Không báo cáo định kỳ bệnh nghề nghiệp, khi nào thì doanh nghiệp được giảm tiền nộp phạt?
Bao lâu thì người sử dụng lao động phải thống kê, báo cáo bệnh nghề nghiệp?
Điều 37 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015 quy định như sau:
Thống kê, báo cáo về bệnh nghề nghiệp
1. Tất cả người lao động bị mắc bệnh nghề nghiệp phải được thống kê và báo cáo theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế.
Danh mục bệnh nghề nghiệp do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành sau khi lấy ý kiến của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, tổ chức đại diện người sử dụng lao động, tổ chức xã hội có liên quan và được rà soát sửa đổi, bổ sung phù hợp với thay đổi về môi trường lao động, thiết bị, công nghệ.
2. Hằng năm, người sử dụng lao động phải báo cáo, thống kê về phòng, chống bệnh nghề nghiệp cho cơ quan quản lý nhà nước về y tế cấp tỉnh để tổng hợp, báo cáo Bộ Y tế.
3. Hằng năm, Bộ Y tế gửi báo cáo thống kê, đánh giá về bệnh nghề nghiệp, tình hình thực hiện công tác phòng, chống bệnh nghề nghiệp cho Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổng hợp, báo cáo Chính phủ.
4. Bộ Y tế tổ chức, hướng dẫn việc thu thập, lưu trữ, tổng hợp, cung cấp, công bố, đánh giá về tình hình bệnh nghề nghiệp; tổ chức xây dựng, quản lý cơ sở dữ liệu về phòng, chống bệnh nghề nghiệp; tổ chức điều tra bệnh nghề nghiệp.
Theo đó, hằng năm người sử dụng lao động phải báo cáo, thống kê về phòng, chống bệnh nghề nghiệp cho cơ quan quản lý nhà nước về y tế cấp tỉnh để tổng hợp, báo cáo Bộ Y tế.
Không báo cáo định kỳ bệnh nghề nghiệp, khi nào thì doanh nghiệp được giảm tiền nộp phạt?
Không báo cáo định kỳ bệnh nghề nghiệp thì doanh nghiệp có thể bị phạt bao nhiêu tiền?
Tại Điều 20 Nghị định 12/2022/NĐ-CP quy định:
Vi phạm quy định về báo cáo công tác an toàn, vệ sinh lao động
1. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với người lao động có hành vi không báo cáo kịp thời với người có trách nhiệm khi phát hiện nguy cơ xảy ra sự cố kỹ thuật gây mất an toàn, vệ sinh lao động, tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp.
2. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có hành vi không báo cáo hoặc báo cáo không đúng thời hạn về công tác an toàn, vệ sinh lao động theo quy định của pháp luật.
3. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi: không thống kê tai nạn lao động; không báo cáo định kỳ hoặc báo cáo không đầy đủ hoặc báo cáo không chính xác hoặc báo cáo không đúng thời hạn về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; không báo cáo định kỳ hoặc báo cáo không đầy đủ hoặc báo cáo không chính xác hoặc báo cáo không đúng thời hạn về sự cố kỹ thuật gây mất an toàn, vệ sinh lao động nghiêm trọng theo quy định của pháp luật.
Và theo quy định tại Điều 6 Nghị định 12/2022/NĐ-CP thì dây là mức phạt tiền tại khoản 3 Điều 20 là đối với cá nhân. Còn tổ chức thì gấp đôi.
Theo đó, không báo cáo định kỳ bệnh nghề nghiệp doanh nghiệp có thể bị phạt từ 10 - 20 triệu đồng.
Khi nào thì doanh nghiệp được giảm tiền phạt do không báo cáo định kỳ bệnh nghề nghiệp?
Căn cứ Điều 77 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 được sửa đổi bởi khoản 38 Điều 1 Luật Xử lý vi phạm hành chính sửa đổi 2020 quy định như sau:
Giảm, miễn tiền phạt
1. Việc giảm một phần tiền phạt ghi trong quyết định xử phạt đối với cá nhân, tổ chức đã được hoãn thi hành quyết định phạt tiền theo quy định tại Điều 76 của Luật này được quy định như sau:
a) Cá nhân tiếp tục gặp khó khăn về kinh tế do thiên tai, thảm họa, hỏa hoạn, dịch bệnh, mắc bệnh hiểm nghèo, tai nạn và có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú hoặc cơ quan, tổ chức nơi người đó học tập, làm việc;
b) Tổ chức tiếp tục gặp khó khăn đặc biệt hoặc đột xuất về kinh tế do thiên tai, thảm họa, hỏa hoạn, dịch bệnh và có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã, Ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế, cơ quan Thuế quản lý trực tiếp hoặc cơ quan cấp trên trực tiếp.
...
6. Cá nhân, tổ chức phải có đơn đề nghị giảm, miễn tiền phạt kèm theo xác nhận của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền theo quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4 và 5 Điều này gửi người đã ra quyết định xử phạt. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận, được đơn, người đã ra quyết định xử phạt xem xét, quyết định việc giảm, miễn và thông háo cho người có đơn đề nghị giảm, miễn biết; nếu không đồng ý với việc giảm, miễn thì phải nêu rõ lý do.
7. Cá nhân, tổ chức được giảm, miễn tiền phạt được nhận lại giấy tờ, tang vật, phương tiện đang bị tạm giữ theo quy định tại khoản 6 Điều 125 của Luật này.
Doanh nghiệp được giảm tiền phạt do không báo cáo định kỳ bệnh nghề nghiệp khi tiếp tục gặp khó khăn đặc biệt hoặc đột xuất về kinh tế do thiên tai, thảm họa, hỏa hoạn, dịch bệnh và có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã, Ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế, cơ quan Thuế quản lý trực tiếp hoặc cơ quan cấp trên trực tiếp.