Không cử người thường xuyên giám sát đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động cho người lao động thuê lại thì bị xử phạt như thế nào?
- Trách nhiệm giám sát bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động cho người lao động thuê lại thuộc về ai?
- Mức xử phạt doanh nghiệp cho thuê lại lao động không cử người thường xuyên giám sát đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động cho người lao động thuê lại?
- Thời hiệu xử lý vi phạm hành chính đối với người không cử người thường xuyên giám sát đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động cho người lao động thuê lại là bao lâu?
Trách nhiệm giám sát bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động cho người lao động thuê lại thuộc về ai?
Căn cứ khoản 4 Điều 31 Nghị định 39/2016/NĐ-CP quy định như sau:
Trách nhiệm của doanh nghiệp cho thuê lại lao động đối với người lao động thuê lại
Trách nhiệm về bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động của doanh nghiệp cho thuê lại lao động theo Khoản 1 Điều 65 Luật An toàn, vệ sinh lao động quy định như sau:
...
4. Thông báo cho người lao động thuê lại các các nội dung về bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động trong hợp đồng cho thuê lại lao động; cử người thường xuyên giám sát, phối hợp và kiểm tra việc bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động cho người lao động thuê lại của bên thuê lại lao động;
...
Và theo khoản 1 Điều 32 Nghị định 39/2016/NĐ-CP quy định như sau:
Trách nhiệm bảo đảm về an toàn, vệ sinh lao động của bên thuê lại lao động đối với người lao động thuê lại
Trách nhiệm bảo đảm về an toàn, vệ sinh lao động của bên thuê lại lao động theo Khoản 2 Điều 65 Luật An toàn, vệ sinh lao động được quy định như sau:
1. Thực hiện trách nhiệm, quyền hạn của người sử dụng lao động đối với công tác an toàn, vệ sinh lao động theo quy định tại Điều 7 Luật An toàn, vệ sinh lao động và các nội dung hướng dẫn tại Nghị định này; không được phân biệt đối xử về an toàn, vệ sinh lao động đối với người lao động thuê lại so với người lao động của mình.
...
Dẫn chiếu đến điểm d khoản 2 Điều 7 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015 quy định như sau:
Quyền và nghĩa vụ về an toàn, vệ sinh lao động của người sử dụng lao động
..
2. Người sử dụng lao động có nghĩa vụ sau đây:
...
d) Cử người giám sát, kiểm tra việc thực hiện nội quy, quy trình, biện pháp bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc theo quy định của pháp luật;
...
Như vậy, doanh nghiệp cho thuê lại lao động có trách nhiệm cử người thường xuyên giám sát, phối hợp và kiểm tra việc bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động cho người lao động thuê lại của bên thuê lại lao động.
Bên thuê lại lao động có nghĩa vụ cử người giám sát, kiểm tra các biện pháp bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc.
Không cử người thường xuyên giám sát đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động cho người lao động thuê lại thì bị xử phạt như thế nào? (Hình từ Internet)
Mức xử phạt doanh nghiệp cho thuê lại lao động không cử người thường xuyên giám sát đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động cho người lao động thuê lại?
Căn cứ khoản 3 Điều 13 Nghị định 12/2022/NĐ-CP quy định như sau:
Vi phạm quy định về cho thuê lại lao động
...
3. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với doanh nghiệp cho thuê lại lao động có một trong các hành vi sau đây:
a) Không lập hồ sơ ghi rõ số lao động đã cho thuê lại, bên thuê lại lao động;
b) Không báo cáo tình hình cho thuê lại lao động theo quy định của pháp luật;
c) Không niêm yết công khai bản chính giấy phép tại trụ sở chính và bản sao được chứng thực từ bản chính giấy phép tại các chi nhánh, văn phòng đại diện (nếu có) của doanh nghiệp cho thuê lại;
d) Không gửi bản sao chứng thực giấy phép đến Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nơi doanh nghiệp đến hoạt động trong trường hợp doanh nghiệp sang địa bàn cấp tỉnh khác hoạt động;
đ) Không phối hợp với bên thuê lại lao động trong việc điều tra tai nạn lao động làm bị thương nặng một người lao động thuê lại theo quy định của pháp luật;
e) Không thông báo cho người lao động thuê lại các nội dung về đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động trong hợp đồng cho thuê lại lao động;
g) Không cử người thường xuyên giám sát, phối hợp hoặc kiểm tra việc đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động cho người lao động thuê lại của bên thuê lại lao động.
...
Theo quy định, khi doanh nghiệp cho thuê lại lao động có hành vi không cử người thường xuyên giám sát, phối hợp hoặc kiểm tra việc đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động cho người lao động thuê lại của bên thuê lại lao động sẽ bị xử phạt hành chính với mức phạt tiền từ 1 - 3 triệu đồng.
Thời hiệu xử lý vi phạm hành chính đối với người không cử người thường xuyên giám sát đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động cho người lao động thuê lại là bao lâu?
Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 6 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012, được sửa đổi, bổ sung bởi điểm a khoản 4 Điều 1 Luật Xử lý vi phạm hành chính sửa đổi 2020 quy định như sau:
Thời hiệu xử lý vi phạm hành chính
1. Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính được quy định như sau:
a) Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính là 01 năm, trừ các trường hợp sau đây:
Vi phạm hành chính về kế toán; hóa đơn; phí, lệ phí; kinh doanh bảo hiểm; quản lý giá; chứng khoán; sở hữu trí tuệ; xây dựng; thủy sản; lâm nghiệp; điều tra, quy hoạch, thăm dò, khai thác, sử dụng nguồn tài nguyên nước; hoạt động dầu khí và hoạt động khoáng sản khác; bảo vệ môi trường; năng lượng nguyên tử; quản lý, phát triển nhà và công sở; đất đai; đê điều; báo chí; xuất bản; sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu, kinh doanh hàng hóa; sản xuất, buôn bán hàng cấm, hàng giả; quản lý lao động ngoài nước thì thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính là 02 năm.
Vi phạm hành chính về thuế thì thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về quản lý thuế;
...
Như vậy, thời hiệu xử phạt hành chính đối với hành vi không cử người thường xuyên giám sát đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động cho người lao động thuê lại là 01 năm.