GNP là gì? So sánh GDP và GNP kinh tế vĩ mô? Ví dụ? Mức lương tối thiểu được điều chỉnh dựa trên các yếu tố nào của kinh tế vĩ mô?
GNP là gì? So sánh GDP và GNP kinh tế vĩ mô?
GNP là viết tắt của Gross National Product (Tổng sản phẩm quốc gia). Đây là một chỉ số kinh tế đo lường tổng giá trị thị trường của tất cả các hàng hóa và dịch vụ cuối cùng được sản xuất bởi công dân và doanh nghiệp của một quốc gia, bất kể họ đang ở trong hay ngoài nước, trong một khoảng thời gian nhất định (thường là một năm).
GDP (Gross Domestic Product - Tổng sản phẩm quốc nội) và GNP (Gross National Product - Tổng sản phẩm quốc gia) là hai chỉ số quan trọng trong kinh tế vĩ mô, nhưng chúng có những điểm khác biệt cơ bản, ta có thể so sánh GDP và GNP như sau:
- Khái niệm
+ GDP: Đo lường tổng giá trị thị trường của tất cả các hàng hóa và dịch vụ cuối cùng được sản xuất trong phạm vi lãnh thổ của một quốc gia trong một khoảng thời gian nhất định (thường là một năm).
+ GNP: Đo lường tổng giá trị thị trường của tất cả các hàng hóa và dịch vụ cuối cùng được sản xuất bởi công dân và doanh nghiệp của một quốc gia, bất kể họ đang ở trong hay ngoài nước.
- Phạm vi tính toán
+ GDP: Chỉ tính các hoạt động kinh tế diễn ra trong lãnh thổ quốc gia, không phân biệt người sản xuất là công dân trong nước hay người nước ngoài.
+ GNP: Bao gồm cả giá trị sản xuất của công dân và doanh nghiệp quốc gia đó ở nước ngoài, nhưng không tính giá trị sản xuất của người nước ngoài trong lãnh thổ quốc gia.
- Ý nghĩa kinh tế
+ GDP: Thường được sử dụng để đánh giá sức mạnh kinh tế nội địa và mức độ phát triển kinh tế của một quốc gia.
+ GNP: Phản ánh tổng thu nhập của công dân quốc gia đó, bao gồm cả thu nhập từ nước ngoài, giúp đánh giá sự đóng góp của công dân vào nền kinh tế quốc gia.
- Ví dụ
+ GDP: Nếu một công ty nước ngoài sản xuất và bán hàng hóa tại Việt Nam, giá trị sản xuất này sẽ được tính vào GDP của Việt Nam.
+ GNP: Nếu một công dân Việt Nam làm việc và tạo ra thu nhập ở nước ngoài, thu nhập đó sẽ được tính vào GNP của Việt Nam.
Thông tin mang tính chất tham khảo
GNP là gì? So sánh GDP và GNP kinh tế vĩ mô? Mức lương tối thiểu được điều chỉnh dựa trên các yếu tố nào của kinh tế vĩ mô? (Hình từ Internet)
Mức lương tối thiểu được điều chỉnh dựa trên các yếu tố nào của kinh tế vĩ mô?
Theo Điều 91 Bộ luật Lao động 2019 quy định về mức lương tối thiểu như sau:
Mức lương tối thiểu
1. Mức lương tối thiểu là mức lương thấp nhất được trả cho người lao động làm công việc giản đơn nhất trong điều kiện lao động bình thường nhằm bảo đảm mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội.
2. Mức lương tối thiểu được xác lập theo vùng, ấn định theo tháng, giờ.
3. Mức lương tối thiểu được điều chỉnh dựa trên mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ; tương quan giữa mức lương tối thiểu và mức lương trên thị trường; chỉ số giá tiêu dùng, tốc độ tăng trưởng kinh tế; quan hệ cung, cầu lao động; việc làm và thất nghiệp; năng suất lao động; khả năng chi trả của doanh nghiệp.
4. Chính phủ quy định chi tiết Điều này; quyết định và công bố mức lương tối thiểu trên cơ sở khuyến nghị của Hội đồng tiền lương quốc gia.
Theo đó các yếu tố nào của kinh tế vĩ mô làm căn cứ điều chỉnh mức lương tối thiểu bao gồm: chỉ số giá tiêu dùng, tốc độ tăng trưởng kinh tế; quan hệ cung, cầu lao động; việc làm và thất nghiệp...
Trả lương thấp hơn mức lương tối thiểu vùng công ty thì có bị phạt không?
Theo khoản 3, khoản 5 Điều 17 Nghị định 12/2022/NĐ-CP quy định:
Vi phạm quy định về tiền lương
...
3. Phạt tiền đối với người sử dụng lao động khi có hành vi trả lương cho người lao động thấp hơn mức lương tối thiểu do Chính phủ quy định theo các mức sau đây:
a) Từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với vi phạm từ 01 người đến 10 người lao động;
b) Từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với vi phạm từ 11 người đến 50 người lao động;
c) Từ 50.000.000 đồng đến 75.000.000 đồng đối với vi phạm từ 51 người lao động trở lên.
...
5. Biện pháp khắc phục hậu quả
a) Buộc người sử dụng lao động trả đủ tiền lương cộng với khoản tiền lãi của số tiền lương chậm trả, trả thiếu cho người lao động tính theo mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn cao nhất của các ngân hàng thương mại nhà nước công bố tại thời điểm xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều này;
b) Buộc người sử dụng lao động trả đủ khoản tiền tương đương với mức đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cộng với khoản tiền lãi của số tiền đó tính theo mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn cao nhất của các ngân hàng thương mại nhà nước công bố tại thời điểm xử phạt cho người lao động đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 4 Điều này.
Lưu ý: Căn cứ khoản 1 Điều 6 Nghị định 12/2022/NĐ-CP thì mức phạt tiền trên chỉ áp dụng đối với cá nhân, trường hợp là tổ chức thì áp dụng mức phạt sẽ gấp đôi.
Như vậy trường hợp công ty có hành vi trả lương cho người lao động thấp hơn mức lương tối thiểu do Chính phủ quy định thì bị phạt tiền theo các mức sau đây:
- Từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với vi phạm từ 01 người đến 10 người lao động;
- Từ 60.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với vi phạm từ 11 người đến 50 người lao động;
- Từ 100.000.000 đồng đến 150.000.000 đồng đối với vi phạm từ 51 người lao động trở lên.
Ngoài ra, công ty còn phải trả đủ tiền lương cộng với khoản tiền lãi của số tiền lương chậm trả, trả thiếu cho người lao động tính theo mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn cao nhất của các ngân hàng thương mại nhà nước công bố tại thời điểm xử phạt.