Có được sử dụng người lao động cao tuổi làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm không?
- Người lao động được phép làm việc trong điều kiện có yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại trong bao lâu?
- Có được sử dụng người lao động cao tuổi làm việc nặng nhọc, độc hại?
- Điều kiện sử dụng người lao động cao tuổi làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm là gì?
- Ký hợp đồng lao động với người lao động cao tuổi làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm trái quy định thì bị xử lý như thế nào?
Người lao động được phép làm việc trong điều kiện có yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại trong bao lâu?
Căn cứ tại Điều 25 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015 quy định về thời giờ làm việc trong điều kiện có yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại như sau:
- Người sử dụng lao động có trách nhiệm bảo đảm thời gian tiếp xúc với yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại của người lao động nằm trong giới hạn an toàn được quy định trong quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tương ứng và các quy định của pháp luật có liên quan.
- Thời giờ làm việc đối với người lao động làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm được thực hiện theo quy định của pháp luật lao động.
Được sử dụng người lao động cao tuổi làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm khi nào? (Hình từ Internet)
Có được sử dụng người lao động cao tuổi làm việc nặng nhọc, độc hại?
Căn cứ khoản 3 Điều 149 Bộ luật Lao động 2019 quy định như sau:
Sử dụng người lao động cao tuổi
...
3. Không được sử dụng người lao động cao tuổi làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm có ảnh hưởng xấu tới sức khỏe người lao động cao tuổi, trừ trường hợp bảo đảm các điều kiện làm việc an toàn.
...
Theo đó, người sử dụng lao động sẽ không được sử dụng người lao động cao tuổi để làm những nghề, công việc độc hại, nặng nhọc, nguy hiểm, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của người lao động cao tuổi.
Tuy nhiên trong trường hợp người sử dụng lao động bảo đảm điều kiện làm việc an toàn thì có thể sử dụng người lao động cao tuổi để làm những nghề, công việc như trên.
Điều kiện sử dụng người lao động cao tuổi làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm là gì?
Căn cứ tại Điều 64 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015 quy định như sau:
Điều kiện sử dụng người lao động cao tuổi làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm
1. Chỉ sử dụng người lao động cao tuổi làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm có ảnh hưởng xấu tới sức khỏe người lao động cao tuổi khi có đủ các điều kiện sau đây:
a) Người lao động cao tuổi có kinh nghiệm, tay nghề cao với thâm niên nghề nghiệp từ đủ 15 năm trở lên; có chứng nhận hoặc chứng chỉ nghề hoặc được công nhận là nghệ nhân theo quy định của pháp luật;
b) Người lao động cao tuổi có đủ sức khỏe làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm theo tiêu chuẩn sức khỏe do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành sau khi có ý kiến của bộ chuyên ngành;
c) Chỉ sử dụng không quá 05 năm đối với từng người lao động cao tuổi;
d) Có ít nhất một người lao động không phải là người lao động cao tuổi cùng làm việc;
đ) Có sự tự nguyện của người lao động cao tuổi khi bố trí công việc.
2. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.
Như vậy theo quy định trên điều kiện sử dụng người lao động cao tuổi làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm như sau:
- Người lao động cao tuổi có kinh nghiệm, tay nghề cao với thâm niên nghề nghiệp từ đủ 15 năm trở lên; có chứng nhận hoặc chứng chỉ nghề hoặc được công nhận là nghệ nhân theo quy định của pháp luật;
- Người lao động cao tuổi có đủ sức khỏe làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm theo tiêu chuẩn sức khỏe do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành sau khi có ý kiến của bộ chuyên ngành;
- Chỉ sử dụng không quá 05 năm đối với từng người lao động cao tuổi;
- Có ít nhất một người lao động không phải là người lao động cao tuổi cùng làm việc;
- Có sự tự nguyện của người lao động cao tuổi khi bố trí công việc.
Ký hợp đồng lao động với người lao động cao tuổi làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm trái quy định thì bị xử lý như thế nào?
Căn cứ theo khoản 2 Điều 31 Nghị định 12/2022/NĐ-CP quy định vi phạm quy định về người lao động cao tuổi, người khuyết tật như sau:
Vi phạm quy định về người lao động cao tuổi, người khuyết tật
...
2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có hành vi sử dụng người lao động cao tuổi làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm có ảnh hưởng xấu tới sức khỏe người lao động cao tuổi, trừ trường hợp bảo đảm các điều kiện làm việc an toàn.
...
Lưu ý: theo khoản 1 Điều 6 Nghị định 12/2022/NĐ-CP, mức phạt quy định trên đây là mức phạt đối với cá nhân. Mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
Như vậy, theo quy định trên nếu người sử dụng lao động có hành vi sử dụng người lao động cao tuổi làm công việc nặng nhọc, đọc hại, nguy hiểm trừ trường hợp bảo đảm các điều kiện làm việc an toàn thì bị phạt từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với cá nhân vi phạm và từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với tổ chức vi phạm.