Hòa giải viên lao động có được bổ nhiệm bởi Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện không?
Hòa giải viên lao động có được bổ nhiệm bởi Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện không?
Căn cứ Điều 184 Bộ luật Lao động 2019 quy định như sau:
Hòa giải viên lao động
1. Hòa giải viên lao động là người do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh bổ nhiệm để hòa giải tranh chấp lao động, tranh chấp về hợp đồng đào tạo nghề; hỗ trợ phát triển quan hệ lao động.
2. Chính phủ quy định tiêu chuẩn, trình tự, thủ tục bổ nhiệm, chế độ, điều kiện hoạt động và việc quản lý hòa giải viên lao động; thẩm quyền, trình tự, thủ tục cử hòa giải viên lao động.
Theo đó, bổ nhiệm hòa giải viên lao động không thuộc thẩm quyền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện mà sẽ do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh bổ nhiệm để hòa giải tranh chấp lao động, tranh chấp về hợp đồng đào tạo nghề; hỗ trợ phát triển quan hệ lao động.
Hòa giải viên lao động có được bổ nhiệm bởi Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện không?
Quy trình bổ nhiệm hòa giải viên lao động được thực hiện theo mấy bước?
Theo quy định tại khoản 2 Điều 93 Nghị định 145/2020/NĐ-CP, quy trình bổ nhiệm hòa giải viên lao động được thực hiện theo 06 bước sau đây:
Bước 1: Căn cứ kế hoạch tuyển chọn, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội có văn bản thông báo công khai việc tuyển chọn hòa giải viên lao động trên địa bàn thông qua cổng thông tin điện tử của cơ quan, đơn vị và trên phương tiện thông tin đại chúng.
Bước 2: Cá nhân trực tiếp đăng ký hoặc được các cơ quan, đơn vị của nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị xã hội giới thiệu tham gia dự tuyển hòa giải viên lao động.
Bước 3: Nộp hồ sơ dự tuyển gồm:
- Đơn dự tuyển hòa giải viên lao động;
- Sơ yếu lý lịch có xác nhận của cấp có thẩm quyền;
- Giấy chứng nhận sức khỏe do cơ quan y tế có thẩm quyền cấp theo quy định của Bộ Y tế;
- Bản sao từ sổ gốc, bản sao có chứng thực hoặc bản sao xuất trình kèm bản chính để đối chiếu các văn bằng, chứng chỉ liên quan;
- Văn bản giới thiệu tham gia làm hòa giải viên lao động của các cơ quan, tổ chức liên quan (nếu có).
Bước 4: Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày hết hạn nộp hồ sơ ghi trong thông báo tuyển chọn hòa giải viên lao động, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội có trách nhiệm rà soát người đủ tiêu chuẩn, tổng hợp, báo cáo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thẩm định;
Bước 5: Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được báo cáo của Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thẩm định các hồ sơ dự tuyển (kể cả các hồ sơ do Sở Lao động - Thương binh và Xã hội trực tiếp nhận),
Lựa chọn và lập danh sách vị trí bổ nhiệm của từng hòa giải viên lao động thuộc thẩm quyền quản lý của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và của Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội, trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, bổ nhiệm;
Bước 6: Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đề nghị của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định bổ nhiệm hòa giải viên lao động. Thời hạn bổ nhiệm hòa giải viên lao động tối đa không quá 05 năm.
Để trở thành hòa giải viên lao động cần điều kiện gì?
Về điều kiện tiêu chuẩn trở thành hòa giải viên lao động, cụ thể tại Điều 92 Nghị định 145/2020/NĐ-CP quy định như sau:
Tiêu chuẩn hòa giải viên lao động
1. Là công dân Việt Nam, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định của Bộ luật Dân sự, có sức khỏe và phẩm chất đạo đức tốt.
2. Có trình độ đại học trở lên và có ít nhất 03 năm làm việc trong lĩnh vực có liên quan đến quan hệ lao động.
3. Không thuộc diện đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc đã chấp hành xong bản án nhưng chưa được xóa án tích.
Như vậy, cần các điều kiện tiêu chuẩn sau đây để trở thành hòa giải viên lao động đó là:
- Thứ nhất, là công dân Việt Nam, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015, có sức khỏe và phẩm chất đạo đức tốt.
- Thứ hai, có trình độ đại học trở lên và có ít nhất 03 năm làm việc trong lĩnh vực có liên quan đến quan hệ lao động.
- Thứ ba, không thuộc diện đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc đã chấp hành xong bản án nhưng chưa được xóa án tích.