Dự kiến thân nhân người lao động sẽ được ngân sách nhà nước hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế? Đề xuất tăng phạm vi hưởng BHYT?
Dự kiến thân nhân người lao động sẽ được nhà nước hỗ trợ đóng BHYT?
Theo quy định tại điểm c khoản 4 Điều 13 Dự thảo Luật Bảo hiểm y tế như sau:
Đối tượng tham gia bảo hiểm y tế
...
4. Nhóm được ngân sách nhà nước hỗ trợ mức đóng, bao gồm:
a) Người thuộc hộ gia đình cận nghèo;
b) Học sinh, sinh viên.
c) Thân nhân người lao động quy định tại khoản 1 Điều này.
...
Đây là một quy định mới so với Luật Bảo hiểm y tế 2008 (được sửa đổi bổ sung tại Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi 2014) đang có hiệu lực thi hành hiện nay và các văn bản Điều lệ Bảo hiểm y tế được ban hành trong giai đoạn trước đây.
Theo đó, nếu Dự thảo được thông qua thì thân nhân của người lao động sẽ được ngân sách nhà nước hỗ trợ mức đóng bao gồm:
- Thân nhân người lao động làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 3 tháng trở lên;
- Thân nhân người lao động là người quản lý doanh nghiệp hưởng tiền lương;
- Thân nhân của cán bộ, công chức, viên chức;
- Thân nhân của người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn theo quy định của pháp luật
Dự kiến thân nhân người lao động sẽ được ngân sách nhà nước hỗ trợ đóng BHYT? Phạm vi hưởng BHYT theo Dự thảo Luật Bảo hiểm y tế như thế nào?
Phạm vi hưởng bảo hiểm y tế theo Dự thảo Luật Bảo hiểm y tế như thế nào?
Theo Điều 25 Dự thảo Luật Bảo hiểm y tế có quy định về người tham gia bảo hiểm y tế được quỹ bảo hiểm y tế chi trả chi phí khi sử dụng dịch vụ y tế trong các trường hợp sau:
- Khám bệnh, chữa bệnh; điều trị dự phòng bệnh tật;
- Phục hồi chức năng; dụng cụ, phương tiện hỗ trợ phục hồi chức năng;
- Khám thai định kỳ và sinh con;
- Sàng lọc sơ sinh, sàng lọc trước sinh, sàng lọc bệnh lây truyền từ mẹ sang con đối với phụ nữ mang thai;
- Sàng lọc, chẩn đoán sớm bệnh mạn tính;
- Khám sức khỏe định kỳ;
- Khám bệnh, chữa bệnh tại nhà cho người cao tuổi, người khuyết tật nặng;
- Sản phẩm dinh dưỡng sử dụng trong điều trị nội trú trẻ sơ sinh non yếu, trẻ em dưới 6 tuổi mắc bệnh suy dinh dưỡng nặng;
- Vận chuyển người bệnh đối với đối tượng quy định tại các điểm a, d, e, g, h và i khoản 3 Điều 10 của Dự thảo Luật Bảo hiểm y tế trong trường hợp cấp cứu hoặc khi đang điều trị nội trú phải chuyển người bệnh đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác theo yêu cầu chuyên môn trong khám bệnh, chữa bệnh;
- Người tham gia bảo hiểm y tế được lập hồ sơ sức khỏe cá nhân, được cơ sở khám bệnh, chữa bệnh BHYT ban đầu quản lý.
- Bộ trưởng Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan, BHXH Việt Nam ban hành nguyên tắc, quy trình lập, thẩm định và quyết định danh mục và tỷ lệ, điều kiện thanh toán đối với thuốc, hóa chất, vật tư y tế, dịch vụ kỹ thuật y tế, phương tiện, dụng cụ hỗ trợ phục hồi chức năng, sản phẩm dinh dưỡng sử dụng trong điều trị điều trị thuộc phạm vi được hưởng của người tham gia bảo hiểm y tế.
Hiện nay, theo khoản 1 Điều 21 Luật Bảo hiểm y tế 2008 được sửa đổi bởi khoản 14 Điều 1 Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi 2014 có quy định như sau:
Phạm vi được hưởng của người tham gia bảo hiểm y tế
1. Người tham gia bảo hiểm y tế được quỹ bảo hiểm y tế chi trả các chi phí sau đây:
a) Khám bệnh, chữa bệnh, phục hồi chức năng, khám thai định kỳ, sinh con;
b) Vận chuyển người bệnh từ tuyến huyện lên tuyến trên đối với đối tượng quy định tại các điểm a, d, e, g, h và i khoản 3 Điều 12 của Luật này trong trường hợp cấp cứu hoặc khi đang điều trị nội trú phải chuyển tuyến chuyên môn kỹ thuật.
...
Theo đó, hiện nay phạm vi được hưởng của người tham gia bảo hiểm y tế hẹp hơn so với quy định trong Dự thảo Luật Bảo hiểm y tế
Trước ngày 01/7/2009 (ngày Luật Bảo hiểm y tế 2008 chính thức có hiệu lực thi hành) thì các quy định về bảo hiểm y tế chưa được quy định thành Luật riêng mà được nêu trong Điều lệ Bảo hiểm y tế, trong đó các quy định về phạm vi được hưởng quyền của người tham gia BHYT cũng đã được đề cập đến.
Theo quy định tại Điều 7 Điều lệ Bảo hiểm y tế ban hành theo Nghị định 63/2005/NĐ-CP như sau:
Phạm vi quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế bắt buộc
Người có thẻ bảo hiểm y tế bắt buộc được hưởng chế độ bảo hiểm y tế khi khám, chữa bệnh ngoại trú và nội trú ở các cơ sở y tế nhà nước và tư nhân có hợp đồng với cơ quan bảo hiểm xã hội khám, chữa bệnh cho người bệnh bảo hiểm y tế, gồm:
1. Khám bệnh, chẩn đoán, điều trị và phục hồi chức năng trong thời gian điều trị tại cơ sở khám, chữa bệnh.
2. Xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh, thăm dò chức năng.
3. Thuốc trong danh mục theo quy định của Bộ Y tế.
4. Máu, dịch truyền.
5. Các thủ thuật, phẫu thuật.
6. Sử dụng vật tư, thiết bị y tế và giường bệnh.
7. Chi phí khám thai, sinh con.
8. Chi phí vận chuyển trong trường hợp phải chuyển tuyến chuyên môn kỹ thuật theo quy định của Bộ Y tế đối với một số đối tượng là người nghèo, người thuộc diện chính sách xã hội, người sinh sống hay công tác ở vùng núi, vùng sâu, vùng xa.
Theo quy định tại Điều 6 Điều lệ Bảo hiểm y tế ban hành theo Nghị định 58/1998/NĐ-CP như sau:
Người có thẻ BHYT bắt buộc được hưởng chế độ BHYT khi khám, chữa bệnh ngoại trú và nội trú, gồm:
1. Khám bệnh, chẩn đoán và điều trị;
2. Xét nghiệm, chiếu chụp X-quang, thăm dò chức năng;
3. Thuốc trong danh mục theo quy định của Bộ Y tế;
4. Máu, dịch truyền;
5. Các thủ thuật, phẫu thuật;
6. Sử dụng vật tư, thiết bị y tế và giường bệnh.
Theo quy định tại Điều 13 Điều lệ Bảo hiểm y tế ban hành theo Nghị định 299-HĐBT năm 1992 như sau:
1. Người được bảo hiểm y tế có quyền:
a) Được cấp thẻ bảo hiểm y tế.
b) Được khám, chữa bệnh ở các cơ sở y tế thuận lợi nhất theo hướng dẫn của cơ quan bảo hiểm y tế. Người được bảo hiểm y tế khi bị bệnh phải cấp cứu ở bất kỳ cơ sở y tế nào của Nhà nước cũng được hưởng bảo hiểm y tế.
c) Được cơ quan bảo hiểm y tế chi trả trợ cấp bảo hiểm y tế nói tại khoản 1 điều 15 khi khám, chữa bệnh.
d) Được yêu cầu bảo hiểm y tế bảo vệ các quyền lợi theo quy định của Điều lệ bảo hiểm y tế và có quyền khiếu nại với cơ quan có thẩm quyền khi các bên tham gia không thực hiện đúng Điều lệ bảo hiểm y tế.
...
Dẫn chiếu đến khoản 1 Điều 15 Điều lệ Bảo hiểm y tế ban hành theo Nghị định 299-HĐBT năm 1992 như sau:
1. Các cơ sở khám, chữa bệnh có quyền:
a) Được cơ quan bảo hiểm y tế thanh toán chi phí về bảo hiểm y tế theo hợp đồng trên cơ sở số lần khám, điều trị ngoại trú, ngày giường điều trị nội trú tuỳ theo từng loại bệnh viện, từng thời gian và theo hướng dẫn của Bộ Y tế, trong đó bao gồm:
- Tiền thuốc, dịch truyền, máu để điều trị, tiền xét nghiệm, tiền chiếu, chụp phim Xquang, tiền phẫu thuật v.v...
- Tiền vật tư hao tính trên giường bệnh.
- Tiền công lao động của thầy thuốc và nhân viên y tế.
Theo đó, các quy định về phạm vi được hưởng của người tham gia bảo hiểm y tế trước ngày 01/7/2009 được liệt kê sơ sài trong khi thực tế chi phí phát sinh khi khám bệnh, chữa bệnh rất nhiều.
Dự thảo Luật Bảo hiểm y tế đã mở rộng phạm vi các quyền được hưởng của người tham gia BHYT, nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, đáp ứng được nhu cầu chăm sóc sức khỏe, khám bệnh, chữa bệnh và nhu cầu tham gia bảo hiểm y tế ngày càng tăng cao.
Trường hợp nào không được hưởng BHYT theo Dự thảo Luật Bảo hiểm y tế như thế nào?
Theo quy định tại Điều 28 Dự thảo Luật Bảo hiểm y tế về việc quỹ bảo hiểm y tế không chi trả cho những trường hợp sau:
- Chi phí trong trường hợp quy định tại Điều 25 Dự thảo Luật Bảo hiểm y tế đã được ngân sách nhà nước chi trả;
- Điều dưỡng, an dưỡng tại cơ sở điều dưỡng, an dưỡng, cơ sở chăm sóc xã hội;
- Sử dụng dịch vụ kế hoạch hóa gia đình; nạo hút thai, phá thai, trừ trường hợp phải đình chỉ thai nghén do nguyên nhân bệnh lý của thai nhi hoặc của thai phụ;
- Sử dụng dịch vụ thẩm mỹ;
- Điều trị lác, cận thị và tật khúc xạ của mắt, trừ trường hợp trẻ em dưới 18 tuổi;
- Khám bệnh, chữa bệnh, phục hồi chức năng trong trường hợp thảm họa;
- Chẩn đoán, điều trị nghiện ma túy, nghiện rượu và các chất gây nghiện khác;
- Giám định y khoa, giám định pháp y, giám định pháp y tâm thần;
- Tham gia thử nghiệm lâm sàng, nghiên cứu khoa học;
- Các dịch vụ, thuốc, vật tư y tế, dụng cụ, thiết bị y tế không nằm trong danh mục, phạm vi và tỷ lệ chi trả do Bộ Y tế ban hành.