Hiện nay, thời gian nghỉ hè của giáo viên tiểu học trường công lập là bao lâu?
Nhiệm vụ và quyền của nhà giáo bao gồm những gì?
Tại Điều 69 Luật Giáo dục 2019 nhiệm vụ của một nhà giáo đã được nêu rõ như sau:
Nhiệm vụ của nhà giáo
1. Giảng dạy, giáo dục theo mục tiêu, nguyên lý giáo dục, thực hiện đầy đủ và có chất lượng chương trình giáo dục.
2. Gương mẫu thực hiện nghĩa vụ công dân, điều lệ nhà trường, quy tắc ứng xử của nhà giáo.
3. Giữ gìn phẩm chất, uy tín, danh dự của nhà giáo; tôn trọng, đối xử công bằng với người học; bảo vệ các quyền, lợi ích chính đáng của người học.
4. Học tập, rèn luyện để nâng cao phẩm chất đạo đức, trình độ chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ, đổi mới phương pháp giảng dạy, nêu gương tốt cho người học.
Đồng thời, Điều 70 Luật Giáo dục 2019 cũng đề cập đến các quyền mà nhà giáo được hưởng, cụ thể:
Quyền của nhà giáo
1. Được giảng dạy theo chuyên môn đào tạo.
2. Được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ.
3. Được hợp đồng thỉnh giảng, nghiên cứu khoa học tại cơ sở giáo dục khác hoặc cơ sở nghiên cứu khoa học.
4. Được tôn trọng, bảo vệ nhân phẩm, danh dự và thân thể.
5. Được nghỉ hè theo quy định của Chính phủ và các ngày nghỉ khác theo quy định của pháp luật.
Như vậy, việc quy định nhiệm vụ và quyền của nhà giáo là rất cần thiết vì nó mang lại nhiều lợi ích cho hệ thống giáo dục và cộng đồng. Bên cạnh đó, có thể thấy rằng được nghỉ hè cũng là một đặc quyền chỉ dành cho nghề nhà giáo.
Thời gian nghỉ hè của giáo viên tiểu học trường công lập (Hình từ Internet)
Hiện nay, thời gian nghỉ hè của giáo viên tiểu học trường công lập là bao lâu?
Đối với giáo viên tiểu học trường công lập thời gian nghỉ hè, căn cứ theo khoản 3 Điều 5 Thông tư 28/2009/TT-BGDĐT được sửa đổi bởi khoản 4 Điều 1 Thông tư 15/2017/TT-BGDĐT như sau:
Thời gian làm việc, thời gian nghỉ hằng năm
...
3. Thời gian nghỉ hằng năm của giáo viên gồm: nghỉ hè, nghỉ tết âm lịch, nghỉ học kỳ và các ngày nghỉ khác, cụ thể như sau:
a) Thời gian nghỉ hè hằng năm của giáo viên là 02 tháng (bao gồm cả nghỉ hằng năm theo quy định của Bộ Luật lao động), được hưởng nguyên lương và các phụ cấp (nếu có).
b) Thời gian nghỉ tết âm lịch, nghỉ học kỳ theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo;
c) Các ngày nghỉ khác theo quy định của Bộ Luật lao động.
Căn cứ kế hoạch năm học, quy mô, đặc điểm, điều kiện cụ thể của từng trường, Hiệu trưởng bố trí thời gian nghỉ hằng năm cho giáo viên một cách hợp lý theo đúng quy định.
Theo đó, về thời gian nghỉ hè hằng năm của giáo viên là 02 tháng (bao gồm cả nghỉ hằng năm theo quy định của Bộ Luật lao động), được hưởng nguyên lương và các phụ cấp (nếu có).
Bên cạnh đó, đối với giáo viên các trường khác thời gian nghỉ hè được quy định tại Điều 3 Nghị định 84/2020/NĐ-CP như sau:
Thời gian nghỉ hè của nhà giáo
1. Thời gian nghỉ hè của nhà giáo:
a) Thời gian nghỉ hè hằng năm của giáo viên cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông, trường chuyên biệt là 08 tuần, bao gồm cả nghỉ phép hằng năm;
b) Thời gian nghỉ hè hàng năm của giáo viên trường trung cấp và giảng viên trường cao đẳng là 06 tuần, bao gồm cả nghỉ phép hằng năm;
c) Thời gian nghỉ hè hàng năm của giảng viên cơ sở giáo dục đại học được thực hiện theo quy chế tổ chức và hoạt động của cơ sở giáo dục đại học;
d) Trong trường hợp đột xuất, khẩn cấp để phòng chống thiên tai, dịch bệnh hoặc trường hợp cấp bách, thời gian nghỉ hè của nhà giáo cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông, trường chuyên biệt, trường trung cấp và trường cao đẳng do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quyết định theo thẩm quyền.
...
Như vậy thời gian nghỉ hè của nhà giáo sẽ giao động từ 6 tuần đến 02 tháng tuỳ thuộc vào loại hình cũng như cấp bậc giáo dục.
Giáo viên tiểu học có bắt buộc phải đi trực hè trong thời gian nghỉ hè không?
Căn cứ Điều 13 Luật Viên chức 2010 quy định về quyền của viên chức về nghỉ ngơi như sau:
Quyền của viên chức về nghỉ ngơi
1. Được nghỉ hàng năm, nghỉ lễ, nghỉ việc riêng theo quy định của pháp luật về lao động. Do yêu cầu công việc, viên chức không sử dụng hoặc sử dụng không hết số ngày nghỉ hàng năm thì được thanh toán một khoản tiền cho những ngày không nghỉ.
2. Viên chức làm việc ở miền núi, biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa hoặc trường hợp đặc biệt khác, nếu có yêu cầu, được gộp số ngày nghỉ phép của 02 năm để nghỉ một lần; nếu gộp số ngày nghỉ phép của 03 năm để nghỉ một lần thì phải được sự đồng ý của người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập.
3. Đối với lĩnh vực sự nghiệp đặc thù, viên chức được nghỉ việc và hưởng lương theo quy định của pháp luật.
4. Được nghỉ không hưởng lương trong trường hợp có lý do chính đáng và được sự đồng ý của người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập.
Như vậy, giáo viên tiểu học có quyền nghỉ ngơi vào kỳ nghỉ hè và nhà trường không được bắt buộc giáo viên đi trực hè.
Trừ trường hợp đặc biệt về việc huy động làm thêm giờ tại Điều 108 Bộ luật Lao động 2019, nếu nhà trường ép giáo viên tham gia trực hè mà không có sự đồng ý của giáo viên đó thì bị coi là hành vi vi phạm về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi và bị xử phạt theo khoản 3 Điều 18 Nghị định 12/2022/NĐ-CP như sau:
Vi phạm quy định về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi
...
3. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:
a) Thực hiện thời giờ làm việc bình thường quá số giờ làm việc theo quy định của pháp luật;
b) Huy động người lao động làm thêm giờ mà không được sự đồng ý của người lao động, trừ trường hợp theo quy định tại Điều 108 của Bộ luật Lao động.
Lưu ý: Theo quy định tại khoản 1 Điều 6 Nghị định 12/2022/NĐ-CP mức xử lý hành chính này là mức phạt đối với người sử dụng lao động là cá nhân, đối với công ty (tổ chức) mức phạt tiền sẽ gấp 02 lần.
Như vậy nhà trường có thể sẽ bị phạt từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với trường hợp bắt giáo viên trực hè.