Hiện nay ai có thẩm quyền tuyển dụng công chức?
Ai có thẩm quyền tuyển dụng công chức mới nhất?
Căn cứ theo Điều 39 Luật Cán bộ, công chức 2008 (được sửa đổi bởi khoản 6 Điều 1 Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức sửa đổi 2019) quy định thẩm quyền như sau:
Tuyển dụng công chức
1. Cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng công chức bao gồm:
a) Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước thực hiện tuyển dụng và phân cấp tuyển dụng công chức trong cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc quyền quản lý;
b) Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chủ tịch nước thực hiện tuyển dụng công chức trong cơ quan, đơn vị thuộc quyền quản lý;
c) Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, tổ chức do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thành lập mà không phải là đơn vị sự nghiệp công lập tuyển dụng và phân cấp tuyển dụng công chức trong cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc quyền quản lý;
d) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tuyển dụng và phân cấp tuyển dụng công chức trong cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc quyền quản lý;
đ) Cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, cơ quan trung ương của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, của tổ chức chính trị - xã hội tuyển dụng và phân cấp tuyển dụng công chức trong cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc quyền quản lý.
2. Thực hiện kiểm định chất lượng đầu vào công chức, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 37 của Luật này. Việc kiểm định chất lượng đầu vào công chức được thực hiện theo lộ trình, bảo đảm công khai, minh bạch, thiết thực, hiệu quả.
3. Chính phủ quy định chi tiết khoản 2 Điều này
Như vậy, hiện nay có 4 cơ quan có thẩm quyền để tuyển dụng công chức như sau:
- Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước
- Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chủ tịch nước -
- Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, tổ chức do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thành lập mà không phải là đơn vị sự nghiệp công lập tuyển dụng
- Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tuyển dụng
- Cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, cơ quan trung ương của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, của tổ chức chính trị - xã hội tuyển dụng.
Thẩm quyền tuyển dụng công chức mới nhất (Hình từ Internet)
Công chức được tuyển dụng thông qua hình thức nào?
Căn cứ Điều 37 Luật Cán bộ, công chức 2008 (được sửa đổi bởi khoản 5 Điều 1 Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức sửa đổi 2019) quy định về hình thức tuyển dụng công chức như sau:
- Việc tuyển dụng công chức được thực hiện thông qua thi tuyển hoặc xét tuyển.
- Ngoài hình thức tuyển dụng thông qua thi tuyển và xét tuyển, còn có hình thức tuyển dụng là tiếp nhận vào làm công chức trong trường hợp người đứng đầu cơ quan quản lý công chức quyết định tiếp nhận người đáp ứng các tiêu chuẩn, điều kiện của vị trí việc làm vào làm công chức đối với trường hợp sau đây:
+ Viên chức công tác tại đơn vị sự nghiệp công lập;
+ Cán bộ, công chức cấp xã;
+ Người hưởng lương trong lực lượng vũ trang nhân dân,
+ người làm việc trong tổ chức cơ yếu nhưng không phải là công chức;
+ Tiếp nhận người được bổ nhiệm công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý với trường hợp đang là Chủ tịch Hội đồng thành viên, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Chủ tịch công ty, Thành viên Hội đồng thành viên, Thành viên Hội đồng quản trị, Kiểm soát viên, Tổng Giám đốc, Phó Tổng Giám đốc, Giám đốc, Phó Giám đốc, Kế toán trưởng và người đang giữ chức vụ, chức danh quản lý khác theo quy định của Chính phủ trong doanh nghiệp nhà nước hay doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ; người được tiếp nhận phải được quy hoạch vào chức vụ bổ nhiệm hoặc chức vụ tương đương;
+ Người đã từng là cán bộ, công chức sau đó được điều động, luân chuyển giữ các vị trí công tác.
Thông báo tuyển dụng công chức thường được đăng tải ở đâu?
Căn cứ theo Điều 13 Nghị định 138/2020/NĐ-CP có quy định về việc thông báo tuyển dụng công chức như sau:
Thông báo tuyển dụng và tiếp nhận Phiếu đăng ký dự tuyển
1. Cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng công chức phải đăng thông báo tuyển dụng công khai ít nhất 01 lần trên một trong những phương tiện thông tin đại chúng sau: Báo in, báo điện tử, báo nói, báo hình; đồng thời đăng tải trên trang thông tin điện tử hoặc cổng thông tin điện tử và niêm yết công khai tại trụ sở làm việc của cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng.
2. Nội dung thông báo tuyển dụng bao gồm:
a) Số lượng biên chế công chức cần tuyển ứng với từng vị trí việc làm;
b) Số lượng vị trí việc làm thực hiện việc thi tuyển, xét tuyển;
c) Tiêu chuẩn, điều kiện đăng ký dự tuyển;
d) Thời hạn, địa chỉ và địa điểm tiếp nhận Phiếu đăng ký dự tuyển, số điện thoại di động hoặc cố định của cá nhân, bộ phận được phân công tiếp nhận Phiếu đăng ký dự tuyển;
đ) Hình thức, nội dung thi tuyển, xét tuyển; thời gian và địa điểm thi tuyển, xét tuyển.
3. Việc thay đổi nội dung thông báo tuyển dụng chỉ được thực hiện trước khi khai mạc kỳ tuyển dụng và phải công khai theo quy định tại khoản 1 Điều này.
4. Người đăng ký dự tuyển nộp Phiếu đăng ký dự tuyển (theo Mẫu số 01 ban hành kèm theo Nghị định này) tại địa điểm tiếp nhận Phiếu đăng ký dự tuyển hoặc gửi theo đường bưu chính hoặc qua trang thông tin điện tử hoặc cổng thông tin điện tử của cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng.
5. Thời hạn nhận Phiếu đăng ký dự tuyển là 30 ngày kể từ ngày thông báo tuyển dụng công khai trên phương tiện thông tin đại chúng; trên trang thông tin điện tử hoặc cổng thông tin điện tử của cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng.
Theo quy định thì các cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng công chức sẽ phải thực hiện đăng thông báo tuyển dụng công khai tại:
- Ít nhất 01 lần trên một trong những phương tiện thông tin đại chúng như: Báo in, báo điện tử, báo nói, báo hình;
- Đăng tải trên trang thông tin điện tử hoặc cổng thông tin điện tử của cơ quan;
- Niêm yết công khai tại trụ sở làm việc của cơ quan.
Như vậy, trong thời đại công nghệ như hiện nay những người có nhu cầu có thể xem thông báo tuyển dụng công chức nhanh nhất tại trang thông tin điện tử hoặc cổng thông tin điện tử của cơ quan tuyển dụng công chức.