Hạ bậc lương là hình thức kỷ luật áp dụng đối với cán bộ hay công chức?
Hạ bậc lương là hình thức kỷ luật áp dụng đối với cán bộ hay công chức?
Căn cứ theo Điều 7 Nghị định 112/2020/NĐ-CP quy định như sau:
Các hình thức kỷ luật đối với cán bộ, công chức
1. Áp dụng đối với cán bộ
a) Khiển trách.
b) Cảnh cáo.
c) Cách chức.
d) Bãi nhiệm.
2. Áp dụng đối với công chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý
a) Khiển trách.
b) Cảnh cáo.
c) Hạ bậc lương.
d) Buộc thôi việc.
3. Áp dụng đối với công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý
a) Khiển trách.
b) Cảnh cáo.
c) Giáng chức.
d) Cách chức.
đ) Buộc thôi việc.
Như vậy, hạ bậc lương là một trong các hình thức xử lý kỷ luật đối với công chức, cụ thể đó là công chức không giữ chức vụ lãnh đạo.
Hạ bậc lương là hình thức kỷ luật áp dụng đối với cán bộ hay công chức? (Hình từ Internet)
Các trường hợp nào áp dụng hình thức xử lý kỷ luật hạ bậc lương?
Căn cứ theo Điều 10 Nghị định 112/2020/NĐ-CP quy định như sau:
Áp dụng hình thức kỷ luật hạ bậc lương đối với công chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý
Hình thức kỷ luật hạ bậc lương áp dụng đối với công chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý thuộc một trong các trường hợp sau đây:
1. Đã bị xử lý kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo theo quy định tại Điều 9 Nghị định này mà tái phạm;
2. Có hành vi vi phạm lần đầu, gây hậu quả rất nghiêm trọng thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 8 Nghị định này.
Theo đó, các trường hợp áp dụng hình thức xử lý kỷ luật hạ bậc lương đối với công chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý gồm:
- Đã bị xử lý kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo trong các trường hợp sau mà tái phạm.
+ Đã bị xử lý kỷ luật bằng hình thức khiển trách theo quy định mà tái phạm;
+ Có hành vi vi phạm lần đầu, gây hậu quả nghiêm trọng thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 8 Nghị định 112/2020/NĐ-CP;
+ Có hành vi vi phạm lần đầu, gây hậu quả ít nghiêm trọng thuộc trường hợp sau đây: Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị để xảy ra hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong phạm vi phụ trách mà không có biện pháp ngăn chặn.
- Có hành vi vi phạm lần đầu, gây hậu quả rất nghiêm trọng thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 8 Nghị định 112/2020/NĐ-CP.
Thẩm quyền xử lý kỷ luật đối với công chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý thuộc về ai?
Căn cứ theo Điều 24 Nghị định 112/2020/NĐ-CP được sửa đổi bởi khoản 10 Điều 1 Nghị định 71/2023/NĐ-CP quy định như sau:
Thẩm quyền xử lý kỷ luật đối với công chức
1. Đối với công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền bổ nhiệm hoặc được phân cấp thẩm quyền bổ nhiệm tiến hành xử lý kỷ luật và quyết định hình thức kỷ luật.
2. Đối với công chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu cơ quan quản lý hoặc người đứng đầu cơ quan được phân cấp thẩm quyền quản lý công chức tiến hành xử lý kỷ luật và quyết định hình thức kỷ luật, trừ trường hợp quy định tại khoản 6 Điều 28 Nghị định này.
Đối với công chức cấp xã, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện tiến hành xử lý kỷ luật và quyết định hình thức kỷ luật. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện trước khi chủ trì tổ chức họp kiểm điểm theo quy định tại điểm d khoản 2 Điều 26 Nghị định này.
3. Đối với công chức biệt phái, người đứng đầu cơ quan nơi công chức được cử đến biệt phái tiến hành xử lý kỷ luật, thống nhất hình thức kỷ luật với cơ quan cử biệt phái trước khi quyết định hình thức kỷ luật. Trường hợp kỷ luật bằng hình thức buộc thôi việc thì căn cứ vào đề xuất của Hội đồng xử lý kỷ luật, cơ quan cử biệt phái ra quyết định buộc thôi việc.
Hồ sơ, quyết định kỷ luật công chức biệt phái phải được gửi về cơ quan quản lý công chức biệt phái.
4. Đối với công chức làm việc trong Tòa án nhân dân và Viện kiểm sát nhân dân thì thẩm quyền xử lý kỷ luật được thực hiện theo quy định của cơ quan có thẩm quyền quản lý công chức.
Theo đó, thẩm quyền xử lý kỷ luật đối với công chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý thuộc về người đứng đầu cơ quan quản lý hoặc người đứng đầu cơ quan được phân cấp thẩm quyền quản lý công chức.
Đối với công chức cấp xã, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện tiến hành xử lý kỷ luật và quyết định hình thức kỷ luật. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện trước khi chủ trì tổ chức họp kiểm điểm.
Lưu ý:
- Đối với công chức biệt phái, người đứng đầu cơ quan nơi công chức được cử đến biệt phái tiến hành xử lý kỷ luật, thống nhất hình thức kỷ luật với cơ quan cử biệt phái trước khi quyết định hình thức kỷ luật. Trường hợp kỷ luật bằng hình thức buộc thôi việc thì căn cứ vào đề xuất của Hội đồng xử lý kỷ luật, cơ quan cử biệt phái ra quyết định buộc thôi việc.
Hồ sơ, quyết định kỷ luật công chức biệt phái phải được gửi về cơ quan quản lý công chức biệt phái.
- Đối với công chức làm việc trong Tòa án nhân dân và Viện kiểm sát nhân dân thì thẩm quyền xử lý kỷ luật được thực hiện theo quy định của cơ quan có thẩm quyền quản lý công chức.