Được tạm ứng lương khi nghỉ việc để thực hiện nghĩa vụ công dân trong bao lâu?
- Được tạm ứng lương khi nghỉ việc để thực hiện nghĩa vụ công dân trong bao lâu?
- Người lao động tạm nghỉ do tham gia nghĩa vụ công dân thì có được thuê lại lao động khác để thay thế không?
- Đơn đề nghị tạm ứng tiền lương theo Thông tư 200/2014/TT-BTC như thế nào?
- Thời hiệu xử lý vi phạm hành chính đối với hành vi không tạm ứng tiền lương cho người lao động là bao lâu?
Được tạm ứng lương khi nghỉ việc để thực hiện nghĩa vụ công dân trong bao lâu?
Tại khoản 2 Điều 101 Bộ luật Lao động 2019 có quy định như sau:
Tạm ứng tiền lương
1. Người lao động được tạm ứng tiền lương theo điều kiện do hai bên thỏa thuận và không bị tính lãi.
2. Người sử dụng lao động phải cho người lao động tạm ứng tiền lương tương ứng với số ngày người lao động tạm thời nghỉ việc để thực hiện nghĩa vụ công dân từ 01 tuần trở lên nhưng tối đa không quá 01 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động và người lao động phải hoàn trả số tiền đã tạm ứng.
Người lao động nhập ngũ theo quy định của Luật Nghĩa vụ quân sự thì không được tạm ứng tiền lương.
3. Khi nghỉ hằng năm, người lao động được tạm ứng một khoản tiền ít nhất bằng tiền lương của những ngày nghỉ.
Theo đó, người lao động được tạm ứng tiền lương khi tạm thời nghỉ việc để thực hiện nghĩa vụ công dân từ 01 tuần trở lên.
Lưu ý: Người lao động nhập ngũ theo quy định của Luật Nghĩa vụ quân sự 2015 thì không được tạm ứng tiền lương.
Được tạm ứng lương khi nghỉ việc để thực hiện nghĩa vụ công dân trong bao lâu?
Người lao động tạm nghỉ do tham gia nghĩa vụ công dân thì có được thuê lại lao động khác để thay thế không?
Tại điểm b khoản 2 Điều 53 Bộ luật Lao động 2019 quy định như sau:
Nguyên tắc hoạt động cho thuê lại lao động
1. Thời hạn cho thuê lại lao động đối với người lao động tối đa là 12 tháng.
2. Bên thuê lại lao động được sử dụng lao động thuê lại trong trường hợp sau đây:
a) Đáp ứng tạm thời sự gia tăng đột ngột về nhu cầu sử dụng lao động trong khoảng thời gian nhất định;
b) Thay thế người lao động trong thời gian nghỉ thai sản, bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hoặc phải thực hiện các nghĩa vụ công dân;
c) Có nhu cầu sử dụng lao động trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao.
3. Bên thuê lại lao động không được sử dụng lao động thuê lại trong trường hợp sau đây:
a) Để thay thế người lao động đang trong thời gian thực hiện quyền đình công, giải quyết tranh chấp lao động;
b) Không có thỏa thuận cụ thể về trách nhiệm bồi thường tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp của người lao động thuê lại với doanh nghiệp cho thuê lại lao động;
c) Thay thế người lao động bị cho thôi việc do thay đổi cơ cấu, công nghệ, vì lý do kinh tế hoặc chia, tách, hợp nhất, sáp nhập.
4. Bên thuê lại lao động không được chuyển người lao động thuê lại cho người sử dụng lao động khác; không được sử dụng người lao động thuê lại được cung cấp bởi doanh nghiệp không có Giấy phép hoạt động cho thuê lại lao động.
Như vậy, theo quy định trên, trong thời gian người lao động nghỉ do phải thực hiện các nghĩa vụ công dân thì người sử dụng lao động được phép sử dụng lao động thuê lại để thay thế cho người lao động đó.
Đơn đề nghị tạm ứng tiền lương theo Thông tư 200/2014/TT-BTC như thế nào?
Hiện nay, đơn đề nghị tạm ứng tiền lương được sử dụng phổ biến theo Mẫu 03-TT ban hành kèm theo Thông tư 200/2014/TT-BTC, cụ thể như sau:
Tải Đơn đề nghị tạm ứng tiền lương mẫu 03-TT: Tại đây
Lưu ý: Đơn đề nghị tạm ứng tiền lương được sử dụng phổ biến theo Mẫu 03-TT ban hành kèm theo Thông tư 200/2014/TT-BTC áp dụng cho các đối tượng sau:
- Các doanh nghiệp thuộc mọi lĩnh vực, mọi thành phần kinh tế;
- Các doanh nghiệp vừa và nhỏ đang thực hiện kế toán theo Chế độ kế toán áp dụng cho doanh nghiệp vừa và nhỏ được vận dụng quy định của Thông tư 200/2014/TT-BTC để kế toán phù hợp với đặc điểm kinh doanh và yêu cầu quản lý của mình.
Thời hiệu xử lý vi phạm hành chính đối với hành vi không tạm ứng tiền lương cho người lao động là bao lâu?
Tại khoản 1 Điều 5 Nghị định 12/2022/NĐ-CP quy định như sau:
Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính
1. Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 6 của Luật Xử lý vi phạm hành chính.
...
Dẫn chiếu theo quy định tại khoản 1 Điều 6 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012, được sửa đổi, bổ sung bởi điểm a khoản 4 Điều 1 Luật Xử lý vi phạm hành chính sửa đổi 2020 quy định như sau:
Thời hiệu xử lý vi phạm hành chính
1. Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính được quy định như sau:
a) Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính là 01 năm, trừ các trường hợp sau đây:
Vi phạm hành chính về kế toán; hóa đơn; phí, lệ phí; kinh doanh bảo hiểm; quản lý giá; chứng khoán; sở hữu trí tuệ; xây dựng; thủy sản; lâm nghiệp; điều tra, quy hoạch, thăm dò, khai thác, sử dụng nguồn tài nguyên nước; hoạt động dầu khí và hoạt động khoáng sản khác; bảo vệ môi trường; năng lượng nguyên tử; quản lý, phát triển nhà và công sở; đất đai; đê điều; báo chí; xuất bản; sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu, kinh doanh hàng hóa; sản xuất, buôn bán hàng cấm, hàng giả; quản lý lao động ngoài nước thì thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính là 02 năm.
Vi phạm hành chính về thuế thì thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về quản lý thuế;
...
Như vậy, thời hiệu xử phạt hành chính đối với hành vi không tạm ứng tiền lương cho người lao động trong trường hợp phải tạm ứng là 01 năm.