Hướng dẫn viết mẫu bổ sung lý lịch cán bộ cụ thể như thế nào?
Hướng dẫn viết mẫu bổ sung lý lịch cán bộ cụ thể như thế nào?
Hiện nay, Mẫu bổ sung lý lịch cán bộ được thực hiện theo Mẫu 04a-BNV/2007 ban hành kèm theo Quyết định 06/2007/QĐ-BNV, cụ thể như sau:
Tải Mẫu bổ sung lý lịch cán bộ (Mẫu 04a-BNV/2007): Tại đây
Hướng dẫn viết phiếu bổ sung lý lịch cán bộ công chức?
(1) Phần mở đầu phiếu:
- Ghi rõ tên cơ quan quản lý cán bộ, công chức; tên đơn vị sử dụng và số hiệu cán bộ, công chức.
- Tên Phiếu bổ sung lý lịch cán bộ, công chức cần ghi rõ thời gian từ ngày tháng năm nào đến ngày tháng năm nào.
- Các thông tin về cá nhân cán bộ, công chức:
+ Họ và tên khai sinh: ghi theo Giấy khai sinh.
+ Các thông tin về ngày tháng năm sinh, giới tính, nơi ở hiện tại.
+ Nêu rõ chức vụ, chức danh mà cán bộ, công chức đang đảm nhiệm.
+ Ghi rõ chức danh nghề, mã số, bậc lương, hệ số lương, ngày hưởng lương, phụ cấp chức vụ và các khoản phụ cấp khác.
+ Các thông tin về kết nạp Đảng: ghi rõ ngày kết nạp Đảng và ngày chuyển Đảng chính thức.
(2) Phần nội dung chính:
- Phần thay đổi về chức danh, chức vụ, đơn vị công tác:
+ Chỉ kê khai những thay đổi hoặc bổ sung về chức danh, chức vụ, đơn vị công tác so với thời điểm trước;
+ Từ tháng, năm…đến ngày tháng năm: Chức danh, chức vụ được bổ nhiệm, bầu cử, điều động, miễn nhiệm (trong đảng, chính quyền, đoàn thể, tổ chức của nước ngoài hoặc liên doanh với nước ngoài), thay đổi về nội dung công việc, đơn vị công tác, danh hiệu được phong tặng…
- Phần đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệm vụ:
+ Chỉ khai bổ sung sau khi đã kết thúc khóa đào tạo, bồi dưỡng.
+ Gồm các thông tin về cơ sở đào tạo, bồi dưỡng; chuyên ngành đào tạo, bồi dưỡng; thời gian đào tạo, bồi dưỡng; hình thức đào tạo, bồi dưỡng; văn bằng, chứng chỉ.
- Phần khen thưởng, kỷ luật chỉ khai những phát sinh mới.
- Đi nước ngoài: Ghi đầy đủ thời gian trong trường hợp đi từ 06 tháng trở lên tính từ ngày tháng năm đến ngày tháng năm, đi nước nào, đã làm việc ở cơ quan, tổ chức nào, nội dung công việc.
- Về kinh tế bản thân: Chỉ khai những phát sinh so với thời điểm trước đó.
- Về gia đình: Kê khai những phát sinh mới về số lượng thành viên trong gia đình và hoàn cảnh kinh tế, chính trị của các thành viên trong gia đình.
- Những vấn đề khác cần bổ sung: Ghi đầy đủ thông tin (nếu có).
* Phần cuối phiếu:
- Cán bộ, công chức khai ghi rõ địa điểm, ngày tháng năm rồi ký và ghi rõ họ tên lên phiếu.
- Thủ trưởng đơn vị sử dụng công chức, viên chức ký xác nhận và đóng dấu lên phiếu.
Hướng dẫn viết mẫu bổ sung lý lịch cán bộ cụ thể như thế nào? (Hình từ Internet)
Việc đánh giá cán bộ được thực hiện khi nào?
Tại Điều 28 Luật Cán bộ, công chức 2008 có quy định như sau:
Nội dung đánh giá cán bộ
1. Cán bộ được đánh giá theo các nội dung sau đây:
a) Chấp hành đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước;
b) Phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, tác phong và lề lối làm việc;
c) Năng lực lãnh đạo, điều hành, tổ chức thực hiện nhiệm vụ;
d) Tinh thần trách nhiệm trong công tác;
đ) Kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao.
2. Việc đánh giá cán bộ được thực hiện hàng năm, trước khi bầu cử, phê chuẩn, bổ nhiệm, quy hoạch, điều động, đào tạo, bồi dưỡng, khi kết thúc nhiệm kỳ, thời gian luân chuyển.
Thẩm quyền, trình tự, thủ tục đánh giá cán bộ được thực hiện theo quy định của pháp luật và của cơ quan có thẩm quyền.
Theo đó, việc đánh giá cán bộ được thực hiện hàng năm, trước khi bầu cử, phê chuẩn, bổ nhiệm, quy hoạch, điều động, đào tạo, bồi dưỡng, khi kết thúc nhiệm kỳ, thời gian luân chuyển.
Xếp loại chất lượng cán bộ theo những mức nào?
Tại Điều 29 Luật Cán bộ, công chức 2008 được sửa đổi bởi khoản 3 Điều 1 Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức sửa đổi 2019 có quy định như sau:
Xếp loại chất lượng cán bộ
1. Căn cứ vào kết quả đánh giá, cán bộ được xếp loại chất lượng theo các mức như sau:
a) Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ;
b) Hoàn thành tốt nhiệm vụ;
c) Hoàn thành nhiệm vụ;
d) Không hoàn thành nhiệm vụ.
2. Kết quả xếp loại chất lượng cán bộ được lưu vào hồ sơ cán bộ, thông báo đến cán bộ được đánh giá và công khai trong cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi cán bộ công tác.
3. Cơ quan, tổ chức có thẩm quyền miễn nhiệm, cho thôi làm nhiệm vụ đối với cán bộ có 02 năm liên tiếp được xếp loại chất lượng ở mức không hoàn thành nhiệm vụ.
Theo đó, xếp loại chất lượng cán bộ theo những mức sau đây:
- Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ;
- Hoàn thành tốt nhiệm vụ;
- Hoàn thành nhiệm vụ;
- Không hoàn thành nhiệm vụ.