Hòa giải viên lao động phải có bằng tốt nghiệp đại học? Tiêu chuẩn hòa giải viên lao động hiện nay là gì?
Giải quyết tranh chấp lao động thông qua hòa giải viên lao động khi nào?
Theo khoản 1 Điều 188 Bộ luật Lao động 2019 có quy định như sau:
Trình tự, thủ tục hòa giải tranh chấp lao động cá nhân của hòa giải viên lao động
1. Tranh chấp lao động cá nhân phải được giải quyết thông qua thủ tục hòa giải của hòa giải viên lao động trước khi yêu cầu Hội đồng trọng tài lao động hoặc Tòa án giải quyết, trừ các tranh chấp lao động sau đây không bắt buộc phải qua thủ tục hòa giải:
a) Về xử lý kỷ luật lao động theo hình thức sa thải hoặc về trường hợp bị đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động;
b) Về bồi thường thiệt hại, trợ cấp khi chấm dứt hợp đồng lao động;
c) Giữa người giúp việc gia đình với người sử dụng lao động;
d) Về bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, về bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế, về bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật về việc làm, về bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động;
đ) Về bồi thường thiệt hại giữa người lao động với doanh nghiệp, tổ chức đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng;
e) Giữa người lao động thuê lại với người sử dụng lao động thuê lại.
...
Như vậy, ngoài các trường hợp đặc biệt thì khi giải quyết tranh chấp lao động của cá nhân cần phải thông qua thủ tục hòa giải của hòa giải viên lao động trước tiên.
Bên cạnh đó, theo quy định tại khoản 1 Điều 191 và khoản 1 Điều 195 Bộ luật Lao động 2019 thì hòa giải viên còn có thẩm quyền giải quyết đối với các tranh chấp lao động của tập thể về quyền và lợi ích.
Hòa giải viên lao động phải có bằng tốt nghiệp đại học? Tiêu chuẩn hòa giải viên lao động hiện nay là gì? (Hình từ Internet)
Tiêu chuẩn hòa giải viên lao động hiện nay là gì?
Theo quy định tại Điều 92 Nghị định 145/2020/NĐ-CP về tiêu chuẩn của hòa giải viên lao động như sau:
- Là công dân Việt Nam, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định của Bộ luật Dân sự, có sức khỏe và phẩm chất đạo đức tốt.
- Có trình độ đại học trở lên và có ít nhất 03 năm làm việc trong lĩnh vực có liên quan đến quan hệ lao động.
- Không thuộc diện đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc đã chấp hành xong bản án nhưng chưa được xóa án tích.
Như vậy, hiện nay hòa giải viên lao động bắt buộc phải có bằng tốt nghiệp đại học trở lên.
Trước đây, tại Điều 4 Nghị định 46/2013/NĐ-CP có quy định về hòa giải viên lao động theo Bộ luật Lao động 2012 như sau:
Tiêu chuẩn hòa giải viên lao động
1. Là công dân Việt Nam, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, có sức khoẻ và phẩm chất đạo đức tốt.
2. Không phải là người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc đang chấp hành án.
3. Am hiểu pháp luật lao động và pháp luật có liên quan.
4. Có 03 năm làm việc trong lĩnh vực có liên quan đến quan hệ lao động, có kỹ năng hòa giải tranh chấp lao động.
Bên cạnh đó, khoản 1 Điều 6 Nghị định 133/2007/NĐ-CP hướng dẫn Bộ luật Lao động 1994 có quy định về hòa giải viên lao động như sau:
Hoà giải viên lao động theo Điều 163 của Bộ luật Lao động
1. Những người có đủ các điều kiện sau đây được Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện công nhận là hoà giải viên lao động:
a) Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, có phẩm chất đạo đức tốt.
b) Có hiểu biết về pháp luật lao động.
c) Có kỹ năng hoà giải hoặc kinh nghiệm trong việc tổ chức hoà giải để đảm nhiệm công việc của hoà giải viên lao động.
d) Tự nguyện tham gia tổ chức hoà giải.
...
Theo đó, trước ngày 01/12/2021 thì hòa giải viên lao động không cần phải tốt nghiệp đại học vẫn có thể được bổ nhiệm, chỉ yêu cầu về phẩm chất và kinh nghiệm của người đó trong lĩnh vực.
Quy định mới của pháp luật lao động nhằm siết chặt, quản lý bộ phận hòa giải viên một cách chặt chẽ hơn, nâng cao chất lượng của hòa giải viên lao động nhằm giải quyết các tranh chấp về lao động một cách chính xác, đúng pháp luật nhất.
Ngoài ra, theo điểm b khoản 1 Điều 94 Nghị định 145/2020/NĐ-CP thì cần lưu ý kể từ ngày 01/12/2021 hòa giải viên lao động nào không có bằng tốt nghiệp đại học sẽ bị miễn nhiệm.
Thẩm quyền bổ nhiệm hòa giải viên lao động thuộc về ai?
Theo quy định tại khoản 1 Điều 184 Bộ luật Lao động 2019 như sau:
Hòa giải viên lao động
1. Hòa giải viên lao động là người do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh bổ nhiệm để hòa giải tranh chấp lao động, tranh chấp về hợp đồng đào tạo nghề; hỗ trợ phát triển quan hệ lao động.
...
Như vậy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền bổ nhiệm hòa giải viên lao động hoạt động trên địa bàn tỉnh của mình quản lý.