FED là gì? FED tăng lãi suất sẽ tác động tới kinh tế Việt Nam và mức lương người lao động ra sao?
FED là gì?
Cục dự trữ liên bang Mỹ (Federal Reserve System – Fed) được xây dựng theo mô hình của Trung tâm xử lý thanh toán New York (New York Clearinghouse) tồn tại ở New York trong suốt thế kỷ 19 và 20.
Hệ thống Ngân hàng trung ương Mỹ (hay còn gọi là Cục Dự trữ liên bang, hoặc FED) là thể chế kinh tế quyền lực nhất tại Mỹ nói riêng và thế giới nói chung. Những nhiệm vụ cốt lõi của cơ quan này bao gồm thiết lập lãi suất, quản lý nguồn cung tiền, cũng như điều tiết thị trường tài chính.
FED cũng đóng vai trò là người cho vay tiền cuối cùng trong những khoảng thời gian khủng hoảng kinh tế. Khi kinh tế Mỹ phục hồi, và lạm phát tăng cao đã thu hút sự chú ý của Ngân hàng trung ương, FED cũng là một trong những thể chế chính phủ Mỹ độc lập nhất về mặt chính trị, và từ rất lâu đã gây căng thẳng với các nhà lập pháp và Tổng thống bao gồm cả chủ nhân Nhà Trắng.
Xem chi tiết về Cục Dự trữ liên bang Mỹ tại: https://cand.com.vn/Ho-so-mat/noi-tinh-cuc-du-tru-lien-bang-my-i662011/.
Xem thêm:
>> Lãi suất FED hiện nay như thế nào?
>> Lịch họp FED tháng 11 khi nào?
FED là gì? FED tăng lãi suất sẽ tác động tới kinh tế Việt Nam?
FED tăng lãi suất sẽ tác động tới kinh tế Việt Nam ra sao?
Đợt tăng lãi suất của FED là để đối phó với cú sốc giá năng lượng, giảm đà tăng của lạm phát và đưa lạm phát về mức lạm phát mục tiêu 2%. Đợt tăng lãi suất này đi kèm với tăng trưởng của nền kinh tế thế giới nói chung và nền kinh tế Mỹ nói riêng ở mức thấp.
Điều này mang lại thách thức lớn cho các quốc gia đang phát triển hiện đang nỗ lực lấy lại đà tăng trưởng hậu đại dịch Covid-19. Trong bối cảnh này, có những điểm sáng cũng như các rủi ro và tác động tiêu cực đối với nền kinh tế Việt Nam.
Những điểm sáng
Nợ công thấp giảm thiểu rủi ro cho Việt Nam lâm vào khủng hoảng “bẫy nợ” như các quốc gia đang phát triển khác. Các đợt tăng lãi suất của FED khiến cho lãi suất toàn cầu tăng lên.
Điều này khiến cho nhiều quốc gia đang phát triển, đặc biệt những quốc gia đã chi tiêu công cao trong 02 năm qua để đối phó với đại dịch Covid-19 sẽ phải vay với lãi suất cao hơn và đối mặt với rủi ro lâm vào bẫy nợ.
Tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công thấp trong những năm vừa qua là một trong những nguyên nhân khiến cho nợ công của Việt Nam liên tục giảm từ 41,3% GDP năm 2020 xuống 35,7% GDP năm 2022. Tỉ lệ nợ công thấp hiện tại cho thấy vẫn còn nhiều dư địa trong việc thực thi chính sách tài khóa để thúc đẩy nền kinh tế trong thời gian tới.
Việc chưa tự do hóa dòng vốn giảm thiểu tác động của dòng vốn ra, một tác động thường thấy ở nhiều quốc gia đang phát triển khi FED tăng lãi suất. Cùng với dòng ngoại tệ vào đến từ giải ngân FDI, tăng trưởng du lịch và kiều hối, điều này đã giúp hỗ trợ cán cân thanh toán của Việt Nam.
Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), hết quý 1/2023, dự trữ ngoại hối của Việt Nam đạt 88,7 tỉ USD, giảm 20% so với mức 110 tỉ USD cuối năm 2021, trước đợt tăng lãi suất của FED. Đây là con số khả quan trong bối cảnh đợt tăng lãi suất của FED từ đầu năm 2022 đến nay là mạnh nhất trong vòng hơn 40 năm trở lại đây.
So với các quốc gia mới nổi khác, tác động của FED tăng lãi suất đến dòng vốn ra khỏi Việt Nam là nhỏ, do:
(i) Việt Nam chưa tự do hóa tài khoản vốn;
(ii) Việt Nam chưa được liệt kê vào nhóm thị trường cận biên mà mới chỉ có một số lượng hạn chế cổ phiếu nằm trong nhóm MSCI Frontier Market. Dòng vốn gián tiếp nước ngoài thu hút được chưa nhiều;
(iii) Dòng vốn FDI vẫn tiếp tục đổ vào Việt Nam do một loạt các hiệp định thương mại tự do và chiến lược Trung Quốc +1 của nhiều công ty, tập đoàn đa quốc gia... đã và đang có hiệu lực. Nhóm các quốc gia chịu tác động tiêu cực nhất từ đợt tăng lãi suất của FED là nhóm các quốc gia thu hút nhiều vốn đầu tư gián tiếp và có mức độ xếp hạng tín nhiệm thấp (World Banka, 2023).
Giá năng lượng thế giới tăng cao trong năm 2022 đã truyền dẫn vào lạm phát ở nhiều quốc gia. Tuy nhiên, với vị trí địa lí nằm gần xích đạo và không phụ thuộc nhiều vào khí đốt để sưởi ấm cho mùa đông, lạm phát của Việt Nam trong năm 2022 và năm 2023 chịu tác động nhỏ hơn nhiều so với các quốc gia ôn đới, với mức 3,1% năm 2022 và 3,5% năm 2023 (dự báo của World Bankb, 2023). Rủi ro lạm phát đối với Việt Nam, nếu có, đến từ sự truyền dẫn của tỉ giá vào lạm phát.
Tác động tiêu cực và rủi ro
Là nền kinh tế mở với quy mô nhỏ và độ mở lớn về thương mại, tác động qua kênh thương mại của nền kinh tế thế giới đến Việt Nam là rất lớn.
Theo tính toán của nhóm nghiên cứu World Bank, giá trị gia tăng trực tiếp và gián tiếp mà xuất khẩu tạo ra cho Việt Nam lên đến gần 50% GDP (Hình 8), cao hơn so với hầu hết các quốc gia trong khu vực, ngoại trừ Singapore (World Bankb, 2023).
Sự hồi phục chậm của nền kinh tế toàn cầu, kèm theo mặt bằng lãi suất cao để kiềm chế lạm phát ở các quốc gia phát triển, khiến cho tăng trưởng thương mại toàn cầu năm 2023 và năm 2024 được dự báo tiếp tục tăng trưởng chậm.
Hiệu ứng truyền dẫn của tỉ giá vào lạm phát tại Việt Nam là rất lớn, do sản xuất quá phụ thuộc vào hàng trung gian nhập khẩu.
Nếu lãi suất VND tiếp tục giảm, hoặc duy trì như mức hiện nay và FED tiếp tục duy trì lãi suất cao trong một thời gian nữa, áp lực lên tỉ giá có thể sẽ là rất lớn. Các dự báo về lạm phát trong tương lai ở Mỹ (Bảng 1) cho thấy, lạm phát có giảm nhưng sẽ chậm và vẫn còn cao hơn so với mức lạm phát mục tiêu 2% của FED, ít nhất cho đến hết nửa đầu năm 2024.
Thông cáo báo chí của FED trong tháng 7/2023 cho thấy, họ quyết tâm giảm lạm phát về ngưỡng 2% (Board of Governors of the Federal Reserve System, 2023).
Như vậy, chênh lệch lãi suất USD và VND có thể sẽ tiếp tục gây sức ép lên tỉ giá. Tỉ giá trong nửa đầu năm 2023 đã hạ nhiệt, sau khi tăng đến mức đỉnh gần 24.900 VND = 1 USD1 vào tháng 01/2023. Tuy nhiên, tỉ giá lại tiếp tục tăng trong giai đoạn gần đây, lên đến 24.315 VND = 1 USD2.
Xem chi tiết cụ thể tại: https://tapchinganhang.gov.vn/fed-tang-lai-suat-va-tac-dong-den-viet-nam-trong-boi-canh-hien-nay.htm
FED tăng lãi suất có ảnh hưởng đến mức lương người lao động không?
Căn cứ theo Điều 91 Bộ luật Lao động 2019 có quy định như sau:
Mức lương tối thiểu
1. Mức lương tối thiểu là mức lương thấp nhất được trả cho người lao động làm công việc giản đơn nhất trong điều kiện lao động bình thường nhằm bảo đảm mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội.
2. Mức lương tối thiểu được xác lập theo vùng, ấn định theo tháng, giờ.
3. Mức lương tối thiểu được điều chỉnh dựa trên mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ; tương quan giữa mức lương tối thiểu và mức lương trên thị trường; chỉ số giá tiêu dùng, tốc độ tăng trưởng kinh tế; quan hệ cung, cầu lao động; việc làm và thất nghiệp; năng suất lao động; khả năng chi trả của doanh nghiệp.
4. Chính phủ quy định chi tiết Điều này; quyết định và công bố mức lương tối thiểu trên cơ sở khuyến nghị của Hội đồng tiền lương quốc gia.
Theo quy định trên mức lương tối thiểu của người lao động sẽ được điều chỉnh dựa trên các căn cứ sau:
- Mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ;
- Tương quan giữa mức lương tối thiểu và mức lương trên thị trường;
- Chỉ số giá tiêu dùng, tốc độ tăng trưởng kinh tế;
- Quan hệ cung, cầu lao động;
- Việc làm và thất nghiệp;
- Năng suất lao động; khả năng chi trả của doanh nghiệp.
Như phân tích ở trên, việc FED tăng lãi suất sẽ có những điểm sáng cũng như các rủi ro và tác động tiêu cực đối với nền kinh tế Việt Nam. Điều này cũng sẽ tác động ít nhiều đến tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam. Do đó FED tăng lãi suất cũng sẽ ảnh hưởng đến các căn cứ để điều chỉnh mức lương tối thiểu cho người lao động Việt Nam.