Hướng dẫn doanh nghiệp điều chỉnh thông tin Giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng online?
- Doanh nghiệp có được điều chỉnh thông tin Giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài hay không?
- Hướng dẫn doanh nghiệp điều chỉnh thông tin Giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng online?
- Khi nào doanh nghiệp bị thu hồi Giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài?
Doanh nghiệp có được điều chỉnh thông tin Giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài hay không?
Tại Điều 13 Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng 2020 có quy định như sau:
Điều chỉnh thông tin Giấy phép
1. Khi có sự thay đổi thông tin so với nội dung ghi trong Giấy phép đã được cấp, doanh nghiệp dịch vụ có văn bản đề nghị Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội điều chỉnh thông tin trên Giấy phép.
2. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị của doanh nghiệp dịch vụ, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội điều chỉnh thông tin trên Giấy phép.
3. Doanh nghiệp dịch vụ được miễn phí khi điều chỉnh thông tin trên Giấy phép.
Như vậy, khi có sự thay đổi thông tin so với nội dung ghi trong Giấy phép đã được cấp, doanh nghiệp dịch vụ có văn bản đề nghị Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội điều chỉnh thông tin trên Giấy phép.
Hướng dẫn doanh nghiệp điều chỉnh thông tin Giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng online? (Hình từ Internet)
Hướng dẫn doanh nghiệp điều chỉnh thông tin Giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng online?
Theo quy định tại Điều 6 Thông tư 20/2021/TT-BLĐTBXH có nêu như sau:
Cấp, đăng ký tài khoản trên Hệ thống cơ sở dữ liệu
...
2. Doanh nghiệp; đơn vị sự nghiệp; tổ chức, cá nhân đầu tư ra nước ngoài và công dân Việt Nam giao kết hợp đồng lao động sau khi xuất cảnh đăng ký tài khoản trên Hệ thống cơ sở dữ liệu tại địa chỉ http://molisa.gov.vn
Tại Điều 8 Thông tư 20/2021/TT-BLĐTBXH có quy định như sau:
Điều chỉnh thông tin Giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng
1. Doanh nghiệp đề nghị điều chỉnh thông tin Giấy phép theo Điều 13 Luật số 69/2020/QH14 thao tác như sau:
a) Đăng nhập tài khoản, truy cập vào mục “Điều chỉnh thông tin Giấy phép” và khai thông tin điều chỉnh Giấy phép của doanh nghiệp;
b) Đăng tải các tài liệu liên quan đến thông tin thay đổi so với nội dung ghi trong Giấy phép đã được cấp lên Hệ thống cơ sở dữ liệu;
c) Ký số và gửi hồ sơ trực tuyến.
2. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ trên Hệ thống cơ sở dữ liệu, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội điều chỉnh thông tin Giấy phép cho doanh nghiệp. Bản gốc Giấy phép được trả trực tiếp tại bộ phận một cửa hoặc qua dịch vụ bưu chính. Trạng thái xử lý hồ sơ được hiển thị trên Hệ thống cơ sở dữ liệu.
Như vậy, doanh nghiệp thực hiện điều chỉnh thông tin Giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng thông qua hệ thống cơ sở dữ liệu theo các bước sau:
- Đăng nhập tài khoản trên Hệ thống cơ sở dữ liệu tại địa chỉ http://molisa.gov.vn, truy cập vào mục “Điều chỉnh thông tin Giấy phép” và khai thông tin điều chỉnh Giấy phép của doanh nghiệp;
- Đăng tải các tài liệu liên quan đến thông tin thay đổi so với nội dung ghi trong Giấy phép đã được cấp lên Hệ thống cơ sở dữ liệu;
- Ký số và gửi hồ sơ trực tuyến.
Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ trên Hệ thống cơ sở dữ liệu, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội điều chỉnh thông tin Giấy phép cho doanh nghiệp.
Bản gốc Giấy phép được trả trực tiếp tại bộ phận một cửa hoặc qua dịch vụ bưu chính. Trạng thái xử lý hồ sơ được hiển thị trên Hệ thống cơ sở dữ liệu.
Khi nào doanh nghiệp bị thu hồi Giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài?
Tại khoản 2 Điều 16 Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng 2020 có quy định như sau:
Nộp lại Giấy phép, thu hồi Giấy phép
1. Doanh nghiệp dịch vụ phải nộp lại Giấy phép cho Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trong trường hợp sau đây:
a) Chấm dứt tồn tại theo quy định của pháp luật;
b) Chấm dứt hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
2. Doanh nghiệp dịch vụ bị thu hồi Giấy phép trong trường hợp sau đây:
a) Nội dung kê khai trong hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép là giả mạo;
b) Không duy trì các điều kiện quy định tại Điều 10 của Luật này;
c) Không đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài trong thời gian 24 tháng liên tục, trừ trường hợp thiên tai, dịch bệnh, chiến tranh, bất ổn chính trị, suy thoái kinh tế hoặc vì lý do bất khả kháng khác mà bên nước ngoài không thể tiếp nhận người lao động;
d) Vi phạm quy định tại khoản 1, 2, 5, 6, 7, 8, 11, 12 hoặc 13 Điều 7 của Luật này;
đ) Thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ quy định tại các điểm c, e, g, h và i khoản 2 Điều 26 của Luật này dẫn đến thiệt hại nghiêm trọng về vật chất, tinh thần đối với người lao động.
3. Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quyết định thu hồi Giấy phép; công bố việc thu hồi Giấy phép trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày ra quyết định thu hồi; công bố việc nộp lại Giấy phép trên cổng thông tin điện tử của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, thông báo đến Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi doanh nghiệp dịch vụ đặt trụ sở chính.
4. Chính phủ quy định chi tiết khoản 1 và khoản 2 Điều này.
Như vậy, doanh nghiệp sẽ bị thu hồi Giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài nếu thuộc một trong các trường hợp nêu trên.