Học bằng C bao nhiêu tháng? Học bằng C lái được xe gì?
Học bằng C lái được xe gì?
Căn cứ Điều 16 Thông tư 12/2017/TT-BGTVT quy định như sau:
Phân hạng giấy phép lái xe
1. Hạng A1 cấp cho:
a) Người lái xe để điều khiển xe mô tô hai bánh có dung tích xy lanh từ 50 cm3 đến dưới 175 cm3;
b) Người khuyết tật điều khiển xe mô tô ba bánh dùng cho người khuyết tật.
2. Hạng A2 cấp cho người lái xe để điều khiển xe mô tô hai bánh có dung tích xy lanh từ 175 cm3 trở lên và các loại xe quy định cho giấy phép lái xe hạng A1.
3. Hạng A3 cấp cho người lái xe để điều khiển xe mô tô ba bánh, các loại xe quy định cho giấy phép lái xe hạng A1 và các xe tương tự.
4. Hạng A4 cấp cho người lái xe để điều khiển các loại máy kéo nhỏ có trọng tải đến 1.000 kg.
5. Hạng B1 số tự động cấp cho người không hành nghề lái xe để điều khiển các loại xe sau đây:
a) Ô tô số tự động chở người đến 9 chỗ ngồi, kể cả chỗ ngồi cho người lái xe;
b) Ô tô tải, kể cả ô tô tải chuyên dùng số tự động có trọng tải thiết kế dưới 3.500 kg;
c) Ô tô dùng cho người khuyết tật.
6. Hạng B1 cấp cho người không hành nghề lái xe để điều khiển các loại xe sau đây:
a) Ô tô chở người đến 9 chỗ ngồi, kể cả chỗ ngồi cho người lái xe;
b) Ô tô tải, kể cả ô tô tải chuyên dùng có trọng tải thiết kế dưới 3.500 kg;
c) Máy kéo kéo một rơ moóc có trọng tải thiết kế dưới 3.500 kg.
7. Hạng B2 cấp cho người hành nghề lái xe để điều khiển các loại xe sau đây:
a) Ô tô chuyên dùng có trọng tải thiết kế dưới 3.500 kg;
b) Các loại xe quy định cho giấy phép lái xe hạng B1.
8. Hạng C cấp cho người lái xe để điều khiển các loại xe sau đây:
a) Ô tô tải, kể cả ô tô tải chuyên dùng, ô tô chuyên dùng có trọng tải thiết kế từ 3.500 kg trở lên;
b) Máy kéo kéo một rơ moóc có trọng tải thiết kế từ 3.500 kg trở lên;
c) Các loại xe quy định cho giấy phép lái xe hạng B1, B2.
...
Theo đó, bằng lái xe hạng C cấp cho người lái xe để điều khiển các loại xe sau đây:
- Ô tô tải, kể cả ô tô tải chuyên dùng, ô tô chuyên dùng có trọng tải thiết kế từ 3.500 kg trở lên;
- Máy kéo kéo một rơ moóc có trọng tải thiết kế từ 3.500 kg trở lên;
- Các loại xe quy định cho giấy phép lái xe hạng B1, B2, gồm:
+ Ô tô chở người đến 9 chỗ ngồi, kể cả chỗ ngồi cho người lái xe;
+ Ô tô tải, kể cả ô tô tải chuyên dùng có trọng tải thiết kế dưới 3.500 kg;
+ Máy kéo kéo một rơ moóc có trọng tải thiết kế dưới 3.500 kg;
+ Ô tô chuyên dùng có trọng tải thiết kế dưới 3.500 kg.
Học bằng C bao nhiêu tháng? Học bằng C lái được xe gì? (Hình từ Internet)
Học bằng C bao nhiêu tháng?
Giấy phép lái xe hạng C (bằng lái xe hạng C) là loại giấy phép lái xe ô tô được cấp cho người điều khiển các loại xe tải hạng nặng, có trọng tải lớn.
Căn cứ khoản 1 Điều 13 Thông tư 12/2017/TT-BGTVT quy định như sau:
Đào tạo lái xe các hạng B1, B2, C
1. Thời gian đào tạo
a) Hạng B1:
- Xe số tự động: 476 giờ (lý thuyết: 136, thực hành lái xe: 340);
- Xe số cơ khí (số sàn): 556 giờ (lý thuyết: 136, thực hành lái xe: 420);
b) Hạng B2: 588 giờ (lý thuyết: 168, thực hành lái xe: 420);
c) Hạng C: 920 giờ (lý thuyết: 168, thực hành lái xe: 752).
...
Theo đó, thời gian học bằng C là 920 giờ (lý thuyết: 168, thực hành lái xe: 752).
Theo khoản 3 Điều 13 Thông tư 12/2017/TT-BGTVT (được sửa đổi bởi khoản 7 Điều 1 Thông tư 04/2022/TT-BGTVT) thì khối lượng chương trình và phân bổ thời gian đào tạo như sau
* Chương trình và phân bổ thời gian đào tạo
SỐ TT | NỘI DUNG | ĐƠN VỊ TÍNH | GIẤY PHÉP LÁI XE hạng C |
1 | Pháp luật giao thông đường bộ | giờ | 90 |
2 | Cấu tạo và sửa chữa thông thường | giờ | 18 |
3 | Nghiệp vụ vận tải | giờ | 16 |
4 | Đạo đức, văn hóa giao thông và phòng chống tác hại của rượu, bia khi tham gia giao thông. | giờ | 20 |
5 | Kỹ thuật lái xe | giờ | 20 |
6 | Học phần mềm mô phỏng các tình huống giao thông | giờ | 4 |
7 | Tổng số giờ học thực hành lái xe/01 xe tập lái và trên ca bin học lái xe ô tô | giờ | 752 |
Trong đó | Tổng số giờ học thực hành lái xe/01 xe tập lái | giờ | 728 |
Tổng số giờ học thực hành trên ca bin học lái xe ô tô (theo số học viên được quy định trên 01 xe tập lái) | giờ | 24 | |
8 | Tổng số giờ học thực hành lái xe của 01 học viên trên xe tập lái và trên ca bin học lái xe ô tô | giờ | 94 |
a) | Số giờ thực hành lái xe/01 học viên | giờ | 91 |
Trong đó | Số giờ thực hành lái xe trên sân tập lái/01 học viên | giờ | 43 |
Số giờ thực hành lái xe trên đường giao thông/01 học viên | giờ | 48 | |
b) | Số giờ thực hành trên ca bin học lái xe ô tô/01 học viên | giờ | 3 |
9 | Số giờ học/01 học viên/khoá đào tạo | giờ | 262 |
10 | Tổng số giờ một khoá đào tạo | giờ | 920 |
* Tổng thời gian khóa đào tạo:
SỐ TT | NỘI DUNG | ĐƠN VỊ TÍNH | Giấy phép lái xe hạng C |
1 | Ôn và kiểm tra kết thúc khoá học | ngày | 4 |
2 | Số ngày thực học | ngày | 115 |
3 | Số ngày nghỉ lễ, khai giảng, bế giảng | ngày | 21 |
4 | Cộng số ngày/khoá đào tạo | ngày | 140 |
Lương tài xế hiện nay là bao nhiêu?
Căn cứ Điều 90 Bộ luật Lao động 2019 quy định về tiền lương như sau:
Tiền lương
1. Tiền lương là số tiền mà người sử dụng lao động trả cho người lao động theo thỏa thuận để thực hiện công việc, bao gồm mức lương theo công việc hoặc chức danh, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác.
2. Mức lương theo công việc hoặc chức danh không được thấp hơn mức lương tối thiểu.
3. Người sử dụng lao động phải bảo đảm trả lương bình đẳng, không phân biệt giới tính đối với người lao động làm công việc có giá trị như nhau.
Theo đó, tiền lương là số tiền mà người sử dụng lao động trả cho người lao động theo thỏa thuận để thực hiện công việc, bao gồm mức lương theo công việc hoặc chức danh, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác.
Các bên thỏa thuận tiền lương theo công việc hoặc theo chức danh không được thấp hơn mức lương tối thiểu.
Căn cứ theo Điều 3 Nghị định 38/2022/NĐ-CP quy định mức lương tối thiểu tháng và mức lương tối thiểu giờ đối với người lao động làm việc cho người sử dụng lao động theo vùng như sau:
Vùng | Mức lương tối thiểu tháng (Đơn vị: đồng/tháng) | Mức lương tối thiểu giờ (Đơn vị: đồng/giờ) |
Vùng I | 4.680.000 | 22.500 |
Vùng II | 4.160.000 | 20.000 |
Vùng III | 3.640.000 | 17.500 |
Vùng IV | 3.250.000 | 15.600 |
Danh mục địa bàn vùng I, vùng II, vùng III, vùng IV được quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định 38/2022/NĐ-CP.
Như vậy, đối với tài xế làm việc theo hợp đồng lao động, mức lương theo công việc hoặc chức danh không được thấp hơn mức lương tối thiểu, còn các chế độ phụ cấp sẽ phụ thuộc vào thỏa thuận với người sử dụng lao động.