Không được đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc với viên chức trong các trường hợp nào?
Không được đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc với viên chức trong các trường hợp nào?
Tại khoản 3 Điều 29 Luật Viên chức 2010 có quy định:
Đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc
…
3. Người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập không được đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc với viên chức trong các trường hợp sau:
a) Viên chức ốm đau hoặc bị tai nạn, đang điều trị bệnh nghề nghiệp theo quyết định của cơ sở chữa bệnh, trừ trường hợp quy định tại điểm c khoản 1 Điều này;
b) Viên chức đang nghỉ hàng năm, nghỉ về việc riêng và những trường hợp nghỉ khác được người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập cho phép;
c) Viên chức nữ đang trong thời gian có thai, nghỉ thai sản, nuôi con dưới 36 tháng tuổi, trừ trường hợp đơn vị sự nghiệp công lập chấm dứt hoạt động.
Như vậy, người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập không được đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc với viên chức trong các trường hợp sau:
- Viên chức ốm đau hoặc bị tai nạn, đang điều trị bệnh nghề nghiệp theo quyết định của cơ sở chữa bệnh, trừ các trường hợp sau:
+ Viên chức làm việc theo hợp đồng làm việc không xác định thời hạn bị ốm đau đã điều trị 12 tháng liên tục mà khả năng làm việc chưa hồi phục.
+ Viên chức làm việc theo hợp đồng làm việc xác định thời hạn bị ốm đau đã điều trị 06 tháng liên tục mà khả năng làm việc chưa hồi phục.
Khi sức khỏe của viên chức bình phục thì được xem xét để ký kết tiếp hợp đồng làm việc.
- Viên chức đang nghỉ hàng năm.
- Viên chức nghỉ về việc riêng.
- Viên chức được người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập cho phép nghỉ.
- Viên chức nữ đang trong thời gian có thai, trừ trường hợp đơn vị sự nghiệp công lập chấm dứt hoạt động.
- Viên chức nữ đang nghỉ thai sản, trừ trường hợp đơn vị sự nghiệp công lập chấm dứt hoạt động.
- Viên chức nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi, trừ trường hợp đơn vị sự nghiệp công lập chấm dứt hoạt động.
Không được đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc với viên chức trong các trường hợp nào?
Thời hạn hợp đồng làm việc của viên chức là bao lâu?
Tại khoản 1 Điều 25 Luật Viên chức 2010 được sửa đổi bởi khoản 2 Điều 2 Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức sửa đổi 2019 có quy định như sau:
Các loại hợp đồng làm việc
1. Hợp đồng làm việc xác định thời hạn là hợp đồng mà trong đó hai bên xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng trong khoảng thời gian từ đủ 12 tháng đến 60 tháng.
Hợp đồng làm việc xác định thời hạn áp dụng đối với người được tuyển dụng làm viên chức kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2020, trừ trường hợp quy định tại điểm b và điểm c khoản 2 Điều này.
...
Theo đó, hợp đồng làm việc xác định thời hạn là hợp đồng mà trong đó hai bên xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng trong khoảng thời gian từ đủ 12 tháng đến 60 tháng.
Viên chức làm việc theo hợp đồng xác định thời hạn bị ốm đã điều trị 04 tháng liên tục thì có thể xin thôi việc được không?
Tại điểm e khoản 5 Điều 29 Luật Viên chức 2010 có quy định:
Đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc
...
5. Viên chức làm việc theo hợp đồng làm việc xác định thời hạn có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng trong các trường hợp sau:
a) Không được bố trí theo đúng vị trí việc làm, địa điểm làm việc hoặc không được bảo đảm các điều kiện làm việc đã thỏa thuận trong hợp đồng làm việc;
b) Không được trả lương đầy đủ hoặc không được trả lương đúng thời hạn theo hợp đồng làm việc;
c) Bị ngược đãi; bị cưỡng bức lao động;
d) Bản thân hoặc gia đình thật sự có hoàn cảnh khó khăn không thể tiếp tục thực hiện hợp đồng;
đ) Viên chức nữ có thai phải nghỉ việc theo chỉ định của cơ sở chữa bệnh;
e) Viên chức ốm đau hoặc bị tai nạn đã điều trị từ 03 tháng liên tục mà khả năng làm việc chưa hồi phục.
6. Viên chức phải thông báo bằng văn bản về việc đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc cho người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập biết trước ít nhất 03 ngày đối với các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c, đ và e khoản 5 Điều này; ít nhất 30 ngày đối với trường hợp quy định tại điểm d khoản 5 Điều này.
Như vậy, viên chức làm việc theo hợp đồng xác định thời hạn nhưng đau ốm đã điều trị từ 03 tháng liên tục mà khả năng làm việc chưa hồi phục thì được quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc.
Trước thời điểm nghỉ việc, viên chức phải thông báo bằng văn bản cho người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập nơi viên chức đang công tác trước 3 ngày và hoàn thành các nghĩa vụ bàn giao liên quan khác theo quy định của đơn vị.