Giáo viên trường công lập có thể tổ chức dạy thêm ngoài nhà trường được không?
Trách nhiệm của Phòng Giáo dục và Đào tạo trong quản lý hoạt động dạy thêm được quy định như thế nào?
Tại Điều 18 Quy định ban hành kèm theo Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT có quy định:
Trách nhiệm của Phòng Giáo dục và Đào tạo
1. Cấp giấy phép tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm nếu được Ủy ban nhân dân cấp huyện uỷ quyền.
2. Thực hiện việc quản lý dạy thêm, học thêm trong nhà trường và ngoài nhà trường của tổ chức, cá nhân theo quy định của Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh. Chịu trách nhiệm trước Uỷ ban nhân dân cấp huyện về quản lý dạy thêm, học thêm trên địa bàn.
3. Phổ biến, chỉ đạo các trường, các tổ chức và cá nhân liên quan thực hiện quy định về dạy thêm, học thêm.
4. Tổ chức hoặc phối hợp với các ban ngành liên quan tổ chức thanh tra, kiểm tra nội dung dạy thêm, học thêm; phát hiện và xử lý vi phạm theo thẩm quyền hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm.
5. Tổng hợp kết quả thực hiện dạy thêm, học thêm báo cáo Uỷ ban nhân dân cấp huyện và Sở Giáo dục và Đào tạo khi kết thúc năm học hoặc báo cáo theo yêu cầu đột xuất.
Như vậy, trong quản lý hoạt động dạy thêm, Phòng Giáo dục và Đào tạo có các trách nhiệm theo quy định nêu trên.
Giáo viên trường công lập có thể tổ chức dạy thêm ngoài nhà trường được không? (Hình từ Internet)
Giáo viên trường công lập có thể tổ chức dạy thêm ngoài nhà trường được không?
Tại điểm a khoản 4 Điều 4 Quy định ban hành kèm theo Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT có quy định như sau:
Các trường hợp không được dạy thêm
1. Không dạy thêm đối với học sinh đã được nhà trường tổ chức dạy học 2 buổi/ngày.
2. Không dạy thêm đối với học sinh tiểu học, trừ các trường hợp: bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống.
3. Cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và trường dạy nghề không tổ chức dạy thêm, học thêm các nội dung theo chương trình giáo dục phổ thông.
4. Đối với giáo viên đang hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập:
a) Không được tổ chức dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường nhưng có thể tham gia dạy thêm ngoài nhà trường;
b) Không được dạy thêm ngoài nhà trường đối với học sinh mà giáo viên đang dạy chính khóa khi chưa được sự cho phép của Thủ trưởng cơ quan quản lý giáo viên đó.
Theo đó, đối với giáo viên đang hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập thì không được tổ chức dạy thêm ngoài nhà trường nhưng có thể tham gia dạy thêm ngoài nhà trường ví dụ như các trung tâm dạy thêm.
Trong đó, nếu dạy thêm ngoài nhà trường đối với học sinh đang dạy chính khóa thì phải được sự cho phép của Thủ trưởng cơ quan quản lý.
Giáo viên tổ chức dạy thêm ngoài nhà trường phải có trách nhiệm gì?
Tại Điều 20 Quy định ban hành kèm theo Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT có quy định:
Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường
1. Thực hiện các quy định về dạy thêm, học thêm của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các quy định của Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh và các quy định khác có liên quan của pháp luật.
2. Quản lý và đảm bảo quyền của người học thêm, người dạy thêm. Nếu tạm ngừng hoặc chấm dứt dạy thêm phải báo cáo cơ quan cấp phép và thông báo công khai cho người học thêm biết trước ít nhất là 30 ngày. Hoàn trả các khoản tiền đã thu của người học thêm tương ứng với phần dạy thêm không thực hiện, thanh toán đầy đủ kinh phí với người dạy thêm và các tổ chức, cá nhân liên quan.
3. Quản lý, lưu giữ và xuất trình khi được thanh tra, kiểm tra hồ sơ dạy thêm, học thêm bao gồm: hồ sơ cấp giấp phép tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm; danh sách người dạy thêm; danh sách người học thêm; thời khóa biểu dạy thêm; đơn xin học thêm, hồ sơ tài chính theo quy định hiện hành.
4. Chịu sự thanh tra, kiểm tra của chính quyền, của cơ quan có trách nhiệm quản lý giáo dục các cấp trong việc thực hiện qui định về dạy thêm, học thêm; thực hiện báo cáo định kỳ với cơ quan quản lý.
Như vậy, giáo viên tổ chức dạy thêm ngoài nhà trường phải có trách nhiệm sau đây:
- Thực hiện theo các quy định về dạy thêm, học thêm của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các quy định của UBND cấp tỉnh và các quy định khác có liên quan của pháp luật.
- Quản lý và đảm bảo quyền của người học thêm, người dạy thêm. Nếu tạm ngừng hoặc chấm dứt dạy thêm thì phải báo cáo cơ quan cấp phép và thông báo công khai cho người học thêm được biết trước ít nhất là 30 ngày.
Đồng thời phải hoàn trả các khoản tiền đã thu của người học thêm tương ứng với phần dạy thêm không thực hiện, thanh toán đầy đủ kinh phí với người dạy thêm và các tổ chức, cá nhân liên quan.
- Quản lý, lưu giữ và xuất trình khi được thanh tra, kiểm tra hồ sơ dạy thêm, học thêm bao gồm:
+ Hồ sơ cấp giấp phép tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm;
+ Danh sách người dạy thêm;
+ Danh sách người học thêm;
+ Thời khóa biểu dạy thêm;
+ Đơn xin học thêm, hồ sơ tài chính theo quy định hiện hành.
- Chịu sự thanh tra, kiểm tra của chính quyền, của cơ quan có trách nhiệm quản lý giáo dục các cấp trong việc thực hiện qui định về dạy thêm, học thêm; thực hiện báo cáo định kỳ với cơ quan quản lý.