Khoản trợ cấp bệnh nghề nghiệp của người lao động có phải đóng thuế thu nhập cá nhân không?
Khoản trợ cấp bệnh nghề nghiệp của người lao động có phải đóng thuế thu nhập cá nhân không?
Căn cứ Điều 2 Thông tư 111/2013/TT-BTC quy định về các khoản thu nhập chịu thuế như sau:
Các khoản thu nhập chịu thuế
Theo quy định tại Điều 3 Luật Thuế thu nhập cá nhân và Điều 3 Nghị định số 65/2013/NĐ-CP, các khoản thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân bao gồm:
1. Thu nhập từ kinh doanh
Thu nhập từ kinh doanh là thu nhập có được từ hoạt động sản xuất, kinh doanh trong các lĩnh vực sau:
a) Thu nhập từ sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thuộc tất cả các lĩnh vực, ngành nghề kinh doanh theo quy định của pháp luật như: sản xuất, kinh doanh hàng hóa; xây dựng; vận tải; kinh doanh ăn uống; kinh doanh dịch vụ, kể cả dịch vụ cho thuê nhà, quyền sử dụng đất, mặt nước, tài sản khác.
b) Thu nhập từ hoạt động hành nghề độc lập của cá nhân trong những lĩnh vực, ngành nghề được cấp giấy phép hoặc chứng chỉ hành nghề theo quy định của pháp luật.
c) Thu nhập từ hoạt động sản xuất, kinh doanh nông nghiệp, lâm nghiệp, làm muối, nuôi trồng, đánh bắt thủy sản không đáp ứng đủ điều kiện được miễn thuế hướng dẫn tại điểm e, khoản 1, Điều 3 Thông tư này.
2. Thu nhập từ tiền lương, tiền công
Thu nhập từ tiền lương, tiền công là thu nhập người lao động nhận được từ người sử dụng lao động, bao gồm:
a) Tiền lương, tiền công và các khoản có tính chất tiền lương, tiền công dưới các hình thức bằng tiền hoặc không bằng tiền.
b) Các khoản phụ cấp, trợ cấp, trừ các khoản phụ cấp, trợ cấp sau:
b.1) Trợ cấp, phụ cấp ưu đãi hàng tháng và trợ cấp một lần theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công.
b.2) Trợ cấp hàng tháng, trợ cấp một lần đối với các đối tượng tham gia kháng chiến, bảo vệ tổ quốc, làm nhiệm vụ quốc tế, thanh niên xung phong đã hoàn thành nhiệm vụ.
b.3) Phụ cấp quốc phòng, an ninh; các khoản trợ cấp đối với lực lượng vũ trang.
b.4) Phụ cấp độc hại, nguy hiểm đối với những ngành, nghề hoặc công việc ở nơi làm việc có yếu tố độc hại, nguy hiểm.
b.5) Phụ cấp thu hút, phụ cấp khu vực.
b.6) Trợ cấp khó khăn đột xuất, trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, trợ cấp một lần khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi, mức hưởng chế độ thai sản, mức hưởng dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ sau thai sản, trợ cấp do suy giảm khả năng lao động, trợ cấp hưu trí một lần, tiền tuất hàng tháng, trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm, trợ cấp thất nghiệp và các khoản trợ cấp khác theo quy định của Bộ luật Lao động và Luật Bảo hiểm xã hội.
b.7) Trợ cấp đối với các đối tượng được bảo trợ xã hội theo quy định của pháp luật.
b.8) Phụ cấp phục vụ đối với lãnh đạo cấp cao.
...
Theo đó, khoản trợ cấp bệnh nghề nghiệp của người lao động không phải đóng thuế thu nhập cá nhân.
Khoản trợ cấp bệnh nghề nghiệp của người lao động có phải đóng thuế thu nhập cá nhân không? (Hình từ Internet)
Mức bồi thường bệnh nghề nghiệp hiện nay như thế nào?
Căn cứ khoản 4 Điều 38 Luật An toàn, vệ sinh lao động năm 2015 quy định như sau:
Trách nhiệm của người sử dụng lao động đối với người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp
...
4. Bồi thường cho người lao động bị tai nạn lao động mà không hoàn toàn do lỗi của chính người này gây ra và cho người lao động bị bệnh nghề nghiệp với mức như sau:
a) Ít nhất bằng 1,5 tháng tiền lương nếu bị suy giảm từ 5% đến 10% khả năng lao động; sau đó cứ tăng 1% được cộng thêm 0,4 tháng tiền lương nếu bị suy giảm khả năng lao động từ 11% đến 80%;
b) Ít nhất 30 tháng tiền lương cho người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên hoặc cho thân nhân người lao động bị chết do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp;
...
Và theo khoản 3 Điều 3 Thông tư 28/2021/TT-BLĐTBXH quy định như sau:
Bồi thường tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp
...
3. Mức bồi thường:
Mức bồi thường đối với người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp quy định tại điểm a và b khoản 1 Điều này được tính như sau:
a) Ít nhất bằng 30 tháng tiền lương cho người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên hoặc cho thân nhân người lao động bị chết do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
b) Ít nhất bằng 1,5 tháng tiền lương đối với người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 5% đến 10%; nếu bị suy giảm khả năng lao động từ 11% đến 80% thì cứ tăng 1% sẽ được cộng thêm 0,4 tháng tiền lương theo công thức dưới đây hoặc tra theo bảng tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này:
Tbt = 1,5 + {(a - 10) x 0,4}
Trong đó:
- Tbt: Mức bồi thường cho người bị suy giảm khả năng lao động từ 11% trở lên (đơn vị tính: tháng tiền lương);
- 1,5: Mức bồi thường khi suy giảm khả năng lao động từ 5% đến 10%;
- a: Mức (%) suy giảm khả năng lao động của người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp;
- 0,4: Hệ số bồi thường khi suy giảm khả năng lao động tăng 1%.
Ví dụ 1:
- Ông A bị bệnh nghề nghiệp, giám định sức khỏe lần thứ nhất xác định mức suy giảm khả năng lao động là 15%. Mức bồi thường lần thứ nhất cho ông A tính như sau:
Tbt = 1,5 + {(15 - 10) x 0,4} = 3,5 (tháng tiền lương).
- Định kỳ, ông A giám định sức khỏe lần thứ hai thì mức suy giảm khả năng lao động được xác định là 35% (mức suy giảm khả năng lao động đã tăng hơn so với lần thứ nhất là 20%). Mức bồi thường lần thứ hai cho ông A là:
Tbt = 20 x 0,4 = 8,0 (tháng tiền lương).
Như vậy, người lao động bị mắc bệnh nghề nghiệp sẽ được người sử dụng lao động bồi thường như sau:
- Trường hợp bị suy giảm khả năng lao động từ 5% - 10%: Được bồi thường ít nhất 1,5 tháng tiền lương.
- Trường hợp bị suy giảm khả năng lao động từ 11 - 80%: Được bồi thường theo công thức sau:
Tiền bồi thường = 1,5 tháng lương + (Tỷ lệ suy giảm khả năng lao động - 10) x 0,4
- Trường hợp bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên hoặc bị chết: Được bồi thường ít nhất 30 tháng tiền lương.
Trong đó, tiền lương làm căn cứ bồi thường cho người lao động bị tai nạn lao động, mắc bệnh nghề nghiệp được xác định là mức bình quân tiền lương của 06 tháng liền kề trước khi bị tai nạn lao động, mắc bệnh nghề nghiệp.
Lưu ý: Số tiền bồi thường trả cho người lao động được thực hiện theo nguyên tắc sau:
- Lần bồi thường thứ nhất: Căn cứ vào tỷ lệ % suy giảm khả năng lao động trong lần khám đầu.
- Từ lần bồi thường thứ hai trở đi: Căn cứ vào tỷ lệ % suy giảm khả năng lao động tăng lên để bồi thường phần chênh lệch so với kết quả giám định ngay trước đó.
Người lao động được bồi thường bệnh nghề nghiệp trong trường hợp nào?
Căn cứ khoản 1 Điều 3 Thông tư 28/2021/TT-BLĐTBXH quy định như sau:
Bồi thường tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp
1. Các trường hợp được bồi thường:
a) Người lao động bị tai nạn lao động làm suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên hoặc bị chết do tai nạn lao động mà không hoàn toàn do lỗi của chính người lao động này gây ra; trừ các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 4 của Thông tư này.
b) Người lao động bị bệnh nghề nghiệp làm suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên hoặc bị chết do bệnh nghề nghiệp khi đang làm việc cho người sử dụng lao động, hoặc trước khi nghỉ hưu, trước khi thôi việc, trước khi chuyển đến làm việc cho người sử dụng lao động khác (không bao gồm các trường hợp người lao động bị bệnh nghề nghiệp do làm các nghề, công việc cho người sử dụng lao động khác gây nên).
...
Như vậy, người lao động sẽ được bồi thường bệnh nghề nghiệp trong trường hợp bị bệnh nghề nghiệp làm suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên hoặc bị chết do bệnh nghề nghiệp khi đang làm việc cho người sử dụng lao động, hoặc trước khi nghỉ hưu, trước khi thôi việc, trước khi chuyển đến làm việc cho người sử dụng lao động khác.
Lưu ý: Bệnh nghề nghiệp phải là một trong các bệnh nghề nghiệp thuộc danh mục bệnh nghề nghiệp cho Bộ Y tế ban hành tại Thông tư 15/2016/TT-BYT.