Ép buộc người lao động thực hiện hợp đồng lao động để trả nợ có vi phạm pháp luật không? Người lao động nợ lâu không trả phải xử lý thế nào?
Ép buộc người lao động thực hiện hợp đồng lao động để trả nợ có vi phạm pháp luật không?
Tại Điều 15 Bộ luật Lao động 2019 quy định về nguyên tắc khi giao kết hợp đồng lao động như sau:
Nguyên tắc giao kết hợp đồng lao động
1. Tự nguyện, bình đẳng, thiện chí, hợp tác và trung thực.
2. Tự do giao kết hợp đồng lao động nhưng không được trái pháp luật, thỏa ước lao động tập thể và đạo đức xã hội.
Căn cứ theo Điều 17 Bộ luật Lao động 2019 quy định:
Hành vi người sử dụng lao động không được làm khi giao kết, thực hiện hợp đồng lao động
1. Giữ bản chính giấy tờ tùy thân, văn bằng, chứng chỉ của người lao động.
2. Yêu cầu người lao động phải thực hiện biện pháp bảo đảm bằng tiền hoặc tài sản khác cho việc thực hiện hợp đồng lao động.
3. Buộc người lao động thực hiện hợp đồng lao động để trả nợ cho người sử dụng lao động.
Dựa theo quy định trên, việc người sử dụng lao động có hành vi ép buộc người lao động thực hiện hợp đồng lao động để trả nợ cho mình khi giao kết, thực hiện hợp đồng lao động là hành vi không hợp pháp.
Điều này phù hợp với nguyên tắc cơ bản khi giao kết hợp đồng lao động được quy định tại Điều 15 Bộ luật Lao động 2019, bao gồm các yếu tố như tự nguyện, bình đẳng, thiện chí, hợp tác và trung thực.
Việc ép buộc người lao động thực hiện hợp đồng để cấn trừ nợ, nếu không xuất phát từ nguyện vọng của họ, sẽ vi phạm những nguyên tắc này.
Như vậy, việc ép buộc làm việc để cấn trừ nợ không chỉ là một hành vi vi phạm pháp luật mà còn đi ngược lại với các giá trị đạo đức trong quan hệ lao động.
Vì thế, người sử dụng lao động không được phép ép người lao động làm việc, thực hiện hợp đồng lao động để cấn trừ, trả nợ cho mình.
Ép buộc người lao động thực hiện hợp đồng lao động để trả nợ có vi phạm pháp luật không? Người lao động nợ lâu không trả phải xử lý thế nào? (Hình Internet)
Người lao động vay tiền không trả xử lý thế nào?
Theo Điều 463 Bộ luật Dân sự 2015 quy định:
Hợp đồng vay tài sản
Hợp đồng vay tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định.
Như vậy, có thể hiểu, nếu đã có phát sinh quan hệ vay nợ thì phải có nghĩa vụ trả nợ đúng hạn và trả thêm lãi suất nếu hai bên có thỏa thuận về lãi suất.
Người sử dụng lao động tuy không được yêu cầu, ép buộc người lao động thực hiện hợp đồng lao động để trả nợ cho mình nhưng có thể áp dụng các quy định tại Điều 466 Bộ luật Dân sự 2015 để yêu cầu người lao động thực hiện đúng nghĩa vụ trả nợ cho mình.
Cụ thể, Điều 466 Bộ luật Dân sự 2015 quy định như sau:
Nghĩa vụ trả nợ của bên vay
1. Bên vay tài sản là tiền thì phải trả đủ tiền khi đến hạn; nếu tài sản là vật thì phải trả vật cùng loại đúng số lượng, chất lượng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
2. Trường hợp bên vay không thể trả vật thì có thể trả bằng tiền theo trị giá của vật đã vay tại địa điểm và thời điểm trả nợ, nếu được bên cho vay đồng ý.
3. Địa điểm trả nợ là nơi cư trú hoặc nơi đặt trụ sở của bên cho vay, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
4. Trường hợp vay không có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả nợ hoặc trả không đầy đủ thì bên cho vay có quyền yêu cầu trả tiền lãi với mức lãi suất theo quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật này trên số tiền chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.
5. Trường hợp vay có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả hoặc trả không đầy đủ thì bên vay phải trả lãi như sau:
a) Lãi trên nợ gốc theo lãi suất thỏa thuận trong hợp đồng tương ứng với thời hạn vay mà đến hạn chưa trả; trường hợp chậm trả thì còn phải trả lãi theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật này;
b) Lãi trên nợ gốc quá hạn chưa trả bằng 150% lãi suất vay theo hợp đồng tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
Như vậy, trường hợp người sử dụng lao động cho người lao động vay không thỏa thuận lãi suất mà đến hạn trả nợ, người lao động không trả hoặc trả không đầy đủ số tiền đã vay thì người sử dụng lao động có quyền yêu cầu trả tiền lãi với mức lãi suất theo quy định tại khoản 2 Điều 468 Bộ luật Dân sự 2015 trên số tiền chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả.
Trường hợp người sử dụng lao động cho người lao động vay có tính lãi suất mà đến hạn trả nợ, người lao động không trả hoặc trả không đầy đủ số tiền đã vay thì bên vay nợ phải trả lãi như sau:
- Lãi trên nợ gốc theo lãi suất thỏa thuận trong hợp đồng tương ứng với thời hạn vay mà đến hạn chưa trả; trường hợp chậm trả thì còn phải trả lãi theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 Bộ luật Dân sự 2015;
- Lãi trên nợ gốc quá hạn chưa trả bằng 150% lãi suất vay theo hợp đồng tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
Như vậy, việc xử lý khi người lao động không trả nợ phải tuân thủ đúng các quy định pháp luật, bảo đảm quyền lợi cho cả hai bên và duy trì sự công bằng trong quan hệ vay mượn.
Lãi suất cho vay tối đa hiện nay là bao nhiêu?
Theo quy định tại Điều 468 Bộ luật Dân sự 2015, lãi suất vay do các bên thỏa thuận, tuy nhiên phải tuân thủ theo các quy định về lãi suất như sau:
- Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác
- Trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn 20%/năm thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực.
- Trường hợp các bên có thỏa thuận về việc trả lãi, nhưng không xác định rõ lãi suất và có tranh chấp về lãi suất thì lãi suất được xác định bằng 50% mức lãi suất giới hạn (tức 10%) tại thời điểm trả nợ.
Theo đó, căn cứ tình hình thực tế và theo đề xuất của Chính phủ, Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định điều chỉnh mức lãi suất nói trên và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.
Như vậy, mức lãi suất cho vay tối đa được tính là 20%/năm, nếu hai bên thỏa thuận mức lãi suất cao hơn mức giới hạn này thì phần vượt quá sẽ không có hiệu lực.