Hợp đồng làm việc với người dưới 18 tuổi phải có những nội dung nào?
Hợp đồng làm việc với người dưới 18 tuổi phải có những nội dung nào?
Tại khoản 1 Điều 26 Luật Viên chức 2010 có quy định:
Nội dung và hình thức của hợp đồng làm việc
1. Hợp đồng làm việc có những nội dung chủ yếu sau:
a) Tên, địa chỉ của đơn vị sự nghiệp công lập và người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập;
b) Họ tên, địa chỉ, ngày, tháng, năm sinh của người được tuyển dụng.
Trường hợp người được tuyển dụng là người dưới 18 tuổi thì phải có họ tên, địa chỉ, ngày, tháng, năm sinh của người đại diện theo pháp luật của người được tuyển dụng;
c) Công việc hoặc nhiệm vụ, vị trí việc làm và địa điểm làm việc;
d) Quyền và nghĩa vụ của các bên;
đ) Loại hợp đồng, thời hạn và điều kiện chấm dứt của hợp đồng làm việc;
e) Tiền lương, tiền thưởng và chế độ đãi ngộ khác (nếu có);
g) Thời gian làm việc, thời gian nghỉ ngơi;
h) Chế độ tập sự (nếu có);
i) Điều kiện làm việc và các vấn đề liên quan đến bảo hộ lao động;
k) Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế;
l) Hiệu lực của hợp đồng làm việc;
m) Các cam kết khác gắn với tính chất, đặc điểm của ngành, lĩnh vực và điều kiện đặc thù của đơn vị sự nghiệp công lập nhưng không trái với quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
...
Như vậy, hợp đồng làm việc với người dưới 18 tuổi phải có những nội dung chủ yếu sau đây:
- Thông tin của đơn vị sự nghiệp công lập: bao gồm tên, địa chỉ, thông tin của người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập.
- Thông tin của người được tuyển dụng: họ và tên; địa chỉ; ngày tháng năm sinh của người được tuyển dụng.
Lưu ý: đối với đối tượng người được tuyển dụng là người dưới 18 tuổi thì bên cạnh thông tin của chính người đó thì phải có thêm thông tin họ tên, địa chỉ, ngày, tháng, năm sinh của người đại diện theo pháp luật của họ.
- Nội dung công việc; nhiệm vụ, vị trí làm cũng như địa điểm làm việc.
- Quyền, nghĩa vụ của các bên.
- Loại hợp đồng làm việc không xác định thời hạn hay hợp đồng làm việc xác định thời hạn.
- Điều kiện chấm dứt hợp đồng làm việc.
- Chế độ về tiền lương, tiền thưởng cũng như các chế độ đãi ngộ khác (nếu có).
- Thời gian làm việc, thời gian nghỉ ngơi.
- Chế độ tập sự (nếu có).
- Điều kiện làm việc và các vấn đề liên quan đến bảo hộ lao động.
- Chế độ đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.
- Hiệu lực của hợp đồng làm việc.
- Ngoài ra còn có thể quy định các cam kết khác liên quan đến tính chất, đặc điểm của ngành, lĩnh vực và điều kiện đặc thù của đơn vị sự nghiệp công lập và đảm bảo phải phù hợp với các quy định của pháp luật.
Hợp đồng làm việc với người dưới 18 tuổi phải có những nội dung nào? (Hình từ Internet)
Thời hạn ký kết hợp đồng làm việc và nhận việc của viên chức có gì thay đổi?
Tại khoản 1 và khoản 2 Điều 18 Nghị định 115/2020/NĐ-CP có quy định như sau:
Ký kết hợp đồng làm việc và nhận việc
1. Chậm nhất 15 ngày kể từ ngày người trúng tuyển hoàn thiện hồ sơ tuyển dụng, người đứng đầu cơ quan, đơn vị có thẩm quyền tuyển dụng viên chức ra quyết định tuyển dụng, đồng thời gửi quyết định tới người trúng tuyển theo địa chỉ đã đăng ký và đơn vị sự nghiệp công lập sử dụng viên chức để biết, thực hiện việc ký hợp đồng làm việc với viên chức.
2. Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được quyết định tuyển dụng, người được tuyển dụng viên chức phải đến đơn vị sự nghiệp công lập sử dụng viên chức để ký hợp đồng làm việc và nhận việc, trừ trường hợp quyết định tuyển dụng quy định thời hạn khác hoặc được cơ quan, đơn vị có thẩm quyền tuyển dụng viên chức đồng ý gia hạn.
...
Theo đó hiện nay trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày trúng tuyển người đứng đầu cơ quan đơn vị có thẩm quyền sẽ ra quyết định tuyển dụng. Và trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được quyết định tuyển dụng, người trúng tuyển phải đến đơn vị sự nghiệp công lập để ký hợp đồng làm việc và nhận việc.
Theo quy định trước đây tại khoản 1 và khoản 2 Điều 19 Nghị định 29/2012/NĐ-CP quy định như sau:
Ký kết hợp đồng làm việc và nhận việc
1. Trong thời hạn chậm nhất là 20 ngày làm việc, kể từ ngày công bố kết quả tuyển dụng, người trúng tuyển viên chức phải đến ký hợp đồng làm việc với đơn vị sự nghiệp công lập theo thông báo quy định tại Khoản 3 Điều 17 Nghị định này.
2. Trong thời hạn chậm nhất là 20 ngày làm việc, kể từ ngày hợp đồng làm việc được ký kết, người trúng tuyển phải đến nhân việc, trừ trường hợp hợp đồng làm việc quy định thời hạn khác. Trường hợp người trúng tuyển có lý do chính đáng mà không thể đến nhận việc thì phải làm đơn xin gia hạn trước khi kết thúc thời hạn nêu trên gửi cơ quan, đơn vị có thẩm quyền tuyển dụng viên chức.
...
Trước đây trong thời hạn chậm nhất 20 ngày kể từ ngày công bố kết quả tuyển dụng người trúng tuyển phải đến ký hợp đồng làm việc với đơn vị sự nghiệp công lập. Và trong thời hạn chậm nhật là 20 ngày kể từ ngày hợp đồng làm việc được ký kết người trúng tuyển phải đến nhận việc.
Như vậy theo quy định hiện hành thì thời hạn ký kết hợp đồng làm việc và nhận việc của viên chức đã được kéo dài hơn 10 ngày so với trước đây.
Khi nào viên chức được ký hợp đồng làm việc không xác định thời hạn?
Tại khoản 2 Điều 25 Luật Viên chức 2010, được sửa đổi bởi khoản 2 Điều 2 Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức sửa đổi 2019 có quy định:
Các loại hợp đồng làm việc
...
2. Hợp đồng làm việc không xác định thời hạn là hợp đồng mà trong đó hai bên không xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng. Hợp đồng làm việc không xác định thời hạn áp dụng đối với các trường hợp sau đây:
a) Viên chức được tuyển dụng trước ngày 01 tháng 7 năm 2020;
b) Cán bộ, công chức chuyển sang làm viên chức theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 58 của Luật này;
c) Người được tuyển dụng làm viên chức làm việc tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
3. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.
Theo đó, hợp đồng làm việc không xác định thời hạn chỉ còn được áp dụng với 03 trường hợp sau:
- Viên chức được tuyển dụng trước ngày 01/7/2020;
- Cán bộ, công chức chuyển thành viên chức;
- Người được tuyển dụng làm viên chức làm việc tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.