Không còn lương cơ sở 2.34 triệu, từ sau năm 2026 sẽ xây dựng số tiền cụ thể không thấp hơn lương hiện hưởng trong bảng lương mới đúng không?
Không còn lương cơ sở 2.34 triệu, từ sau năm 2026 sẽ xây dựng số tiền cụ thể không thấp hơn lương hiện hưởng trong bảng lương mới đúng không?
Theo Kết luận 83-KL/TW năm 2024 việc triển khai thực hiện cải cách tiền lương theo Nghị quyết 27-NQ/TW năm 2018 đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang có nhiều khó khăn, vướng mắc, bất cập nên cần rà soát, nghiên cứu kỹ lưỡng, thấu đáo, toàn diện; đồng thời, phải sửa đổi, bổ sung rất nhiều các quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước để trình Trung ương xem xét, điều chỉnh một số nội dung của Nghị quyết 27-NQ/TW năm 2018 cho phù hợp với tình hình thực tiễn.
Từ tình hình trên và căn cứ Nghị quyết 27-NQ/TW năm 2018, Bộ Chính trị giao Ban cán sự đảng Chính phủ chỉ đạo Chính phủ thực hiện cải cách tiền lương khu vực công theo lộ trình, từng bước, hợp lý, thận trọng, khả thi, trong đó sẽ thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở từ 1,8 triệu đồng lên 2,34 triệu đồng (tăng 30%) kể từ ngày 01/7/2024.
Căn cứ tại tiểu mục 5.2 Mục 5 Kết luận 83-KL/TW năm 2024, Bộ Chính trị yêu cầu Ban Kinh tế Trung ương chủ trì sơ kết việc thực hiện Nghị quyết 27-NQ/TW năm 2018, trong đó phối hợp với Ban cán sự đảng Bộ Nội vụ và các ban, bộ, ngành có liên quan nghiên cứu đánh giá sự phù hợp, tính khả thi và đề xuất việc thực hiện 5 bảng lương và 9 chế độ phụ cấp mới của khu vực công cho phù hợp để trình Trung ương xem xét sau năm 2026 khi Bộ Chính trị ban hành và triển khai thực hiện hệ thống Danh mục vị trí việc làm trong hệ thống chính trị.
Một trong những yếu tố để cải cách tiền lương, xây dựng 05 bảng lương mới theo Nghị quyết 27-NQ/TW năm 2018 là: Bãi bỏ mức lương cơ sở và hệ số lương, xây dựng mức lương cơ bản bằng số tiền cụ thể trong bảng lương mới. Việc chuyển xếp lương cũ sang lương mới, bảo đảm không thấp hơn tiền lương hiện hưởng.
Như vậy, lương cơ sở áp dụng đến năm 2026 hiện mới chỉ dừng ở chủ trương của Bộ Chính trị, cần xem xét thêm nhiều yếu tố về tính khả thi, về sự phù hợp hoặc sau khi thực hiện hệ thống Danh mục vị trí việc làm trong hệ thống chính trị thì mới thực hiện được.
Nếu không có gì thay đổi và tình hình phù hợp thì sau năm 2026 sẽ trình Trung ương xem xét đề xuất việc thực hiện 5 bảng lương và 9 chế độ phụ cấp mới của khu vực công.
Trong trường hợp được thông qua thì sẽ xây dựng 5 bảng lương theo tinh thần Nghị quyết 27, một trong những yếu tố xây dựng bảng lương mới là sẽ xây dựng mức lương cơ bản bằng số tiền cụ thể thay thế lương cơ sở và hệ số lương trong bảng lương mới. Việc chuyển xếp lương cũ sang lương mới, bảo đảm không thấp hơn tiền lương hiện hưởng
Bên cạnh đó, trong khoảng thời gian này, mức lương cơ sở 2,34 triệu đồng/tháng có được tiếp tục điều chỉnh tăng hay vẫn giữ đến khi cải cách tiền lương còn phụ thuộc vào việc Chính phủ báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định điều chỉnh lương cơ sở phù hợp khả năng ngân sách nhà nước, chỉ số giá tiêu dùng và tốc độ tăng trưởng kinh tế của đất nước (căn cứ khoản 4 Điều 3 Nghị định 73/2024/NĐ-CP).
Xem toàn bộ bảng lương mới của cán bộ, công chức, viên chức theo mức lương cơ sở mới: Tại đây
Xem thêm: Tiếp tục tăng lương hưu cho toàn bộ người nghỉ hưu trước 1995 có đúng không?
Không còn lương cơ sở 2.34 triệu, từ sau năm 2026 sẽ xây dựng số tiền cụ thể không thấp hơn lương hiện hưởng trong bảng lương mới đúng không? (Hình từ Internet)
Bảng lương mới khi cải cách tiền lương theo Nghị quyết 27 là bảng nào?
Cải cách tiền lương theo Nghị quyết 27-NQ/TW năm 2018 sẽ xây dựng 05 bảng lương mới cho cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang theo vị trí việc làm, chức danh, chức vụ lãnh đạo bằng số tiền cụ thể thay thế bảng lương hiện hành; chuyển xếp lương cũ sang lương mới, bảo đảm không thấp hơn tiền lương hiện hưởng, cụ thể gồm các bảng lương mới sau đây:
- 01 bảng lương chức vụ áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức giữ chức vụ lãnh đạo;
- 01 bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ theo ngạch công chức và chức danh nghề nghiệp viên chức áp dụng chung đối với công chức, viên chức không giữ chức danh lãnh đạo;
- 01 bảng lương sĩ quan quân đội, sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ công an (theo chức vụ, chức danh và cấp bậc quân hàm hoặc cấp hàm);
- 01 bảng lương quân nhân chuyên nghiệp, chuyên môn kỹ thuật công an;
- 01 bảng lương công nhân quốc phòng, công nhân công an (trong đó giữ tương quan tiền lương của lực lượng vũ trang so với công chức hành chính như hiện nay).
Theo Nghị quyết 27, chính sách tiền lương cũ mang nặng tính bình quân đúng không?
Căn cứ tiểu mục 2 Mục 1 Nghị quyết 27-NQ/TW năm 2018 quy định như sau:
I- TÌNH HÌNH VÀ NGUYÊN NHÂN
...
2. Bên cạnh kết quả đạt được, chính sách tiền lương vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập. Chính sách tiền lương trong khu vực công còn phức tạp, thiết kế hệ thống bảng lương chưa phù hợp với vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo; còn mang nặng tính bình quân, không bảo đảm được cuộc sống, chưa phát huy được nhân tài, chưa tạo được động lực để nâng cao chất lượng và hiệu quả làm việc của người lao động. Quy định mức lương cơ sở nhân với hệ số không thể hiện rõ giá trị thực của tiền lương. Có quá nhiều loại phụ cấp, nhiều khoản thu nhập ngoài lương do nhiều cơ quan, nhiều cấp quyết định bằng các văn bản quy định khác nhau làm phát sinh những bất hợp lý, không thể hiện rõ thứ bậc hành chính trong hoạt động công vụ. Chưa phát huy được quyền, trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong việc đánh giá và trả lương, thưởng, gắn với năng suất lao động, chất lượng, hiệu quả công tác của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động.
...
Theo đó, Nghị quyết 27-NQ/TW năm 2018 đã chỉ ra một trong những hạn chế bất cập của chính sách tiền lương đó là còn mang nặng tính bình quân, không bảo đảm được cuộc sống, chưa phát huy được nhân tài, chưa tạo được động lực để nâng cao chất lượng và hiệu quả làm việc của người lao động.