Gia công là gì ví dụ về gia công, hàng gia công có tốt không? Có được trả lương bằng sản phẩm cho người lao động gia công?
Gia công là gì ví dụ về gia công, hàng gia công có tốt không?
Theo Điều 178 Luật Thương mại 2005 quy định thì có thể hiểu gia công là một hoạt động thương mại, trong đó bên nhận gia công sử dụng một phần hoặc toàn bộ nguyên liệu, vật liệu của bên đặt gia công để thực hiện một hoặc nhiều công đoạn trong quá trình sản xuất theo yêu cầu của bên đặt gia công để hưởng thù lao. Đây là một hình thức sản xuất phổ biến trong nhiều ngành công nghiệp như may mặc, điện tử, và gia dụng.
Ví dụ về gia công:
- May mặc: Một công ty may mặc Việt Nam nhận gia công quần áo cho một thương hiệu nước ngoài. Công ty này sẽ sử dụng nguyên liệu và thiết kế từ thương hiệu đó để sản xuất quần áo theo yêu cầu.
- Điện tử: Một nhà máy sản xuất linh kiện điện tử nhận gia công lắp ráp các linh kiện thành sản phẩm hoàn chỉnh cho một công ty công nghệ lớn.
Chất lượng của hàng gia công phụ thuộc vào nhiều yếu tố như nguyên liệu, quy trình sản xuất, và sự kiểm soát chất lượng của bên nhận gia công. Hàng gia công có thể đạt chất lượng cao nếu được sản xuất theo tiêu chuẩn nghiêm ngặt và kiểm tra kỹ lưỡng. Tuy nhiên, cũng có những trường hợp hàng gia công không đạt chất lượng nếu quy trình sản xuất không được kiểm soát chặt chẽ.
Thông tin mang tính chất tham khảo.
Gia công là gì ví dụ về gia công, hàng gia công có tốt không? (Hình từ Internet)
Công ty trả lương bằng sản phẩm cho người lao động gia công được không?
Theo Điều 90 Bộ luật Lao động 2019 quy định:
Tiền lương
1. Tiền lương là số tiền mà người sử dụng lao động trả cho người lao động theo thỏa thuận để thực hiện công việc, bao gồm mức lương theo công việc hoặc chức danh, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác.
2. Mức lương theo công việc hoặc chức danh không được thấp hơn mức lương tối thiểu.
3. Người sử dụng lao động phải bảo đảm trả lương bình đẳng, không phân biệt giới tính đối với người lao động làm công việc có giá trị như nhau.
Đồng thời tại Điều 95 Bộ luật Lao động 2019 cũng đã quy định rõ ràng về trả lương như sau:
Trả lương
1. Người sử dụng lao động trả lương cho người lao động căn cứ vào tiền lương đã thỏa thuận, năng suất lao động và chất lượng thực hiện công việc.
2. Tiền lương ghi trong hợp đồng lao động và tiền lương trả cho người lao động bằng tiền Đồng Việt Nam, trường hợp người lao động là người nước ngoài tại Việt Nam thì có thể bằng ngoại tệ.
3. Mỗi lần trả lương, người sử dụng lao động phải thông báo bảng kê trả lương cho người lao động, trong đó ghi rõ tiền lương, tiền lương làm thêm giờ, tiền lương làm việc vào ban đêm, nội dung và số tiền bị khấu trừ (nếu có).
Có thể thấy được pháp luật đã quy định rõ ràng về tiền lương là số tiền mà người sử dụng lao động trả cho người lao động theo thỏa thuận để thực hiện công việc và số tiền trả cho người lao động cũng như số tiền ghi trong hợp đồng phải là bằng tiền.
Do đó, người sử dụng lao động không được phép dùng sản phẩm khác ngoài tiền để trả lương cho người lao động.
Công ty trả lương bằng sản phẩm cho người lao động bị xử phạt như thế nào?
Theo Điều 17 Nghị định 12/2022/NĐ-CP quy định :
Vi phạm quy định về tiền lương
…
2. Phạt tiền đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi: Trả lương không đúng hạn theo quy định của pháp luật; không trả hoặc trả không đủ tiền lương cho người lao động theo thỏa thuận trong hợp đồng lao động; không trả hoặc trả không đủ tiền lương làm thêm giờ; không trả hoặc trả không đủ tiền lương làm việc vào ban đêm; không trả hoặc trả không đủ tiền lương ngừng việc cho người lao động theo quy định của pháp luật; hạn chế hoặc can thiệp vào quyền tự quyết chi tiêu lương của người lao động; ép buộc người lao động chi tiêu lương vào việc mua hàng hóa, sử dụng dịch vụ của người sử dụng lao động hoặc của đơn vị khác mà người sử dụng lao động chỉ định; khấu trừ tiền lương của người lao động không đúng quy định của pháp luật; không trả hoặc trả không đủ tiền lương theo quy định cho người lao động khi tạm thời chuyển người lao động sang làm công việc khác so với hợp đồng lao động hoặc trong thời gian đình công; không trả hoặc trả không đủ tiền lương của người lao động trong những ngày chưa nghỉ hằng năm hoặc chưa nghỉ hết số ngày nghỉ hằng năm khi người lao động thôi việc, bị mất việc làm; không tạm ứng hoặc tạm ứng không đủ tiền lương cho người lao động trong thời gian bị tạm đình chỉ công việc theo quy định của pháp luật; không trả đủ tiền lương cho người lao động cho thời gian bị tạm đình chỉ công việc trong trường hợp người lao động không bị xử lý kỷ luật lao động theo một trong các mức sau đây:
a) Từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với vi phạm từ 01 người đến 10 người lao động;
…
đ) Từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với vi phạm từ 301 người lao động trở lên.
…
5. Biện pháp khắc phục hậu quả
a) Buộc người sử dụng lao động trả đủ tiền lương cộng với khoản tiền lãi của số tiền lương chậm trả, trả thiếu cho người lao động tính theo mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn cao nhất của các ngân hàng thương mại nhà nước công bố tại thời điểm xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều này;
Lưu ý: Theo quy định tại khoản 1 Điều 6 Nghị định 12/2022/NĐ-CP mức xử lý hành chính này là mức phạt đối với người sử dụng lao động là cá nhân, đối với công ty (tổ chức) mức phạt tiền sẽ gấp 02 lần.
Như vậy nếu công ty ép buộc hoặc tự động lấy tiền lương của người lao động để đổi sang sản phẩm, dịch vụ công ty cho người lao động sẽ bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả.