Hướng dẫn thu kinh phí công đoàn cơ sở năm 2025 như thế nào?
Hướng dẫn thu kinh phí công đoàn cơ sở năm 2025 như thế nào?
Ngày 19/9/2024, Tổng Liên đoàn Lao động có Quyết định 1754/QĐ-TLĐ năm 2024 ban hành Quy định về nguyên tắc xây dựng và giao dự toán tài chính công đoàn năm 2025.
Căn cứ theo tiểu mục 1 Mục 2 Quyết định 1754/QĐ-TLĐ năm 2024, hướng dẫn thu kinh phí công đoàn cơ sở từ năm 2025 như sau:
(1) Lao động thuộc đối tượng phải đóng KPCĐ
- Đối với cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đã thành lập công đoàn cơ sở:
LĐLĐ tỉnh, thành phố; Công đoàn ngành TW và tương đương; Công đoàn Tổng Công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn: Thực hiện thống kê số lao động thuộc đối tượng đóng kinh phí công đoàn theo quy định tại các đơn vị theo khu vực HCSN, khu vực SXKD. Số lao động được thống kê tại các đơn vị bao gồm:
+ Số lao động đang đóng BHXH tại thời điểm 30/6/2024, khuyến khích các đơn vị lấy số liệu sát thời điểm lập dự toán 2025 (theo số liệu của cơ quan BHXH cung cấp tại khoản 5 Điều 8 Quy chế phối hợp 3601/QCPH-TLĐ-BHXH năm 2016)
+ Số lao động tại đơn vị thuộc đối tượng phải nộp KPCĐ nhưng chưa tham gia BHXH,
+ Số lao động dự kiến tăng (giảm) tại đơn vị trong năm kế hoạch năm 2025.
- Đối với đơn vị, doanh nghiệp chưa thành lập công đoàn cơ sở:
LĐLĐ tỉnh, thành phố; Công đoàn ngành TW và tương đương; Công đoàn Tổng Công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn: Thực hiện thống kê danh sách các doanh nghiệp đã đóng BHXH tại thời điểm 30/6/2024 (theo số liệu của cơ quan BHXH cung cấp), từ đó xác định số lao động tại các doanh nghiệp tương tự như cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đã thành lập công đoàn cơ sở.
- Khi tổng hợp số lao động của các đơn vị làm căn cứ xây dựng dự toán tài chính công đoàn năm 2025, nếu chênh lệch so với số liệu Ban Tổ chức Tổng Liên đoàn theo dõi tại cùng thời điểm thì các đơn vị phải có báo cáo giải trình, thuyết minh về số chênh lệch.
(2) Về quỹ lương thu kinh phí công đoàn
- Quỹ tiền lương xác định thu kinh phí công đoàn năm 2025 tại các đơn vị được xác định từ tiền lương đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động bình quân 6 tháng đầu năm 2024 tính theo mức lương cơ sở (quy định tại Điều 3 Nghị định 73/2024/NĐ-CP) và mức lương tối thiểu vùng (theo Điều 3 Nghị định 74/2024/NĐ-CP) (theo số liệu của cơ quan BHXH cung cấp) nhân với số lao động thuộc đối tượng phải đóng kinh phí công đoàn và nhân với 12 tháng.
- Số dự toán thu KPCĐ khu vực SXKD tại LĐLĐ tỉnh, thành phố; Công đoàn ngành TW và tương đương; Công đoàn Tổng Công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn là dữ liệu để nhập Phần mềm thu KPCĐ khu vực SXKD năm 2025 theo Hướng dẫn 1305/HD-TLĐ năm 2017; Hướng dẫn 09/HD-TLĐ năm 2020; Hướng dẫn 85/HD-TLĐ năm 2023.
- Các đơn vị xây dựng dự toán số thu KPCĐ năm 2025 tăng tối thiểu 5% so với số ước thực hiện năm 2024.
Hướng dẫn thu kinh phí công đoàn cơ sở năm 2025 như thế nào? (Hình từ Internet)
Doanh nghiệp chưa có công đoàn cơ sở thì cần đóng kinh phí công đoàn không?
Căn cứ theo Điều 4 Nghị định 191/2013/NĐ-CP quy định như sau:
Đối tượng đóng kinh phí công đoàn
Đối tượng đóng kinh phí công đoàn theo quy định tại Khoản 2 Điều 26 Luật công đoàn là cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp mà không phân biệt cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đó đã có hay chưa có tổ chức công đoàn cơ sở, bao gồm:
1. Cơ quan nhà nước (kể cả Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn), đơn vị thuộc lực lượng vũ trang nhân dân.
2. Tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp.
3. Đơn vị sự nghiệp công lập và ngoài công lập.
4. Doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế thành lập, hoạt động theo Luật doanh nghiệp, Luật đầu tư.
5. Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã thành lập, hoạt động theo Luật hợp tác xã.
6. Cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam có liên quan đến tổ chức và hoạt động công đoàn, văn phòng điều hành của phía nước ngoài trong hợp đồng hợp tác kinh doanh tại Việt Nam có sử dụng lao động là người Việt Nam.
7. Tổ chức khác có sử dụng lao động theo quy định của pháp luật về lao động.
Như vậy, doanh nghiệp dù có hay chưa có công đoàn cơ sở thì vẫn phải đóng kinh phí công đoàn nếu thuộc đối tượng đóng theo quy định.
Chậm đóng kinh phí công đoàn thì bị xử phạt bao nhiêu tiền?
Căn cứ theo Điều 38 Nghị định 12/2022/NĐ-CP quy định như sau:
Vi phạm quy định về đóng kinh phí công đoàn
1. Phạt tiền với mức từ 12% đến dưới 15% tổng số tiền phải đóng kinh phí công đoàn tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính nhưng tối đa không quá 75.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:
a) Chậm đóng kinh phí công đoàn;
b) Đóng kinh phí công đoàn không đúng mức quy định;
c) Đóng kinh phí công đoàn không đủ số người thuộc đối tượng phải đóng.
...
3. Biện pháp khắc phục hậu quả
Chậm nhất 30 ngày, kể từ ngày có quyết định xử phạt, người sử dụng lao động phải nộp cho tổ chức công đoàn số tiền kinh phí công đoàn chậm đóng, đóng chưa đủ hoặc chưa đóng và khoản tiền lãi của số tiền kinh phí công đoàn chưa đóng, chậm đóng theo mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn cao nhất của các ngân hàng thương mại nhà nước công bố tại thời điểm xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này.
Theo đó, phạt tiền với mức từ 12% đến dưới 15% tổng số tiền phải đóng kinh phí công đoàn tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính nhưng tối đa không quá 75.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động chậm đóng kinh phí công đoàn.
Lưu ý: Mức phạt quy định trên đây là mức phạt đối với cá nhân. Mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân (căn cứ khoản 1 Điều 6 Nghị định 12/2022/NĐ-CP).
Ngoài ra, người sử dụng lao động còn phải thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả như sau: Chậm nhất 30 ngày, kể từ ngày có quyết định xử phạt, doanh nghiệp phải nộp cho tổ chức công đoàn số tiền kinh phí công đoàn chưa đóng và khoản tiền lãi của số tiền kinh phí công đoàn chưa đóng theo mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn cao nhất của các ngân hàng thương mại nhà nước công bố tại thời điểm xử phạt đối với hành vi vi phạm.