Hình thức kỷ luật tước danh hiệu quân nhân có được áp dụng đối với quân nhân chuyên nghiệp không?
Quân nhân chuyên nghiệp là ai?
Căn cứ tại Điều 2 Luật Quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng 2015 quy định:
Giải thích từ ngữ
Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Quân nhân chuyên nghiệp là công dân Việt Nam có trình độ chuyên môn kỹ thuật, nghiệp vụ phục vụ trong Quân đội nhân dân, được tuyển chọn, tuyển dụng theo chức danh và được phong quân hàm quân nhân chuyên nghiệp.
2. Công nhân và viên chức quốc phòng là công dân Việt Nam có trình độ chuyên môn kỹ thuật, nghiệp vụ, được tuyển chọn, tuyển dụng vào Quân đội nhân dân theo vị trí việc làm hoặc chức danh nghề nghiệp mà không thuộc diện được phong quân hàm sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp và hạ sĩ quan, binh sĩ.
3. Quân nhân chuyên nghiệp tại ngũ là quân nhân chuyên nghiệp đang phục vụ trong lực lượng thường trực của Quân đội nhân dân.
4. Quân nhân chuyên nghiệp dự bị là công dân Việt Nam có trình độ chuyên môn kỹ thuật, nghiệp vụ đã đăng ký phục vụ trong ngạch dự bị của Quân đội nhân dân theo quy định của Luật này.
5. Chiến đấu viên là quân nhân chuyên nghiệp tại ngũ trực tiếp thực hiện nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, chiến đấu.
Theo đó, quân nhân chuyên nghiệp là công dân Việt Nam có trình độ chuyên môn kỹ thuật, nghiệp vụ phục vụ trong Quân đội nhân dân, được tuyển chọn, tuyển dụng theo chức danh và được phong quân hàm quân nhân chuyên nghiệp.
Hình thức kỷ luật tước danh hiệu quân nhân có được áp dụng đối với quân nhân chuyên nghiệp không?
Hình thức kỷ luật tước danh hiệu quân nhân có được áp dụng đối với quân nhân chuyên nghiệp không?
Căn cứ tại Điều 11 Thông tư 143/2023/TT-BQP quy định:
Hình thức kỷ luật
1. Hình thức kỷ luật đối với sĩ quan
a) Khiển trách;
b) Cảnh cáo;
c) Hạ bậc lương;
d) Giáng chức;
đ) Cách chức;
e) Giáng cấp bậc quân hàm;
g) Tước quân hàm sĩ quan;
h) Tước danh hiệu quân nhân.
2. Hình thức kỷ luật đối với quân nhân chuyên nghiệp
a) Khiển trách;
b) Cảnh cáo;
c) Giáng chức;
d) Cách chức;
đ) Hạ bậc lương;
e) Giáng cấp bậc quân hàm;
g) Tước danh hiệu quân nhân.
3. Hình thức kỷ luật đối với hạ sĩ quan-binh sĩ
a) Khiển trách;
b) Cảnh cáo;
c) Giáng chức;
d) Cách chức;
đ) Giáng cấp bậc quân hàm;
e) Tước danh hiệu quân nhân.
4. Hình thức kỷ luật đối với công chức, công nhân và viên chức quốc phòng
a) Khiển trách;
b) Cảnh cáo;
c) Hạ bậc lương;
d) Giáng chức;
đ) Cách chức;
e) Buộc thôi việc.
Theo đó, tước danh hiệu quân nhân là một trong những hình thức kỷ luật đối với quân nhân chuyên nghiệp có hành vi vi phạm.
Thời hiệu xử lý kỷ luật tước danh hiệu quân nhân đối với quân nhân chuyên nghiệp được quy định là bao lâu?
Căn cứ tại Điều 7 Thông tư 143/2023/TT-BQP quy định:
Thời hiệu, thời hạn xử lý kỷ luật
1. Thời hiệu xử lý kỷ luật
a) Thời hiệu xử lý kỷ luật khiển trách là 5 năm; cảnh cáo, hạ bậc lương, giáng chức, cách chức, giáng cấp bậc quân hàm là 10 năm kể từ thời điểm có hành vi vi phạm. Nếu trong thời hiệu xử lý kỷ luật, người vi phạm có hành vi vi phạm mới thì thời hiệu xử lý kỷ luật đối với vi phạm cũ được tính lại kể từ thời điểm thực hiện hành vi vi phạm mới
Đối với hành vi vi phạm xác định được thời điểm chấm dứt thì thời điểm có hành vi vi phạm được tính từ thời điểm chấm dứt;
Đối với hành vi vi phạm chưa chấm dứt thì thời điểm có hành vi vi phạm được tính từ thời điểm phát hiện;
Đối với hành vi vi phạm không xác định được thời điểm chấm dứt thì thời điểm có hành vi vi phạm được tính từ thời điểm có kết luận của cấp có thẩm quyền.
b) Không áp dụng thời hiệu đối với: Hành vi vi phạm đến mức phải kỷ luật tước quân hàm sĩ quan, tước danh hiệu quân nhân, buộc thôi việc; hành vi vi phạm quy định về công tác bảo vệ chính trị nội bộ, hành vi vi phạm xâm hại đến lợi ích quốc gia trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh, đối ngoại; hành vi vi phạm việc sử dụng văn bằng, chứng chỉ, giấy chứng nhận, xác nhận giả hoặc không hợp pháp; quân nhân, người làm việc trong tổ chức cơ yếu, công chức, công nhân và viên chức quốc phòng là đảng viên có hành vi vi phạm đến mức phải xử lý kỷ luật bằng hình thức khai trừ.
2. Thời hạn xử lý kỷ luật
Thời hạn xử lý kỷ luật không quá 90 ngày. Trường hợp vụ việc có những tình tiết phức tạp cần có thời gian thanh tra, kiểm tra, xác minh làm rõ thì thời hạn xử lý kỷ luật có thể kéo dài nhưng tối đa không quá 150 ngày.
3. Không tính vào thời hiệu, thời hạn xử lý kỷ luật đối với:
a) Thời gian chưa xem xét xử lý kỷ luật đối với các trường hợp tại khoản 2 Điều 6 Thông tư này;
b) Thời gian điều tra, truy tố, xét xử theo thủ tục tố tụng hình sự (nếu có). Khi có kết luận cuối cùng của cơ quan pháp luật có thẩm quyền hoặc bản án của tòa án có hiệu lực pháp luật thì xem xét xử lý kỷ luật theo quy định;
c) Thời gian thực hiện khiếu nại hoặc khởi kiện vụ án hành chính tại tòa án về quyết định xử lý kỷ luật cho đến khi ra quyết định xử lý kỷ luật thay thế theo quyết định của cấp có thẩm quyền.
...
Theo đó, không áp dụng thời hiệu xử lý kỷ luật đối với hành vi vi phạm đến mức phải kỷ luật tước danh hiệu quân nhân.