Kháng cáo là gì? Được kháng cáo mấy lần? Mẫu đơn kháng cáo dành cho vụ án tranh chấp lao động như thế nào?
Kháng cáo là gì? Được kháng cáo mấy lần?
Theo Điều 271 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định:
Người có quyền kháng cáo
Đương sự, người đại diện hợp pháp của đương sự, cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện có quyền kháng cáo bản án sơ thẩm, quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự, quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự của Tòa án cấp sơ thẩm để yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm giải quyết lại theo thủ tục phúc thẩm.
Theo đó có thể hiểu kháng cáo là một thủ tục pháp lý cho phép các bên liên quan trong một vụ án yêu cầu tòa án cấp trên xét xử lại bản án hoặc quyết định của tòa án cấp dưới khi họ không đồng ý với phán quyết đó.
Theo Điều 17 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định:
Bảo đảm chế độ xét xử sơ thẩm, phúc thẩm
1. Chế độ xét xử sơ thẩm, phúc thẩm được bảo đảm.
Bản án, quyết định sơ thẩm của Tòa án có thể bị kháng cáo, kháng nghị theo quy định của Bộ luật này.
Bản án, quyết định sơ thẩm của Tòa án không bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm trong thời hạn do Bộ luật này quy định thì có hiệu lực pháp luật. Bản án, quyết định sơ thẩm của Tòa án bị kháng cáo, kháng nghị thì vụ án phải được xét xử phúc thẩm. Bản án, quyết định phúc thẩm có hiệu lực pháp luật.
2. Bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật mà phát hiện có vi phạm pháp luật hoặc có tình tiết mới theo quy định của Bộ luật này thì được xem xét lại theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm.
Theo đó một vụ án được xét xử qua hai cấp: sơ thẩm và phúc thẩm. Sau khi xét xử sơ thẩm, nếu các bên liên quan không đồng ý với bản án của tòa sơ thẩm thì có quyền kháng cáo lên tòa phúc thẩm. Sau khi tòa phúc thẩm đã tuyên án, bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật nên không thể kháng cáo thêm lần nữa.
Như vậy chỉ được thực hiện việc kháng cáo một lần.
Kháng cáo là gì? Được kháng cáo mấy lần? (Hình từ Internet)
Mẫu đơn kháng cáo dành cho vụ án tranh chấp lao động như thế nào?
Mẫu đơn kháng cáo dành cho vụ án tranh chấp lao động là Mẫu số 54-DS ban hành kèm theo Nghị quyết 01/2017/NQ-HĐTP:
Tải mẫu đơn kháng cáo bản án tranh chấp lao động: Tại đây
Những tranh chấp lao động nào được trực tiếp khởi kiện ra Tòa án mà không cần hòa giải trước?
Theo Điều 191 Bộ luật Lao động 2019 thì tranh chấp lao động về quyền phải được giải quyết thông qua thủ tục hòa giải của hòa giải viên lao động trước khi yêu cầu Tòa án giải quyết.
Theo Điều 188 Bộ luật Lao động 2019 quy định:
Trình tự, thủ tục hòa giải tranh chấp lao động cá nhân của hòa giải viên lao động
1. Tranh chấp lao động cá nhân phải được giải quyết thông qua thủ tục hòa giải của hòa giải viên lao động trước khi yêu cầu Hội đồng trọng tài lao động hoặc Tòa án giải quyết, trừ các tranh chấp lao động sau đây không bắt buộc phải qua thủ tục hòa giải:
a) Về xử lý kỷ luật lao động theo hình thức sa thải hoặc về trường hợp bị đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động;
b) Về bồi thường thiệt hại, trợ cấp khi chấm dứt hợp đồng lao động;
c) Giữa người giúp việc gia đình với người sử dụng lao động;
d) Về bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, về bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế, về bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật về việc làm, về bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động;
đ) Về bồi thường thiệt hại giữa người lao động với doanh nghiệp, tổ chức đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng;
e) Giữa người lao động thuê lại với người sử dụng lao động thuê lại.
2. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày hòa giải viên lao động nhận được yêu cầu từ bên yêu cầu giải quyết tranh chấp hoặc từ cơ quan quy định tại khoản 3 Điều 181 của Bộ luật này, hòa giải viên lao động phải kết thúc việc hòa giải.
...
Theo đó những tranh chấp lao động cá nhân sau đây được kiện trực tiếp ra Tòa án mà không cần thông qua thủ tục hòa giải trước:
- Tranh chấp về xử lý kỷ luật lao động theo hình thức sa thải hoặc về trường hợp bị đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động;
- Tranh chấp về bồi thường thiệt hại, trợ cấp khi chấm dứt hợp đồng lao động;
- Tranh chấp giữa người giúp việc gia đình với người sử dụng lao động;
- Tranh chấp về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định của pháp luật;
- Tranh chấp về bồi thường thiệt hại giữa người lao động với doanh nghiệp, tổ chức đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng;
- Tranh chấp giữa người lao động thuê lại với người sử dụng lao động thuê lại.