Không hỗ trợ người lao động làm thủ tục về nước sau khi chấm dứt hợp đồng lao động thì doanh nghiệp dịch vụ bị xử phạt ra sao?
- Người lao động có được hỗ trợ thủ tục về nước sau khi chấm dứt hợp đồng lao động không?
- Mức xử phạt hành vi không hỗ trợ người lao động làm thủ tục về nước sau khi chấm dứt hợp đồng lao động?
- Thời hiệu xử lý vi phạm hành chính đối với hành vi không hỗ trợ người lao động làm thủ tục về nước sau khi chấm dứt hợp đồng lao động là bao lâu?
Người lao động có được hỗ trợ thủ tục về nước sau khi chấm dứt hợp đồng lao động không?
Căn cứ khoản 2 Điều 26 Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng 2020 quy định như sau:
Quyền, nghĩa vụ của doanh nghiệp dịch vụ
...
2. Doanh nghiệp dịch vụ có các nghĩa vụ sau đây:
...
d) Tổ chức và cấp giấy chứng nhận hoàn thành khóa học giáo dục định hướng cho người lao động trước khi đi làm việc ở nước ngoài theo quy định của Luật này; hướng dẫn người lao động, tham gia bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội;
đ) Cam kết bằng văn bản về thời gian chờ xuất cảnh sau khi người lao động trúng tuyển đi làm việc ở nước ngoài với thời hạn không quá 180 ngày kể từ ngày người lao động trúng tuyển; trường hợp doanh nghiệp không thực hiện đúng cam kết về thời gian chờ xuất cảnh thì phải bồi thường theo thỏa thuận và hoàn trả các chi phí mà người lao động đã chi trả trừ trường hợp bất khả kháng;
e) Tổ chức quản lý, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động do doanh nghiệp đưa đi làm việc ở nước ngoài; có nhân viên nghiệp vụ đủ năng lực quản lý và hỗ trợ người lao động ở nước ngoài theo quy định của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; cung cấp trợ giúp pháp lý trong trường hợp người lao động cần đến hỗ trợ pháp lý khi bị lạm dụng, bạo lực hoặc phân biệt đối xử trong thời gian làm việc ở nước ngoài;
g) Thực hiện yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền và phối hợp với cơ quan, tổ chức có liên quan của nước tiếp nhận lao động giải quyết tranh chấp liên quan đến người lao động; giải quyết vấn đề phát sinh trong trường hợp người lao động chết, bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hoặc bị xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản hoặc trong trường hợp thiên tai, dịch bệnh, chiến tranh, bất ổn chính trị hoặc tình trạng khẩn cấp;
h) Bồi thường cho người lao động về những thiệt hại do doanh nghiệp, chi nhánh của doanh nghiệp gây ra theo quy định của pháp luật;
i) Thanh lý hợp đồng đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài với người lao động trong thời hạn 180 ngày kể từ ngày người lao động chấm dứt hợp đồng lao động;
k) Tư vấn, hỗ trợ cho người lao động các thủ tục liên quan đến chấm dứt hợp đồng lao động, quyền lợi, chế độ và thủ tục về nước;
...
Như vậy, theo quy định trên, sau khi chấm dứt hợp đồng lao động thì doanh nghiệp dịch vụ có nghĩa vụ phải hỗ trợ người lao động làm các thủ tục về nước.
Không hỗ trợ người lao động làm thủ tục về nước sau khi chấm dứt hợp đồng lao động thì doanh nghiệp dịch vụ bị xử phạt ra sao? (Hình từ Internet)
Mức xử phạt hành vi không hỗ trợ người lao động làm thủ tục về nước sau khi chấm dứt hợp đồng lao động?
Căn cứ quy định tại khoản 5 Điều 42 Nghị định 12/2022/NĐ-CP quy định như sau:
Vi phạm của doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sau đây viết tắt là doanh nghiệp dịch vụ)
...
5. Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng khi có một trong các hành vi sau đây:
a) Không duy trì một trong các điều kiện quy định tại Điều 10 của Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng theo quy định của pháp luật trong suốt quá trình hoạt động;
b) Không duy trì điều kiện quy định tại điểm b khoản 2 Điều 20 của Nghị định số 112/2021/NĐ-CP ngày 10 tháng 12 năm 2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng trong suốt thời gian hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm giúp việc gia đình ở nước ngoài và trong thời gian người lao động Việt Nam do doanh nghiệp đưa đi đang làm giúp việc gia đình ở nước ngoài;
c) Thực hiện không đúng các nội dung hợp đồng cung ứng lao động đã đăng ký và được chấp thuận;
d) Không bồi thường cho người lao động về những thiệt hại do doanh nghiệp hoặc chi nhánh của doanh nghiệp gây ra theo quy định của pháp luật;
đ) Không tư vấn, hỗ trợ cho người lao động các thủ tục liên quan đến chấm dứt hợp đồng lao động, quyền lợi, chế độ và thủ tục về nước;
...
Theo quy định, khi doanh nghiệp dịch vụ có hành vi không hỗ trợ người lao động làm thủ tục về nước sau khi chấm dứt hợp đồng lao động sẽ bị xử phạt hành chính với mức phạt tiền từ 50 - 70 triệu đồng.
Thời hiệu xử lý vi phạm hành chính đối với hành vi không hỗ trợ người lao động làm thủ tục về nước sau khi chấm dứt hợp đồng lao động là bao lâu?
Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 6 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012, được sửa đổi, bổ sung bởi điểm a khoản 4 Điều 1 Luật Xử lý vi phạm hành chính sửa đổi 2020 quy định như sau:
Thời hiệu xử lý vi phạm hành chính
1. Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính được quy định như sau:
a) Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính là 01 năm, trừ các trường hợp sau đây:
Vi phạm hành chính về kế toán; hóa đơn; phí, lệ phí; kinh doanh bảo hiểm; quản lý giá; chứng khoán; sở hữu trí tuệ; xây dựng; thủy sản; lâm nghiệp; điều tra, quy hoạch, thăm dò, khai thác, sử dụng nguồn tài nguyên nước; hoạt động dầu khí và hoạt động khoáng sản khác; bảo vệ môi trường; năng lượng nguyên tử; quản lý, phát triển nhà và công sở; đất đai; đê điều; báo chí; xuất bản; sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu, kinh doanh hàng hóa; sản xuất, buôn bán hàng cấm, hàng giả; quản lý lao động ngoài nước thì thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính là 02 năm.
Vi phạm hành chính về thuế thì thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về quản lý thuế;
...
Như vậy, thời hiệu xử phạt hành chính đối với hành vi không hỗ trợ người lao động làm thủ tục về nước sau khi chấm dứt hợp đồng lao động là 02 năm.