Hợp đồng lao động chính thức có cần ký ngay sau khi kết thúc thời gian thử việc không?
- Hợp đồng lao động chính thức có cần ký ngay sau khi kết thúc thời gian thử việc không?
- Công ty không ký hợp đồng lao động khi đã thử việc đạt yêu cầu sẽ bị xử phạt thế nào?
- Chế độ nghỉ lễ của người lao động được hưởng trong thời gian thử việc như thế nào?
- Lao động thử việc có thể được nhận 100% mức lương chính thức hay không?
Hợp đồng lao động chính thức có cần ký ngay sau khi kết thúc thời gian thử việc không?
Tại Điều 27 Bộ Luật Lao động 2019 có quy định như sau:
Kết thúc thời gian thử việc
1. Khi kết thúc thời gian thử việc, người sử dụng lao động phải thông báo kết quả thử việc cho người lao động.
Trường hợp thử việc đạt yêu cầu thì người sử dụng lao động tiếp tục thực hiện hợp đồng lao động đã giao kết đối với trường hợp thỏa thuận thử việc trong hợp đồng lao động hoặc phải giao kết hợp đồng lao động đối với trường hợp giao kết hợp đồng thử việc.
Trường hợp thử việc không đạt yêu cầu thì chấm dứt hợp đồng lao động đã giao kết hoặc hợp đồng thử việc.
2. Trong thời gian thử việc, mỗi bên có quyền hủy bỏ hợp đồng thử việc hoặc hợp đồng lao động đã giao kết mà không cần báo trước và không phải bồi thường.
Căn cứ vào quy định trên thì pháp luật không quy định cụ thể về thời gian phải ký hợp đồng sau khi kết thúc thử việc.
Như vậy, công ty phải có trách nhiệm ký hợp đồng lao động ngay sau khi thời gian thử việc đã kết thúc và có thông báo kết quả thử việc đạt yêu cầu.
Hợp đồng lao động chính thức có cần ký ngay sau khi kết thúc thời gian thử việc không?
Công ty không ký hợp đồng lao động khi đã thử việc đạt yêu cầu sẽ bị xử phạt thế nào?
Tại điểm d khoản 2 Điều 10 Nghị định 12/2022/NĐ-CP quy định như sau:
Vi phạm quy định về thử việc
1. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:
a) Yêu cầu thử việc đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn dưới 01 tháng;
b) Không thông báo kết quả thử việc cho người lao động theo quy định.
2. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:
a) Yêu cầu người lao động thử việc quá 01 lần đối với một công việc;
b) Thử việc quá thời gian quy định;
c) Trả lương cho người lao động trong thời gian thử việc thấp hơn 85% mức lương của công việc đó;
d) Không giao kết hợp đồng lao động với người lao động khi thử việc đạt yêu cầu đối với trường hợp hai bên có giao kết hợp đồng thử việc.
...
Và theo điểm b khoản 3 Điều 10 Nghị định 12/2022/NĐ-CP quy định về biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi này như sau:
Vi phạm quy định về thử việc
...
3. Biện pháp khắc phục hậu quả
a) Buộc người sử dụng lao động trả đủ tiền lương của công việc đó cho người lao động khi có hành vi vi phạm quy định tại điểm a khoản 1, điểm a, b, c khoản 2 Điều này;
b) Buộc người sử dụng lao động giao kết hợp đồng lao động với người lao động khi có hành vi vi phạm quy định tại điểm d khoản 2 Điều này.
Như vậy, sau khi kết thúc thời gian thử việc và người lao động thử việc đạt yêu cầu nhưng phía công ty không ký hợp đồng lao động thì sẽ bị xử phạt hành chính, cụ thể mức phạt tiền từ 4 triệu đến 10.000.000 đồng do công ty là tổ chức (theo khoản 1 Điều 6 Nghị định 12/2022/NĐ-CP).
Bên cạnh đó, buộc công ty phải giao kết hợp đồng lao động với người lao động thử việc.
Chế độ nghỉ lễ của người lao động được hưởng trong thời gian thử việc như thế nào?
Tại Điều 112 Bộ luật Lao động 2019 có quy định như sau:
Nghỉ lễ, tết
1. Người lao động được nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương trong những ngày lễ, tết sau đây:
a) Tết Dương lịch: 01 ngày (ngày 01 tháng 01 dương lịch);
b) Tết Âm lịch: 05 ngày;
c) Ngày Chiến thắng: 01 ngày (ngày 30 tháng 4 dương lịch);
d) Ngày Quốc tế lao động: 01 ngày (ngày 01 tháng 5 dương lịch);
đ) Quốc khánh: 02 ngày (ngày 02 tháng 9 dương lịch và 01 ngày liền kề trước hoặc sau);
e) Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương: 01 ngày (ngày 10 tháng 3 âm lịch).
2. Lao động là người nước ngoài làm việc tại Việt Nam ngoài các ngày nghỉ theo quy định tại khoản 1 Điều này còn được nghỉ thêm 01 ngày Tết cổ truyền dân tộc và 01 ngày Quốc khánh của nước họ.
3. Hằng năm, căn cứ vào điều kiện thực tế, Thủ tướng Chính phủ quyết định cụ thể ngày nghỉ quy định tại điểm b và điểm đ khoản 1 Điều này.
Theo đó, người lao động được nghỉ hưởng nguyên lương trong dịp lễ mà không phân biệt là người lao động chính thức hay chỉ là lao động thử việc. Tuy nhiên tiền lương được nhận là mức lương thử việc đã thỏa thuận.
Lao động thử việc có thể được nhận 100% mức lương chính thức hay không?
Tại Điều 26 Bộ luật Lao động 2019 quy định như sau:
Tiền lương thử việc
Tiền lương của người lao động trong thời gian thử việc do hai bên thỏa thuận nhưng ít nhất phải bằng 85% mức lương của công việc đó.
Theo đó, tiền lương của lao động thử việc sẽ do hai bên thỏa thuận và mức thỏa thuận phải ít nhất bằng 85% mức lương chính thức của công việc đó.
Pháp luật chỉ quy định mức tối thiểu mà người sử dụng lao động phải trả cho lao động thử việc và không quy định mức tối đa. Do đó nếu hai bên thỏa thuận với nhau và người sử dụng lao động sẵn sàng trả người lao động lương thử việc bằng 100% mức lương chính thức thì thỏa thuận này không hề trái luật.
Như vậy lao động thử việc vẫn có thể được nhận 100% mức lương chính thức nếu trước đó có thỏa thuận.