Hướng dẫn cách viết đơn xin việc mới nhất chi tiết?
Hướng dẫn cách viết đơn xin việc mới nhất chi tiết?
Đơn xin việc là một trong những giấy tờ không thể thiếu trong bộ hồ sơ xin việc của mỗi ứng viên.
Đơn xin việc giúp ứng viên thể hiện sự quan tâm, nguyện vọng và khả năng phù hợp của mình với vị trí công việc mà mình muốn làm.
Hiện nay, có rất nhiều các mẫu đơn xin việc thuộc nhiều ngành nghề khác nhau, khi muốn ứng tuyển vào một vị trí bất kì thì bạn nên chuẩn bị mẫu đơn xin việc chỉn chu và chuyên nghiệp.
Bộ luật Lao động 2019 và các văn bản liên quan không quy định về mẫu đơn xin việc. Có thể tham khảo mẫu đơn xin việc mới nhất dưới đây:
(Một phần mẫu đơn xin việc)
Tải mẫu đơn xin việc 2024: Tại đây
Hướng dẫn viết:
Dựa theo mẫu đơn xin việc trên thì ứng viên cần điền những nội dung sau đây tương ứng với mỗi ô trống trong mẫu đơn:
(1) Điền rõ tên Công ty mà người làm đơn muốn ứng tuyển vào làm việc.
(2) Ghi rõ cách thức mà người làm đơn biết Công ty có nhu cầu tuyển dụng (Ví dụ: Thông qua tin tuyển dụng trên website của Công ty; website của trang tuyển dụng; lời giới thiệu của thầy cô,…).
(3) Điền rõ vị trí mà người làm đơn ứng tuyển (Ví dụ: Nhân viên pháp lý, Trưởng Phòng Pháp chế…).
(4) Điền lĩnh vực chuyên môn được đào tạo tại trường có liên quan đến vị trí ứng tuyển.
(5) Điền thông tin về vị trí mà người làm đơn từng thực tập/làm việc.
(6) Điền rõ tên Công ty mà người làm đơn từng thực tập/làm việc.
(7) Điền ngắn gọn, dễ hiểu về những kinh nghiệm làm việc có được liên quan đến vị trí ứng tuyển (Ví dụ: Vị trí ứng tuyển là nhân viên tư vấn pháp lý thì ghi kinh nghiệm về: tư vấn pháp luật cho khách hàng qua điện thoại, viết thư tư vấn pháp lý,…).
(8) Điền rõ các kỹ năng mà người làm đơn đã có (Ví dụ: Kỹ năng giao tiếp, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng quản lý thời gian,...).
(9) Điền rõ vị trí mà người làm đơn ứng tuyển.
Hướng dẫn cách viết đơn xin việc mới nhất chi tiết? (Hình từ Internet)
Có phải ký hợp đồng thử việc trước khi ký hợp đồng chính thức không?
Căn cứ Điều 24 Bộ luật Lao động 2019 quy định về thử việc như sau:
Thử việc
1. Người sử dụng lao động và người lao động có thể thỏa thuận nội dung thử việc ghi trong hợp đồng lao động hoặc thỏa thuận về thử việc bằng việc giao kết hợp đồng thử việc.
2. Nội dung chủ yếu của hợp đồng thử việc gồm thời gian thử việc và nội dung quy định tại các điểm a, b, c, đ, g và h khoản 1 Điều 21 của Bộ luật này.
3. Không áp dụng thử việc đối với người lao động giao kết hợp đồng lao động có thời hạn dưới 01 tháng.
Theo đó, đối với người lao động giao kết hợp đồng lao động có thời hạn dưới 01 tháng thì không áp dụng giao kết hợp đồng thử việc theo quy định trên.
Ngoài ra, Bộ luật Lao động 2019 không có quy định nào bắt buộc người lao động phải ký hợp đồng thử việc trước khi giao kết hợp đồng lao động.
Do đó, người sử dụng lao động và người lao động có thể thỏa thuận với nhau về việc người lao động sẽ tiến hành thử việc trước khi quyết định ký hợp đồng chính thức.
Việc thỏa thuận thử việc giữa người lao động và người sử dụng lao động có thể thực hiện bằng việc giao kết hợp đồng thử việc hoặc ghi nội dung thử việc trong hợp đồng lao động.
Tuy nhiên pháp luật không có quy định cụ thể nào về hình thức của hợp đồng thử việc mà chỉ quy định về hình thức của hợp đồng lao động.
Có mấy loại hợp đồng lao động?
Căn cứ Điều 20 Bộ luật Lao động 2019 quy định như sau:
Loại hợp đồng lao động
1. Hợp đồng lao động phải được giao kết theo một trong các loại sau đây:
a) Hợp đồng lao động không xác định thời hạn là hợp đồng mà trong đó hai bên không xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng;
b) Hợp đồng lao động xác định thời hạn là hợp đồng mà trong đó hai bên xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng trong thời gian không quá 36 tháng kể từ thời điểm có hiệu lực của hợp đồng.
2. Khi hợp đồng lao động quy định tại điểm b khoản 1 Điều này hết hạn mà người lao động vẫn tiếp tục làm việc thì thực hiện như sau:
a) Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày hợp đồng lao động hết hạn, hai bên phải ký kết hợp đồng lao động mới; trong thời gian chưa ký kết hợp đồng lao động mới thì quyền, nghĩa vụ và lợi ích của hai bên được thực hiện theo hợp đồng đã giao kết;
b) Nếu hết thời hạn 30 ngày kể từ ngày hợp đồng lao động hết hạn mà hai bên không ký kết hợp đồng lao động mới thì hợp đồng đã giao kết theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều này trở thành hợp đồng lao động không xác định thời hạn;
c) Trường hợp hai bên ký kết hợp đồng lao động mới là hợp đồng lao động xác định thời hạn thì cũng chỉ được ký thêm 01 lần, sau đó nếu người lao động vẫn tiếp tục làm việc thì phải ký kết hợp đồng lao động không xác định thời hạn, trừ hợp đồng lao động đối với người được thuê làm giám đốc trong doanh nghiệp có vốn nhà nước và trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 149, khoản 2 Điều 151 và khoản 4 Điều 177 của Bộ luật này.
Như vậy, theo quy định trên thì hiện nay có 2 loại hợp đồng lao động là: hợp đồng lao động không xác định thời hạn và hợp đồng lao động xác định thời hạn.