Giấy xác nhận công tác là gì? Gồm những nội dung nào?
Giấy xác nhận công tác là gì? Gồm những nội dung nào?
Hiện nay, nhu cầu xác nhận về thời gian và địa điểm công tác, làm việc đang trở nên phổ biến trong cả môi trường nhà nước và tư nhân. Việc yêu cầu cơ quan, tổ chức, đơn vị xác nhận các thông tin liên quan đến quá trình công tác có thể xuất phát từ nhiều mục đích khác nhau, điển hình như:
- Xin vay vốn: Khi bạn cần vay vốn từ ngân hàng hoặc tổ chức tài chính, giấy xác nhận công tác có thể được yêu cầu để xác minh thu nhập và tình trạng việc làm của bạn.
- Xin visa: Khi bạn định xin visa du lịch, học tập hoặc làm việc tại một quốc gia khác, giấy xác nhận công tác có thể được yêu cầu để chứng minh mục đích và thời gian công tác tại công ty hiện tại.
- Xin nghỉ phép: Trong trường hợp bạn muốn xin nghỉ phép từ công ty, giấy xác nhận công tác có thể được yêu cầu bởi nhà quản lý để xác nhận vị trí và thời gian công tác của bạn trong quá trình xét duyệt nghỉ phép.
- Xin công việc mới: Khi bạn đang tìm kiếm việc làm mới, giấy xác nhận công tác có thể là một phần quan trọng của hồ sơ ứng tuyển để chứng minh kinh nghiệm và thời gian làm việc tại công ty trước đây,...
Hiện nay, pháp luật chưa quy định mẫu giấy xác nhận công tác áp dụng thống nhất trên toàn quốc.
Tuy nhiên, về bản chất, giấy xác nhận công tác có thể được hiểu là một văn bản phổ biến trong đời sống hàng ngày, được lập theo yêu cầu của một bên, thường là cá nhân người lao động. Văn bản này thể hiện rõ ràng các thông tin liên quan đến công việc mà người đó đã hoặc đang thực hiện, bao gồm thời gian, địa điểm làm việc và thu nhập tại cơ quan, tổ chức, đơn vị cụ thể.
Tùy vào từng trường hợp cụ thể, các bên có thể linh hoạt soạn thảo giấy xác nhận công tác phù hợp với nhu cầu của mình, Tuy nhiên, một số nội dung cơ bản, cần thiết mà giấy xác nhận công tác cần phải có đó chính là:
- Thông tin của cơ quan, tổ chức, đơn vị công tác: Bao gồm tên cơ quan, tổ chức, đơn vị theo giấy chứng nhận đăng ký hoặc giấy phép thành lập; mã số đơn vị (bao gồm mã số thuế và mã số đăng ký kinh doanh); địa chỉ trụ sở; và họ tên người đại diện theo pháp luật của đơn vị.
- Thông tin người đang công tác: Gồm họ và tên, giới tính, địa chỉ cư trú, số CMND hoặc CCCD, chức vụ, bộ phận công tác, số điện thoại, email và các thông tin liên lạc khác.
- Xác nhận về công việc: Bao gồm chức vụ đang đảm nhiệm, bộ phận làm việc theo quyết định tuyển dụng hoặc hợp đồng lao động, thời gian bắt đầu và kết thúc làm việc (nếu có), mức lương (nếu cần thiết), cùng với mục đích của việc xác nhận công tác (nếu cần thiết).
- Thông tin bổ sung: Các bên có thể thỏa thuận hoặc yêu cầu xác nhận thêm các thông tin như thái độ chấp hành nội quy, quy chế của cơ quan, tổ chức, đơn vị; tác phong làm việc; và các thành tích xuất sắc đạt được trong quá trình làm việc.
- Cam kết rằng nội dung xác nhận là đúng sự thật và yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xem xét, tạo điều kiện cho người yêu cầu xác nhận công tác thực hiện các công việc cần thiết.
Có thể tham khảo một số mẫu giấy xác nhận công tác sau đây:
* Mẫu 01:
Tải miễn phí mẫu giấy xác nhận công tác số 01: Tại đây.
*Mẫu 02:
Tải miễn phí mẫu giấy xác nhận công tác số 02: Tại đây
Giấy xác nhận công tác là gì? Gồm những nội dung nào? (Hình từ Internet)
Chuyển người lao động sang nơi khác làm việc không đúng lý do bị xử phạt như thế nào?
Căn cứ khoản 2 Điều 11 Nghị định 12/2022/NĐ-CP quy định về xử phạt hành chính đối với hành vi vi phạm quy định về thực hiện hợp đồng lao động, cụ thể như sau:
Vi phạm quy định về thực hiện hợp đồng lao động
...
2. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:
a) Bố trí người lao động làm việc ở địa điểm khác với địa điểm làm việc đã thỏa thuận trong hợp đồng lao động, trừ trường hợp quy định tại Điều 29 của Bộ luật Lao động;
b) Không nhận lại người lao động trở lại làm việc sau khi hết thời hạn tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động nếu hợp đồng lao động còn thời hạn, trừ trường hợp người sử dụng lao động và người lao động có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác;
c) Chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động không đúng lý do; thời hạn hoặc không có văn bản đồng ý của người lao động theo quy định của pháp luật.
Lưu ý: căn cứ khoản 1 Điều 6 Nghị định 12/2022/NĐ-CP, mức phạt quy định trên đây là mức phạt đối với cá nhân. Mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
Căn cứ khoản 5 Điều 11 Nghị định 12/2022/NĐ-CP quy định về biện pháp khắc phục hậu quả như sau:
Vi phạm quy định về thực hiện hợp đồng lao động
...
5. Biện pháp khắc phục hậu quả
a) Buộc người sử dụng lao động bố trí người lao động làm việc ở địa điểm đã thỏa thuận trong hợp đồng lao động khi có hành vi vi phạm quy định tại điểm a khoản 2 Điều này;
b) Buộc người sử dụng lao động nhận lại người lao động trở lại làm việc sau khi hết thời hạn tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động trừ trường hợp hai bên có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác và buộc trả lương cho người lao động trong những ngày không nhận người lao động trở lại làm việc sau khi hết thời hạn tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm b khoản 2 Điều này;
c) Buộc người sử dụng lao động bố trí người lao động làm công việc đúng với hợp đồng lao động đã giao kết khi có hành vi vi phạm quy định tại điểm c khoản 2 Điều này.
Như vậy, người sử dụng lao động chuyển người lao động sang nơi khác làm việc không đúng lý do bị xử phạt hành chính như sau:
- Phạt tiền:
+ Từ 3.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động là cá nhân.
+ Từ 6.000.000 đồng đến 14.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động là tổ chức.
- Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc người sử dụng lao động bố trí người lao động làm công việc đúng với hợp đồng lao động đã giao kết.
Hành vi nào bị nghiêm cấm trong lĩnh vực lao động?
Căn cứ Điều 8 Bộ luật Lao động 2019 có 07 hành vi bị nghiêm cấm trong lĩnh vực lao động bao gồm:
- Phân biệt đối xử trong lao động.
- Hành vi ngược đãi người lao động, cưỡng bức lao động.
- Quấy rối tình dục tại nơi làm việc.
- Lợi dụng danh nghĩa dạy nghề, tập nghề để trục lợi, bóc lột sức lao động hoặc lôi kéo, dụ dỗ, ép buộc người học nghề, người tập nghề vào hoạt động trái pháp luật.
- Sử dụng lao động chưa qua đào tạo hoặc chưa có chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia đối với nghề, công việc phải sử dụng lao động đã được đào tạo hoặc phải có chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia.
- Lôi kéo, dụ dỗ, hứa hẹn, quảng cáo gian dối hoặc thủ đoạn khác để lừa gạt người lao động hoặc để tuyển dụng người lao động với mục đích mua bán người, bóc lột, cưỡng bức lao động hoặc lợi dụng dịch vụ việc làm, hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng để thực hiện hành vi trái pháp luật.
- Sử dụng lao động chưa thành niên trái pháp luật.