Hộ kinh doanh có phải đóng bảo hiểm xã hội không?
Hộ kinh doanh có phải đóng bảo hiểm xã hội không?
Căn cứ tại Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định:
Đối tượng áp dụng
1. Người lao động là công dân Việt Nam thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bao gồm:
a) Người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng, kể cả hợp đồng lao động được ký kết giữa người sử dụng lao động với người đại diện theo pháp luật của người dưới 15 tuổi theo quy định của pháp luật về lao động;
b) Người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 01 tháng đến dưới 03 tháng;
c) Cán bộ, công chức, viên chức;
d) Công nhân quốc phòng, công nhân công an, người làm công tác khác trong tổ chức cơ yếu;
đ) Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp quân đội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật công an nhân dân; người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân;
e) Hạ sĩ quan, chiến sĩ quân đội nhân dân; hạ sĩ quan, chiến sĩ công an nhân dân phục vụ có thời hạn; học viên quân đội, công an, cơ yếu đang theo học được hưởng sinh hoạt phí;
g) Người đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng quy định tại Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng;
h) Người quản lý doanh nghiệp, người quản lý điều hành hợp tác xã có hưởng tiền lương;
i) Người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn.
2. Người lao động là công dân nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam có giấy phép lao động hoặc chứng chỉ hành nghề hoặc giấy phép hành nghề do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp được tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định của Chính phủ.
3. Người sử dụng lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc bao gồm cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp, đơn vị vũ trang nhân dân; tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội khác; cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam; doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể, tổ hợp tác, tổ chức khác và cá nhân có thuê mướn, sử dụng lao động theo hợp đồng lao động.
...
Như vậy, hộ kinh doanh có sử dụng lao động theo hợp đồng từ 01 tháng trở lên thì vẫn phải đăng ký tham gia bảo hiểm xã hội.
Hộ kinh doanh có phải đóng bảo hiểm xã hội không? (Hình từ Internet)
Hộ kinh doanh đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc theo phương thức nào?
Căn cứ tại khoản 2 Điều 7 Quy trình thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; cấp sổ bảo hiểm xã hội, thẻ bảo hiểm y tế do Bảo hiểm xã hội Việt Nam ban hành kèm theo Quyết định 595/QĐ-BHXH năm 2017 được sửa đổi bởi khoản 13 Điều 1 Quyết định 505/QĐ-BHXH năm 2020 quy định:
Phương thức đóng theo quy định tại Điều 85, Điều 86 Luật BHXH và các văn bản hướng dẫn thi hành, cụ thể như sau:
1. Đóng hằng tháng
Hằng tháng, chậm nhất đến ngày cuối cùng của tháng, đơn vị trích tiền đóng BHXH bắt buộc trên quỹ tiền lương tháng của những người lao động tham gia BHXH bắt buộc, đồng thời trích từ tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc của từng người lao động theo mức quy định, chuyển cùng một lúc vào tài khoản chuyên thu của cơ quan BHXH mở tại ngân hàng hoặc Kho bạc Nhà nước.
2. Đơn vị là doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể, tổ hợp tác hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp trả lương theo sản phẩm, theo khoán thì đăng ký phương thức đóng 03 hoặc 06 tháng một lần với cơ quan BHXH; cơ quan BHXH phối hợp với cơ quan Lao động kiểm tra tại đơn vị trước khi quyết định phương thức đóng của đơn vị. Chậm nhất đến ngày cuối cùng của phương thức đóng,đơn vị phải chuyển đủ tiền vào quỹ BHXH.
...
Theo đó đơn vị là hộ kinh doanh cá thể đăng ký phương thức đóng 03 hoặc 06 tháng một lần với cơ quan bảo hiểm xã hội; cơ quan bảo hiểm xã hội phối hợp với cơ quan Lao động kiểm tra tại đơn vị trước khi quyết định phương thức đóng của đơn vị.
Chậm nhất đến ngày cuối cùng của phương thức đóng,đơn vị phải chuyển đủ tiền vào quỹ bảo hiểm xã hội.
Hồ sơ đăng ký tham gia bảo hiểm xã hội lần đầu cho hộ kinh doanh bao gồm những gì?
Căn cứ tại Điều 97 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định:
Hồ sơ đăng ký tham gia và cấp sổ bảo hiểm xã hội
1. Hồ sơ đăng ký tham gia bảo hiểm xã hội lần đầu bao gồm:
a) Tờ khai tham gia bảo hiểm xã hội của người sử dụng lao động kèm theo danh sách người lao động tham gia bảo hiểm xã hội;
b) Tờ khai tham gia bảo hiểm xã hội của người lao động.
2. Hồ sơ cấp lại sổ bảo hiểm xã hội trong trường hợp hỏng hoặc mất bao gồm:
a) Đơn đề nghị cấp lại sổ bảo hiểm xã hội của người lao động;
b) Sổ bảo hiểm xã hội trong trường hợp bị hỏng.
3. Chính phủ quy định thủ tục, hồ sơ tham gia, cấp sổ bảo hiểm xã hội đối với đối tượng quy định tại điểm e khoản 1 Điều 2 của Luật này.
Như vậy, hồ sơ đăng ký tham gia bảo hiểm xã hội lần đầu cho hộ kinh doanh bao gồm:
- Tờ khai tham gia bảo hiểm xã hội của người sử dụng lao động kèm theo danh sách người lao động tham gia bảo hiểm xã hội;
- Tờ khai tham gia bảo hiểm xã hội của người lao động.