Không giới thiệu người lao động bị tai nạn lao động đi giám định y khoa thì người sử dụng lao động bị phạt ra sao?
- Người sử dụng lao động có bắt buộc phải giới thiệu người lao động đi giám định y khoa khi bị tai nạn lao động không?
- Mức xử phạt khi không giới thiệu người lao động bị tai nạn lao động đi giám định y khoa?
- Người sử dụng lao động có trách nhiệm trả chi phí khám giám định mức suy giảm khả năng lao động trong trường hợp nào?
Người sử dụng lao động có bắt buộc phải giới thiệu người lao động đi giám định y khoa khi bị tai nạn lao động không?
Căn cứ theo khoản 6 Điều 38 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015 có quy định trách nhiệm của người sử dụng lao động đối với người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp như sau:
Trách nhiệm của người sử dụng lao động đối với người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp
Người sử dụng lao động có trách nhiệm đối với người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp như sau:
1. Kịp thời sơ cứu, cấp cứu cho người lao động bị tai nạn lao động và phải tạm ứng chi phí sơ cứu, cấp cứu và điều trị cho người lao động bị tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp;
...
6. Giới thiệu để người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được giám định y khoa xác định mức độ suy giảm khả năng lao động, được điều trị, điều dưỡng, phục hồi chức năng lao động theo quy định pháp luật;
...
Như vậy, khi người lao động bị tai nạn lao động thì người sử dụng lao động có trách nhiệm giới thiệu đi giám định khả năng suy giảm lao động và lập hồ sơ hưởng chế độ về tai nạn lao động gửi đến cơ quan bảo hiểm.
Không giới thiệu người lao động bị tai nạn lao động đi giám định y khoa thì người sử dụng lao động bị phạt ra sao? (Hình từ Internet)
Mức xử phạt khi không giới thiệu người lao động bị tai nạn lao động đi giám định y khoa?
Căn cứ theo khoản 1 Điều 23 Nghị định 12/2022/NĐ-CP quy định như sau:
Vi phạm quy định về trách nhiệm của người sử dụng lao động đối với tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp
1. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng khi vi phạm đối với mỗi người lao động nhưng tối đa không quá 75.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:
a) Không kịp thời sơ cứu hoặc cấp cứu cho người lao động bị tai nạn lao động;
b) Không thanh toán phần chi phí đồng chi trả hoặc những chi phí không nằm trong danh mục do bảo hiểm y tế chi trả đối với người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp tham gia bảo hiểm y tế;
c) Không tạm ứng chi phí sơ cứu, chi phí cấp cứu hoặc không thanh toán toàn bộ chi phí y tế từ khi sơ cứu, cấp cứu đến khi điều trị ổn định đối với người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp không tham gia bảo hiểm y tế;
d) Không giới thiệu người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được giám định y khoa, xác định mức độ suy giảm khả năng lao động, được điều trị, điều dưỡng phục hồi chức năng lao động theo quy định của pháp luật;
đ) Không trả phí khám giám định mức suy giảm khả năng lao động thuộc trách nhiệm của người sử dụng lao động theo quy định của pháp luật;
e) Không thực hiện hoặc thực hiện không đủ hoặc thực hiện không đúng thời hạn việc bồi thường hoặc chế độ trợ cấp cho người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định của pháp luật.
...
3. Biện pháp khắc phục hậu quả
...
c) Buộc người sử dụng lao động giới thiệu người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được giám định y khoa, xác định mức độ suy giảm khả năng lao động, được điều trị, điều dưỡng phục hồi chức năng lao động theo quy định của pháp luật khi có hành vi vi phạm quy định tại điểm d khoản 1 Điều này;
...
Lưu ý: theo khoản 1 Điều 6 Nghị định 12/2022/NĐ-CP, mức phạt quy định trên đây là mức phạt đối với cá nhân. Mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
Theo quy định, khi người sử dụng lao động có hành vi không giới thiệu người lao động bị tai nạn lao động đi giám định y khoa theo quy định của pháp luật thì bị xử phạt hành chính với mức tiền từ 2 - 4 triệu đồng với mỗi người lao động nhưng không quá 75 triệu đồng (cá nhân) và từ 4 - 8 triệu đồng đối với mỗi người lao động nhưng không quá 150 triệu động.
Ngoài ra, buộc người sử dụng lao động giới thiệu người lao động bị tai nạn lao động được giám định y khoa theo quy định của pháp luật khi có hành vi vi phạm.
Người sử dụng lao động có trách nhiệm trả chi phí khám giám định mức suy giảm khả năng lao động trong trường hợp nào?
Căn cứ khoản 2 Điều 38 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015 quy định như sau:
Trách nhiệm của người sử dụng lao động đối với người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp
Người sử dụng lao động có trách nhiệm đối với người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp như sau:
...
2. Thanh toán chi phí y tế từ khi sơ cứu, cấp cứu đến khi điều trị ổn định cho người bị tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp như sau:
a) Thanh toán phần chi phí đồng chi trả và những chi phí không nằm trong danh mục do bảo hiểm y tế chi trả đối với người lao động tham gia bảo hiểm y tế;
b) Trả phí khám giám định mức suy giảm khả năng lao động đối với những trường hợp kết luận suy giảm khả năng lao động dưới 5% do người sử dụng lao động giới thiệu người lao động đi khám giám định mức suy giảm khả năng lao động tại Hội đồng giám định y khoa;
c) Thanh toán toàn bộ chi phí y tế đối với người lao động không tham gia bảo hiểm y tế;
...
Theo quy định này, người sử dụng lao động có trách nhiệm trả chi phí khám giám định mức suy giảm khả năng lao động khi:
- Kết quả giám định cho thấy người lao động suy giảm khả năng lao động dưới 5%.
- Người sử dụng lao động là bên giới thiệu người lao động đi khám giám định mức suy giảm khả năng lao động tại Hội đồng giám định y khoa.