Đóng bảo hiểm thất nghiệp ngắt quãng thì có được tính hưởng trợ cấp thất nghiệp không?
Đóng bảo hiểm thất nghiệp ngắt quãng thì có được tính hưởng trợ cấp thất nghiệp không?
Căn cứ theo khoản 1 Điều 45 Luật Việc làm 2013 đã quy định:
Thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp
1. Thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp để xét hưởng bảo hiểm thất nghiệp là tổng các khoảng thời gian đã đóng bảo hiểm thất nghiệp liên tục hoặc không liên tục được cộng dồn từ khi bắt đầu đóng bảo hiểm thất nghiệp cho đến khi người lao động chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc theo quy định của pháp luật mà chưa hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Theo đó, thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp để xét tính hưởng bảo hiểm thất nghiệp sẽ được tính là toàn bộ thời gian người lao động đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp cho đến khi chấm dứt hợp đồng lao động.
Do đó, nếu đóng ngắt quãng không liên tục thì được cộng dồn từ khi bắt đầu đóng bảo hiểm thất nghiệp cho đến khi người lao động chấm dứt hợp đồng lao động.
Như vậy, đóng bảo hiểm thất nghiệp ngắt quãng thì vẫn được tính hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Đóng bảo hiểm thất nghiệp ngắt quãng thì có được tính hưởng trợ cấp thất nghiệp không?
Thời điểm đóng bảo hiểm thất nghiệp của người lao động là khi nào?
Căn cứ theo Điều 12 Nghị định 28/2015/NĐ-CP được sửa đổi bởi khoản 4 Điều 1 Nghị định 61/2020/NĐ-CP có quy định như sau:
Đóng bảo hiểm thất nghiệp
1. Thời điểm đóng bảo hiểm thất nghiệp của người sử dụng lao động và người lao động là thời điểm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc.
2. Người lao động được xác định là đang đóng bảo hiểm thất nghiệp theo quy định tại Điều 49 Luật Việc làm khi thuộc một trong các trường hợp sau:
a) Người lao động đã đóng bảo hiểm thất nghiệp của tháng chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc và được cơ quan bảo hiểm xã hội xác nhận trên sổ bảo hiểm xã hội;
b) Người lao động đã đóng bảo hiểm thất nghiệp của tháng liền kề trước tháng chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc và được cơ quan bảo hiểm xã hội xác nhận trên sổ bảo hiểm xã hội;
c) Người lao động có tháng liền kề trước tháng chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc tháng chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc mà nghỉ việc do ốm đau, thai sản từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng, không hưởng tiền lương tháng tại đơn vị và được cơ quan bảo hiểm xã hội xác nhận trên sổ bảo hiểm xã hội;
3. Tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của người lao động được tính nếu người sử dụng lao động và người lao động đã thực hiện hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc và đã đóng bảo hiểm thất nghiệp.
Trường hợp người lao động đã được giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp, sau khi chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp mới được cơ quan bảo hiểm xã hội xác nhận bổ sung thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp thì thời gian này được xác định là thời gian đóng nhưng chưa hưởng trợ cấp thất nghiệp theo quy định tại khoản 1 Điều 45 Luật Việc làm.
Như vậy, thời điểm đóng bảo hiểm thất nghiệp của người lao động là thời điểm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc.
Người lao động hưởng trợ cấp thất nghiệp có được hưởng bảo hiểm y tế không?
Căn cứ theo Điều 51 Luật Việc làm 2013 có quy định như sau:
Bảo hiểm y tế
1. Người đang hưởng trợ cấp thất nghiệp được hưởng chế độ bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế.
2. Tổ chức bảo hiểm xã hội đóng bảo hiểm y tế cho người đang hưởng trợ cấp thất nghiệp từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp.
Theo đó người lao động hưởng trợ cấp thất nghiệp được hưởng chế độ bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế.
Không đóng bảo hiểm thất nghiệp công ty trả thêm tiền hay không?
Căn cứ theo Điều 168 Bộ luật Lao động 2019 quy định như sau:
Tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp
1. Người sử dụng lao động, người lao động phải tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp; người lao động được hưởng các chế độ theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp.
Khuyến khích người sử dụng lao động, người lao động tham gia các hình thức bảo hiểm khác đối với người lao động.
2. Trong thời gian người lao động nghỉ việc hưởng chế độ bảo hiểm xã hội thì người sử dụng lao động không phải trả lương cho người lao động, trừ trường hợp hai bên có thỏa thuận khác.
3. Đối với người lao động không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp thì người sử dụng lao động có trách nhiệm chi trả thêm cùng lúc với kỳ trả lương một khoản tiền cho người lao động tương đương với mức người sử dụng lao động đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.
Theo đó, đối với người lao động thuộc diện không phải tham gia bảo hiểm thất nghiệp thì công ty có trách nhiệm chi trả thêm cùng lúc với kỳ trả lương một khoản tiền cho người lao động tương đương với mức người sử dụng lao động đóng bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động theo quy định của pháp luật về bảo hiểm thất nghiệp.