Hợp đồng lao động với người chưa đủ 13 tuổi chỉ có hiệu lực khi được Sở Lao động đồng ý đúng không?
Hợp đồng lao động với người chưa đủ 13 tuổi chỉ có hiệu lực khi được Sở Lao động đồng ý đúng không?
Căn cứ theo Điều 4 Thông tư 09/2020/TT-BLĐTBXH quy định như sau:
Giao kết hợp đồng lao động để sử dụng người chưa đủ 15 tuổi làm việc
1. Người giao kết hợp đồng lao động bên phía người sử dụng lao động thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 18 của Bộ luật Lao động và đáp ứng các điều kiện sau:
a) Có phiếu lý lịch tư pháp được cấp không quá 06 tháng kể từ ngày cấp đến ngày giao kết hợp đồng lao động, trong đó không có án tích về hành vi xâm hại trẻ em;
b) Có Bản cam kết chưa từng bị truy cứu trách nhiệm hình sự, xử phạt vi phạm hành chính về hành vi xâm hại trẻ em theo Mẫu số 02 tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này.
2. Hợp đồng lao động với người chưa đủ 15 tuổi phải có các nội dung theo quy định tại Điều 21 của Bộ luật Lao động và các nội dung sau:
a) Họ và tên; ngày, tháng, năm sinh; giới tính; nơi cư trú; số điện thoại (nếu có); số thẻ căn cước công dân hoặc chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu của người đại diện theo pháp luật của người chưa đủ 15 tuổi;
b) Chỗ ở đối với người chưa đủ 15 tuổi làm việc xa gia đình;
c) Việc bảo đảm điều kiện học tập.
3. Hợp đồng lao động đối với người chưa đủ 13 tuổi chỉ có hiệu lực sau khi có văn bản đồng ý của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội quy định tại Điều 5 của Thông tư này.
Theo đó, hợp đồng lao động đối với người chưa đủ 13 tuổi chỉ có hiệu lực sau khi có văn bản đồng ý của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.
Cụ thể, căn cứ theo quy định tại Điều 5 Thông tư 09/2020/TT-BLĐTBXH, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội có thẩm quyền đồng ý việc sử dụng người chưa đủ 13 tuổi làm việc cụ thể như sau:
- Trong trường hợp người sử dụng lao động là doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, hợp tác xã: Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nơi đặt trụ sở chính hoặc nơi có địa chỉ được ghi trong giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã hoặc giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư hoặc quyết định thành lập cơ quan, tổ chức hoặc hợp đồng hợp tác của tổ hợp tác.
- Trong trường hợp người sử dụng lao động là hộ gia đình hoặc cá nhân: Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nơi đăng ký hộ khẩu thường trú hoặc tạm trú của hộ gia đình, cá nhân.
Hợp đồng lao động với người chưa đủ 13 tuổi chỉ có hiệu lực khi được Sở Lao động đồng ý đúng không? (Hình từ Internet)
Mẫu văn bản đề nghị việc sử dụng người chưa đủ 13 tuổi làm việc được viết như thế nào?
Mẫu văn bản đề nghị việc sử dụng người chưa đủ 13 tuổi làm việc là Mẫu số 01 Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư 09/2020/TT-BLĐTBXH, cụ thể như sau:
Tải Mẫu văn bản đề nghị việc sử dụng người chưa đủ 13 tuổi làm việc: Tại đây
Chỉ được sử dụng người chưa đủ 13 tuổi làm những công việc nào?
Căn cứ theo Điều 143 Bộ luật Lao động 2019 quy định như sau:
Lao động chưa thành niên
1. Lao động chưa thành niên là người lao động chưa đủ 18 tuổi.
2. Người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi không được làm công việc hoặc làm việc ở nơi làm việc quy định tại Điều 147 của Bộ luật này.
3. Người từ đủ 13 tuổi đến chưa đủ 15 tuổi chỉ được làm công việc nhẹ theo danh mục do Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành.
4. Người chưa đủ 13 tuổi chỉ được làm các công việc theo quy định tại khoản 3 Điều 145 của Bộ luật này.
Dẫn chiếu đến khoản 3 Điều 145 Bộ luật Lao động 2019 quy định như sau:
Sử dụng người chưa đủ 15 tuổi làm việc
...
3. Người sử dụng lao động không được tuyển dụng và sử dụng người chưa đủ 13 tuổi làm việc, trừ các công việc nghệ thuật, thể dục, thể thao nhưng không làm tổn hại đến sự phát triển thể lực, trí lực, nhân cách của người chưa đủ 13 tuổi và phải có sự đồng ý của cơ quan chuyên môn về lao động thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
...
Theo đó, chỉ được sử dụng người chưa đủ 13 tuổi làm việc đối với các công việc nghệ thuật, thể dục, thể thao.