Hướng dẫn cách rút tiền bảo hiểm xã hội 1 lần chi tiết nhất, cụ thể ra sao?
Cách rút tiền bảo hiểm xã hội 1 lần chi tiết nhất, cụ thể ra sao?
Theo nội dung hướng dẫn quy trình giải quyết hưởng bảo hiểm xã hội 1 lần tại Thủ tục số 9, Mục III Thủ tục hành chính ban hành kèm theo Quyết định 222/QĐ-BHXH năm 2021 về cách rút tiền bảo hiểm xã hội 1 lần như sau:
Bước 1: Người lao động lập và nộp hồ sơ
- Người lao động lập hồ sơ theo quy định và nộp cho cơ quan bảo hiểm xã hội nơi cư trú.
- Có thể nộp qua các hình thức sau:
+ Qua giao dịch điện tử: Người lao động đăng ký nhận mã xác thực và gửi hồ sơ điện tử đến Cổng Thông tin điện tử bảo hiểm xã hội Việt Nam hoặc qua Tổ chức I-VAN (nếu đã đăng ký sử dụng dịch vụ I-VAN); trường hợp không chuyển hồ sơ giấy sang định dạng điện tử thì gửi toàn bộ hồ sơ giấy cho cơ quan bảo hiểm xã hội qua dịch vụ bưu chính công ích;
+ Qua dịch vụ bưu chính công ích;
+ Trực tiếp tại cơ quan bảo hiểm xã hội.
Bước 2: Cơ quan bảo hiểm xã hội tiếp nhận hồ sơ và giải quyết
Trong tối đa 05 ngày làm việc kể từ ngày cơ quan bảo hiểm xã hội nhận đủ hồ sơ theo quy định.
Bước 3: Nhận kết quả
Người lao động nhận kết quả giải quyết, gồm:
- Quyết định về việc hưởng bảo hiểm xã hội 1 lần;
- Bản quá trình đóng bảo hiểm xã hội;
- Tiền trợ cấp.
Hướng dẫn cách rút tiền bảo hiểm xã hội 1 lần chi tiết nhất, cụ thể ra sao? (Hình từ Internet)
Mức hưởng bảo hiểm xã hội 1 lần được tính như thế nào?
Tại khoản 2 Điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 có quy định như sau:
Bảo hiểm xã hội một lần
...
2. Mức hưởng bảo hiểm xã hội một lần được tính theo số năm đã đóng bảo hiểm xã hội, cứ mỗi năm được tính như sau:
a) 1,5 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội cho những năm đóng trước năm 2014;
b) 02 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội cho những năm đóng từ năm 2014 trở đi;
c) Trường hợp thời gian đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ một năm thì mức hưởng bảo hiểm xã hội bằng số tiền đã đóng, mức tối đa bằng 02 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội.
3. Mức hưởng bảo hiểm xã hội một lần thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều này không bao gồm số tiền Nhà nước hỗ trợ đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện, trừ trường hợp quy định tại điểm c khoản 1 Điều này.
4. Thời điểm tính hưởng bảo hiểm xã hội một lần là thời điểm ghi trong quyết định của cơ quan bảo hiểm xã hội.
Theo đó mức hưởng bảo hiểm xã hội 1 lần được tính theo số năm đã đóng bảo hiểm xã hội, cứ mỗi năm được tính như sau:
- 1,5 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội cho những năm đóng trước năm 2014;
- 02 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội cho những năm đóng từ năm 2014 trở đi;
- Trường hợp thời gian đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ một năm thì mức hưởng bảo hiểm xã hội bằng số tiền đã đóng, mức tối đa bằng 02 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội.
Sau khi nhận bảo hiểm xã hội 1 lần thì có được tham gia bảo hiểm xã hội tiếp không?
Tại Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 có quy định như sau:
Đối tượng áp dụng
1. Người lao động là công dân Việt Nam thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bao gồm:
a) Người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 3 tháng đến dưới 12 tháng, kể cả hợp đồng lao động được ký kết giữa người sử dụng lao động với người đại diện theo pháp luật của người dưới 15 tuổi theo quy định của pháp luật về lao động;
b) Người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 1 tháng đến dưới 3 tháng;
c) Cán bộ, công chức, viên chức;
d) Công nhân quốc phòng, công nhân công an, người làm công tác khác trong tổ chức cơ yếu;
đ) Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp quân đội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật công an nhân dân; người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân;
...
Như vậy, người lao động làm việc theo những dạng hợp đồng trên thì thuộc đối tượng bắt buộc tham gia bảo hiểm xã hội. Dù trước đây người lao động đã nhận bảo hiểm xã hội 1 lần vì bất kì lí do nào và bị cơ quan bảo hiểm xã hội thu lại sổ.
Sau đó người lao động làm việc và giao kết hợp đồng lao động thì vẫn phải tham gia bảo hiểm xã hội. Nên bạn hoàn toàn có thể tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội nếu trong thời gian tới bạn làm việc và giao kết hợp đồng.
Ngoài ra, nếu bạn không giao kết hợp đồng với bất kì nơi nào bạn vẫn có thể tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện với mức đóng và phương thức đóng do chính mình lựa chọn.