Giáo viên có được tham gia bán hàng đa cấp hay không?
Giáo viên có được tham gia bán hàng đa cấp hay không?
Căn cứ theo Điều 28 Nghị định 40/2018/NĐ-CP sửa đổi bởi khoản 23 Điều 1 Nghị định 18/2023/NĐ-CP có quy định về điều kiện đối với người tham gia bán hàng đa cấp như sau:
Điều kiện đối với người tham gia bán hàng đa cấp
1. Người tham gia bán hàng đa cấp là cá nhân có năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định của pháp luật.
2. Những trường hợp sau không được tham gia bán hàng đa cấp:
a) Người đang chấp hành hình phạt tù hoặc có tiền án về các tội sản xuất, buôn bán hàng giả, sản xuất, buôn bán hàng cấm, quảng cáo gian dối, lừa dối khách hàng, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, chiếm giữ trái phép tài sản, tội vi phạm quy định về kinh doanh theo phương thức đa cấp;
b) Người nước ngoài không có giấy phép lao động tại Việt Nam do cơ quan có thẩm quyền cấp gắn với doanh nghiệp mà người đó tham gia bán hàng đa cấp, trừ trường hợp được miễn theo quy định của pháp luật.
c) Người tham gia bán hàng đa cấp đã từng bị xử phạt do vi phạm các quy định tại khoản 2, khoản 3 và khoản 4 Điều 5 Nghị định này mà chưa hết thời hạn được coi là chưa bị xử lý vi phạm hành chính;
d) Cá nhân quy định tại điểm c khoản 1 Điều 7 Nghị định này;
đ) Cán bộ, công chức theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức.
Như vậy, pháp luật về bán hàng đa cấp không có trường hợp cấm giáo viên bán hàng đa cấp.
Trường hợp giáo viên là viên chức
Bên cạnh đó, trường hợp giáo viên là viên chức thì tại Điều 19 Luật Viên chức 2010 quy định những việc viên chức không được làm gồm:
1 - Trốn tránh trách nhiệm, thoái thác công việc hoặc nhiệm vụ được giao hoặc gây bè phái, mất đoàn kết; tự ý bỏ việc hay tham gia đình công.
2 - Sử dụng tài sản của cơ quan, tổ chức, đơn vị và của nhân dân trái với quy định của pháp luật.
3 - Phân biệt đối xử dân tộc, nam nữ, thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo dưới mọi hình thức.
4 - Lợi dụng hoạt động nghề nghiệp để tuyên truyền chống lại chủ trương đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước hoặc gây phương hại đối với thuần phong, mỹ tục, đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân và xã hội.
5 - Xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác trong khi thực hiện hoạt động nghề nghiệp.
6 - Những việc khác viên chức không được làm theo quy định của Luật phòng, chống tham nhũng, Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
Trường hợp giáo viên là người lao động
Căn cứ theo Điều 10 Bộ luật Lao động 2019 có quy định về quyền làm việc của người lao động như sau:
Quyền làm việc của người lao động
1. Được tự do lựa chọn việc làm, làm việc cho bất kỳ người sử dụng lao động nào và ở bất kỳ nơi nào mà pháp luật không cấm.
2. Trực tiếp liên hệ với người sử dụng lao động hoặc thông qua tổ chức dịch vụ việc làm để tìm kiếm việc làm theo nguyện vọng, khả năng, trình độ nghề nghiệp và sức khỏe của mình.
Đồng thời, tại Điều 19 Bộ luật Lao động 2019 cũng quy định:
Giao kết nhiều hợp đồng lao động
1. Người lao động có thể giao kết nhiều hợp đồng lao động với nhiều người sử dụng lao động nhưng phải bảo đảm thực hiện đầy đủ các nội dung đã giao kết.
...
Như vậy, giáo viên làm việc theo hợp đồng lao động tức là người lao động được tự do lựa chọn việc làm, làm việc cho bất kỳ người sử dụng lao động và bất kỳ nơi nào mà pháp luật không cấm, đây là quyền của người lao động.
Vì vậy giáo viên trong trường hợp này có thể làm việc cùng lúc ở nhiều công ty theo quy định tại nêu trên nhưng phải đảm bảo thực hiện đầy đủ các nội dung đã giao kết với từng người sử dụng lao động.
Từ các quy định trên có thể thấy, giáo viên vẫn có thể tham gia bán hàng đa cấp tuy nhiên không được trái với quy định pháp luật cũng như quy định của đơn vị, tổ chức nơi đang làm giáo viên
Giáo viên có được tham gia bán hàng đa cấp hay không?
Những điều giáo viên tuyệt đối không được làm để bảo vệ đạo đức nhà giáo là gì?
Căn cứ theo Điều 6 Quyết định 16/2008/QĐ-BGDĐT có quy định như sau:
1. Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để thực hiện hành vi trái pháp luật, quy chế, quy định; gây khó khăn, phiền hà đối với người học và nhân dân.
2. Gian lận, thiếu trung thực trong học tập, nghiên cứu khoa học và thực hiện nhiệm vụ giảng dạy, giáo dục.
3. Trù dập, chèn ép và có thái độ thiên vị, phân biệt đối xử, thành kiến người học; tiếp tay, bao che cho những hành vi tiêu cực trong giảng dạy, học tập, rèn luyện của người học và đồng nghiệp.
4. Xâm phạm thân thể, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người học, đồng nghiệp, người khác. Làm ảnh hưởng đến công việc, sinh hoạt của đồng nghiệp và người khác.
5. Tổ chức dạy thêm, học thêm trái với quy định.
6. Hút thuốc lá, uống rượu, bia trong công sở, trong trường học và nơi không được phép hoặc khi thi hành nhiệm vụ giảng dạy và tham gia các hoạt động giáo dục của nhà trường.
7. Sử dụng điện thoại di động và làm việc riêng trong các cuộc họp, trong khi lên lớp, học tập, coi thi, chấm thi.
8. Gây bè phái, cục bộ địa phương, làm mất đoàn kết trong tập thể và trong sinh hoạt tại cộng đồng.
9. Sử dụng bục giảng làm nơi tuyên truyền, phổ biến những nội dung trái với quan điểm, chính sách của Đảng và Nhà nước.
10. Trốn tránh trách nhiệm, thoái thác nhiệm vụ, tự ý bỏ việc; không đi muộn về sớm, bỏ giờ, bỏ buổi dạy, cắt xén, dồn ép chương trình, vi phạm quy chế chuyên môn làm ảnh hưởng đến kỷ cương, nề nếp của nhà trường.
11. Tổ chức, tham gia các hoạt động liên quan đến tệ nạn xã hội như: cờ bạc, mại dâm, ma tuý, mê tín, dị đoan; sử dụng, lưu giữ, truyền bá văn hoá phẩm đồi trụy, độc hại.
Nghĩa vụ của viên chức trong hoạt động nghề nghiệp như thế nào?
Căn cứ Điều 17 Luật Viên chức 2010 quy định về nghĩa vụ của viên chức trong hoạt động nghề nghiệp như sau:
Nghĩa vụ của viên chức trong hoạt động nghề nghiệp
1. Thực hiện công việc hoặc nhiệm vụ được giao bảo đảm yêu cầu về thời gian và chất lượng.
2. Phối hợp tốt với đồng nghiệp trong thực hiện công việc hoặc nhiệm vụ.
3. Chấp hành sự phân công công tác của người có thẩm quyền.
4. Thường xuyên học tập nâng cao trình độ, kỹ năng chuyên môn, nghiệp vụ.
5. Khi phục vụ nhân dân, viên chức phải tuân thủ các quy định sau:
a) Có thái độ lịch sự, tôn trọng nhân dân;
b) Có tinh thần hợp tác, tác phong khiêm tốn;
c) Không hách dịch, cửa quyền, gây khó khăn, phiền hà đối với nhân dân;
d) Chấp hành các quy định về đạo đức nghề nghiệp.
6. Chịu trách nhiệm về việc thực hiện hoạt động nghề nghiệp.
7. Thực hiện các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.
Như vậy, giáo viên là viên chức cần 07 nghĩa vụ trong việc hoạt động nghề nghiệp được nêu trên.