoạt động dầu khí và hoạt động khoáng sản khác; bảo vệ môi trường; năng lượng nguyên tử; quản lý, phát triển nhà và công sở; đất đai; đê điều; báo chí; xuất bản; sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu, kinh doanh hàng hóa; sản xuất, buôn bán hàng cấm, hàng giả; quản lý lao động ngoài nước thì thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính là 02 năm.
Vi phạm hành chính về thuế thì thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về quản lý thuế;
...
Như vậy, thời hiệu xử phạt hành chính đối với tổ chức hoạt động quan trắc môi trường không thực hiện báo cáo kết quả hoạt động hằng năm cho cơ quan quản lý nhà nước là 01 năm.