Đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài có thể thỏa thuận bằng miệng không?
- Có được thỏa thuận bằng miệng thay cho hợp đồng đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài không?
- Mẫu hợp đồng đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài bao gồm những nội dung nào theo quy định hiện nay?
- Doanh nghiệp dịch vụ ký hợp đồng đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài với người lao động không đúng mẫu bị phạt bao nhiêu?
Có được thỏa thuận bằng miệng thay cho hợp đồng đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài không?
Căn cứ Điều 21 Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng 2020 quy định như sau:
Hợp đồng đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài
1. Hợp đồng đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là văn bản thỏa thuận giữa doanh nghiệp dịch vụ với người lao động về quyền, nghĩa vụ của mỗi bên trong việc đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
2. Hợp đồng đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài phải thỏa thuận rõ quyền, nghĩa vụ của mỗi bên và phù hợp với nội dung của hợp đồng cung ứng lao động; ghi rõ thỏa thuận về tiền dịch vụ và chi phí khác của người lao động (nếu có).
3. Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định mẫu hợp đồng đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài.
Như vậy, theo quy định trên, thì hợp đồng đưa người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài phải thỏa thuận bằng văn bản. Mẫu hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài được Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định.
Đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài có thể thỏa thuận bằng miệng không? (Hình từ Internet)
Mẫu hợp đồng đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài bao gồm những nội dung nào theo quy định hiện nay?
Căn cứ Điều 14 Thông tư 21/2021/TT-BLĐTBXH quy định về mẫu hợp đồng đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài như sau:
Nội dung, mẫu hợp đồng đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài
1. Hợp đồng đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài ký giữa người lao động và doanh nghiệp hoạt động dịch vụ theo Mẫu số 03 Phụ lục 01 ban hành kèm theo Thông tư này.
2. Hợp đồng đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài ký giữa người lao động và tổ chức, cá nhân Việt Nam đầu tư ra nước ngoài phải phù hợp với pháp luật Việt Nam, pháp luật của nước, vùng lãnh thổ mà người lao động đến làm việc và có những nội dung sau đây:
Thời hạn làm việc; ngành, nghề công việc phải làm; nước, vùng lãnh thổ người lao động đến làm việc, địa điểm làm việc; giáo dục định hướng trước khi đi làm việc; điều kiện, môi trường làm việc; thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi; an toàn, vệ sinh lao động; tiền lương và tiền thưởng (nếu có), tiền làm thêm giờ, các khoản khấu trừ từ lương (nếu có); điều kiện ăn, ở, sinh hoạt, đi lại từ nơi ở tới nơi làm việc; trách nhiệm trả chi phí đi lại từ Việt Nam đến nơi làm việc và ngược lại; chế độ khám bệnh, chữa bệnh và quyền lợi, chế độ khác (nếu có); quyền lợi, chế độ của người lao động trong trường hợp bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và chế độ khác; việc bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng; cơ chế, thủ tục và pháp luật áp dụng để giải quyết tranh chấp; thỏa thuận khác không trái pháp luật và đạo đức xã hội.
3. Hợp đồng đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài ký giữa người lao động và đơn vị sự nghiệp phải phù hợp với pháp luật Việt Nam, pháp luật nước, vùng lãnh thổ tiếp nhận lao động, thỏa thuận quốc tế quy định tại khoản 1 Điều 42 Luật 69/2020/QH14, hợp đồng cung ứng lao động ký kết với bên nước ngoài tiếp nhận lao động (nếu có) và có những nội dung sau đây:
Thời hạn làm việc; ngành, nghề công việc phải làm; nước đến làm việc, địa điểm làm việc; giáo dục định hướng trước khi đi làm việc; bồi dưỡng kỹ năng nghề, ngoại ngữ (nếu có); chi phí người lao động phải trả trước khi đi; điều kiện, môi trường làm việc; thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi; an toàn, vệ sinh lao động; tiền lương và tiền thưởng (nếu có), tiền làm thêm giờ, các khoản khấu trừ từ lương (nếu có); điều kiện ăn, ở, sinh hoạt, đi lại từ nơi ở tới nơi làm việc; trách nhiệm trả chi phí đi lại từ Việt Nam đến nơi làm việc và ngược lại; chế độ khám bệnh, chữa bệnh và quyền lợi, chế độ khác (nếu có); chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; việc bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng; ký quỹ, bảo lãnh để thực nghĩa vụ của hợp đồng (nếu có); việc thanh lý hợp đồng; cơ chế, thủ tục và pháp luật áp dụng để giải quyết tranh chấp; thỏa thuận khác không trái pháp luật và đạo đức xã hội.
Theo đó, doanh nghiệp dịch vụ ký hợp đồng đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài với người lao động phải thực hiện theo đúng Mẫu số 03 Phụ lục 01 ban hành kèm theo Thông tư 21/2021/TT-BLĐTBXH.
Một phần Mẫu số 03 Phụ lục 01
Tải Mẫu số 03 Phụ lục 01: Tại đây
Doanh nghiệp dịch vụ ký hợp đồng đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài với người lao động không đúng mẫu bị phạt bao nhiêu?
Căn cứ khoản 2 Điều 42 Nghị định 12/2022/NĐ-CP quy định như sau:
Vi phạm của doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sau đây viết tắt là doanh nghiệp dịch vụ)
...
2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng khi vi phạm với mỗi người lao động nhưng không quá 200.000.000 đồng khi có một trong các hành vi sau đây:
a) Không tổ chức giáo dục định hướng hoặc không cấp Giấy chứng nhận hoàn thành khóa học giáo dục định hướng cho người lao động trước khi đi làm việc ở nước ngoài theo quy định của pháp luật;
b) Thỏa thuận mức tiền ký quỹ với người lao động cao hơn quy định của pháp luật;
c) Không ký hoặc ký không đúng mẫu hợp đồng đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng với người lao động;
d) Không ghi rõ thỏa thuận về tiền dịch vụ và chi phí khác của người lao động trong hợp đồng đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài ký với người lao động;
đ) Không thanh lý hoặc thanh lý hợp đồng đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài với người lao động không theo quy định của pháp luật;
e) Nội dung hợp đồng đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài không phù hợp với hợp đồng cung ứng lao động đã đăng ký.
3. Phạt tiền từ 20% đến 30% tổng số tiền phải đóng vào Quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước theo quy định của pháp luật tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính nhưng không quá 200.000.000 đồng khi có hành vi không đóng hoặc đóng không đầy đủ vào Quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước theo quy định của pháp luật.
...
Như vậy, theo quy định trên, doanh nghiệp dịch vụ ký hợp đồng đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài với người lao động không đúng mẫu bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng khi vi phạm với mỗi người lao động nhưng không quá 200.000.000 đồng.