Giám định mức suy giảm khả năng lao động cho người lao động trong trường hợp nào?
Giám định mức suy giảm khả năng lao động là gì?
Hiện nay không có văn bản quy phạm pháp luật giải thích thuật ngữ giám định mức suy giảm khả năng lao động là gì. Tuy nhiên, dựa vào quy định tại khoản 1 Điều 3 Thông tư 52/2016/TT-BYT thì:
Giám định mức suy giảm khả năng lao động được hiểu là thực hiện khám giám định cho đối tượng, không phân biệt nội dung yêu cầu giám định, kể cả những đối tượng đã khám xác định mức độ khuyết tật ở Hội đồng xác định mức độ khuyết tật cấp Xã hoặc đã khám sức khỏe ở Hội đồng khám tuyển nghĩa vụ quân sự mà đối tượng hoặc tổ chức, cơ quan, đơn vị có liên quan không đồng ý với kết quả khám đó.
Bên cạnh đó, theo quy định tại khoản 2 Điều 45 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015 như sau:
Điều kiện hưởng chế độ tai nạn lao động
..
2. Suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên do bị tai nạn quy định tại khoản 1 Điều này;
...
Và quy định tại điểm b khoản 1 Điều 46 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015 như sau:
Điều kiện hưởng chế độ bệnh nghề nghiệp
1. Người lao động tham gia bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được hưởng chế độ bệnh nghề nghiệp khi có đủ các điều kiện sau đây:
a) Bị bệnh nghề nghiệp thuộc Danh mục bệnh nghề nghiệp do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành theo quy định tại khoản 1 Điều 37 của Luật này;
b) Suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên do bị bệnh quy định tại điểm a khoản này.
...
Theo đó, mức suy giảm khả năng lao động sẽ là cơ sở để người lao động được hưởng chế độ tai nạn lao động và chế độ bệnh nghề nghiệp.
Giám định mức suy giảm khả năng lao động cho người lao động trong trường hợp nào? (Hình từ Internet)
Giám định mức suy giảm khả năng lao động trong trường hợp nào?
Bên canh đó, theo quy định tại Điều 47 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015 về giám định mức suy giảm khả năng lao động như sau:
- Người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được giám định hoặc giám định lại mức suy giảm khả năng lao động khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:
+ Sau khi bị thương tật, bệnh tật lần đầu đã được điều trị ổn định còn di chứng ảnh hưởng tới sức khỏe;
+ Sau khi thương tật, bệnh tật tái phát đã được điều trị ổn định;
+ Đối với trường hợp thương tật hoặc bệnh nghề nghiệp không có khả năng điều trị ổn định theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế thì người lao động được làm thủ tục giám định trước hoặc ngay trong quy trình điều trị.
- Người lao động được giám định tổng hợp mức suy giảm khả năng lao động khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:
+ Vừa bị tai nạn lao động vừa bị bệnh nghề nghiệp;
+ Bị tai nạn lao động nhiều lần;
+ Bị nhiều bệnh nghề nghiệp.
- Người lao động tái phát sau khi bị thương tật, bệnh tật được giám định lại tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp sau 24 tháng, kể từ ngày người lao động được Hội đồng giám định y khoa kết luận tỷ lệ suy giảm khả năng lao động liền kề trước đó; trường hợp do tính chất của bệnh nghề nghiệp khiến người lao động suy giảm sức khỏe nhanh thì thời gian giám định được thực hiện sớm hơn theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế.
Khi giám định mức suy giảm khả năng lao động người lao động có mất phí hay không?
Theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 6 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015 như sau:
Quyền và nghĩa vụ về an toàn, vệ sinh lao động của người lao động
1. Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động có quyền sau đây:
...
c) Được thực hiện chế độ bảo hộ lao động, chăm sóc sức khỏe, khám phát hiện bệnh nghề nghiệp; được người sử dụng lao động đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; được hưởng đầy đủ chế độ đối với người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; được trả phí khám giám định thương tật, bệnh tật do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; được chủ động đi khám giám định mức suy giảm khả năng lao động và được trả phí khám giám định trong trường hợp kết quả khám giám định đủ điều kiện để điều chỉnh tăng mức hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp;
...
Bên cạnh đó, theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 38 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015 như sau:
Trách nhiệm của người sử dụng lao động đối với người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp
...
2. Thanh toán chi phí y tế từ khi sơ cứu, cấp cứu đến khi điều trị ổn định cho người bị tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp như sau:
...
b) Trả phí khám giám định mức suy giảm khả năng lao động đối với những trường hợp kết luận suy giảm khả năng lao động dưới 5% do người sử dụng lao động giới thiệu người lao động đi khám giám định mức suy giảm khả năng lao động tại Hội đồng giám định y khoa;
...
Theo đó, về việc trả phí khám giám định mức suy giảm khả năng lao động như sau:
- Trường hợp người lao động chủ động đi khám giám định mức suy giảm khả năng lao động thì sẽ được Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trả phí khám giám định thương tật, bệnh tật do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đối với các trường hợp đủ điều kiện hưởng chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
- Trường hợp người sử dụng lao động giới thiệu người lao động đi khám giám định mức suy giảm khả năng lao động thì người sử dụng lao động sẽ trả phí khám giám định mức suy giảm khả năng lao động